Đảng đoàn Quốc hội thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm triển khai Nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Kế hoạch số 1392KH/ĐĐQH15 triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được giao trong Nghị quyết số 27NQ/TW và Nghị quyết số 28. Trong đó nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Kế hoạch số 1392-KH/ĐĐQH15 triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được giao trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Mục đích của Kế hoạch là xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan khác có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong việc trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về các công việc được giao.
Việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này phải được tiến hành nghiêm túc, thiết thực, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bám sát nội dung và yêu cầu công việc được giao trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Kế hoạch số 11-KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch số 12-KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Kế hoạch quy định cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm, tiến độ và phân công thực hiện.
Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 27 và Nghị quyết số 28. Cụ thể:
Nhiệm vụ 1: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, trong đó có 5 nhiệm vụ thành phần gồm:
Nhiệm vụ "Lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên tất cả các mặt lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước". Đây là nhiệm vụ được tiến hành thường xuyên, do Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện; Văn phòng Quốc hội là cơ quan thường trực.
Nhiệm vụ "Xây dựng Đề án về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả" do Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ đạo thực hiện; Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thường trực; hoàn thành việc xây dựng dự thảo Đề án vào tháng 12.2023.
Nhiệm vụ "Xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội" do Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo thực hiện; Ban Công tác đại biểu là cơ quan thường trực; nghiên cứu, hoàn thành việc xây dựng dự thảo Đề án vào tháng 12.2023.
Nhiệm vụ "Xây dựng Đề án đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội" do Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo thực hiện; Ban Công tác đại biểu là cơ quan thường trực; tổ chức rà soát, hoàn thành việc xây dựng dự thảo Đề án trong tháng 6.2023.
Nhiệm vụ "Xây dựng Đề án đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp" do Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo thực hiện; Ban Công tác đại biểu là cơ quan thường trực; nghiên cứu, hoàn thành việc xây dựng dự thảo Đề án vào tháng 12.2023.
Nhiệm vụ 2: Chỉ đạo, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, sự đồng bộ giữa văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Nhiệm vụ này do Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện; Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thường trực. Về tiến độ, Đảng đoàn yêu cầu việc đề xuất bổ sung nhiệm vụ lập pháp mới hoàn thành trong quý II năm 2023. Hằng năm, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổng hợp, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện
Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và các nội dung về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được xác định tại Kế hoạch này.
Nhiệm vụ 3: Tham mưu cho Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, do Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ đạo thực hiện; Thường trực Ủy ban Tư pháp là cơ quan thường trực. Về tiến độ, tháng 2.2023: rà soát các nội dung, yêu cầu về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật trong Nghị quyết số 27-NQ/TW. Thời hạn nghiên cứu, tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội trong quá trình Bộ Chính trị ban hành Quy định thực hiện theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Nhiệm vụ 4: Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng mở rộng và phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của Nhân dân, do Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ đạo thực hiện; Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thường trực.
Về tiến độ, theo Kế hoạch, tháng 5.2024: hoàn thành tổng kết việc thực hiện pháp luật về dân chủ trực tiếp và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dân chủ trực tiếp. Tháng 8.2024: hoàn thành việc báo cáo
Đảng đoàn Quốc hội kết quả thực hiện các nhiệm vụ này.
Cùng với đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, trong quá trình thẩm tra các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần chú trọng xem xét, đánh giá việc mở rộng, phát huy các hình thức dân chủ trực tiếp của Nhân dân trong từng lĩnh vực, tương ứng với khả năng thực hiện và mức độ đáp ứng yêu cầu được nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Nhiệm vụ 5: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, do Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo thực hiện; Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội là cơ quan thường trực; hoàn thành trong tháng 12.2023.
Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch nêu rõ: Các cơ quan được giao trách nhiệm làm cơ quan thường trực đối với từng nhiệm vụ xác định rõ các nội dung công việc, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, tiến độ chi tiết, chủ động phân công, tổ chức triển khai thực hiện đúng yêu cầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ; kịp thời báo cáo Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Các cơ quan được giao làm nhiệm vụ thường trực chủ động, khẩn trương tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể (trừ các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên), ban hành các văn bản của Đảng đoàn Quốc hội gửi Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước có liên quan để đề nghị phối hợp thực hiện nhiệm vụ; theo dõi, đôn đốc, định kỳ tổng hợp báo cáo cấp chỉ đạo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao của các cơ quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ của mình, căn cứ vào các nội dung đã được xác định trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Kế hoạch của Bộ Chính trị và Kế hoạch này chỉ đạo, tổ chức, phối hợp thực hiện; kịp thời báo cáo Đảng đoàn Quốc hội các vấn đề phát sinh để xem xét, quyết định.
Văn phòng Quốc hội tham mưu, phục vụ và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí theo quy định để các cơ quan của Quốc hội thực hiện Kế hoạch này.
Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội phối hợp cùng Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội theo dõi quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, kịp thời báo cáo Đảng đoàn Quốc hội xử lý các vấn đề phát sinh; đồng thời phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch này báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.