Dáng cha trên nẻo thời gian

Thời gian lặng lẽ trôi, quá khứ như khúc sông lở bồi theo năm tháng. Để rồi một hôm đứng giữa những ngã rẽ cuộc đời, ta lại bồi hồi nhớ da diết những con đường dẫn về ngôi nhà cũ. Những con đường mà ba đã đi qua suốt bao tháng năm dài. Nhắm mắt lại, tôi cũng có thể hình dung dáng ba trĩu gầy, đầu đội chiếc mũ tai bèo đã sờn xiêu vẹo trên chiếc xe đạp cũ.

Dáng ba là thế, luôn luôn tất bật. Bóng dáng ấy dù bao năm trôi qua vẫn in đậm trong tâm trí tôi không thể nào phai. Tôi nhớ dáng ba thoăn thoắt trên đường quê mặc dù trên vai đang vác cái cày nặng trĩu. Con đường in dấu chân ba khi nông khi sâu, mỗi ngày ra đồng chăm lo cày cấy. Mùa mưa, hoa xuyến chi trắng lối, tôi có cảm giác như hoa nở từ đôi bàn chân ba. Ba đi con đường bùn lầy để mở lối tương lai con rộng mở.

Cũng có con đường tôi cùng ba bước đi, ba nắm tay tôi, bàn tay chai sần bên bàn tay mềm bé nhỏ. Đó là con đường ba đưa tôi đi học, ngày tôi mới bập bẹ đánh vần, e sợ không dám bước đi. Ba đã dẫn tôi đi như khi tập cho tôi những bước chập chững đầu đời. Tôi an tâm đi cạnh bên, thỉnh thoảng chạy nhanh lên trước nhưng bàn tay vẫn không rời tay ba. Ba đưa tôi đến tận lớp học rồi nán lại bên ngoài cửa sổ, đợi tôi say sưa học hành cùng chúng bạn rồi mới rón rén ra về. Cũng con đường đó ba đón tôi vào giờ tan học, trên tay lúc nào cũng cầm theo vài nắm cơm hay củ sắn, củ khoai. Tôi vừa ăn vừa nhảy chân sáo vì đã thuộc đường. Con đường in hai chiếc bóng, một lớn một nhỏ, con đường có cỏ hoa may bám đầy vạt áo…

Cứ thế, ba đưa mấy anh chị em tôi lần lượt đến trường. Các con càng lớn, làm nông nghiệp không đủ ăn, ba thêm nghề hớt tóc dạo, đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Không đếm xuể bao con đường ba đã đi giữa trời trưa, nhưng tôi chỉ thấy lúc ba về, nụ cười nhẹ nhàng khi ba dựng chiếc xe đạp rồi ngồi nghỉ bên thềm nhà, mồ hôi giọt ngắn giọt dài thi nhau lấm tấm. Tôi lớn lên bình lặng bên tổ ấm vui vầy. Tôi không biết ba đã đổi lấy điều đó bằng bao nhiêu bước chân trên bao nhiêu con đường, con đường trần ai, ba đi trên chông gai để con được hoa hồng trải lối.

Rồi cũng đến một ngày tôi có con đường của riêng mình, ba tiễn tôi ra xe, ba muốn nói thật nhiều nhưng không thốt ra được lời nào... Và, trên mỗi bước đường của tôi sau này đều có hình bóng ba. Điều khiến tôi phấn đấu chính là nụ cười hiền khắc khổ và dáng ba liêu xiêu trên những con đường với âu lo đè nặng.

Người ta nói trăm sông cũng đổ về biển lớn, những con đường dẫn ta đi muôn ngả rồi lại dẫn ta về với muôn vạn yêu thương. Cho dù con đường đó bây giờ đã xa lắc, không còn những ngọn cỏ lơ thơ hay những viên sỏi nhỏ. Những con đường đó và hình bóng ba vẫn còn in vào nhau, in vào ký ức, để ta mãi nhớ có những nẻo đường mà ba đã chịu đựng nhọc nhằn cả đời để đổi lấy cho con.

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Kim Loan

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171259/dang-cha-tren-neo-thoi-gian