Đăng kiểm ô tô tại Tp.HCM: Vẫn căng thẳng, ùn ứ kéo dài
Dù đã nhận được sự hỗ trợ nhưng công tác đăng kiểm tại Tp.HCM vẫn chưa thông thoáng, bởi số lượng phương tiện quá nhiều trong khi nguồn lực có hạn.
Ùn tắc xếp hàng cả offline lẫn online
Trong 1 tháng qua, hoạt động đăng kiểm tại Tp.HCM đã nhận được sự hỗ trợ của Cục Đăng kiểm Việt Nam và lực lượng, cảnh sát giao thông, quân đội nhưng tình trạng ùn tắc, xếp hàng kéo dài tại các trung tâm đăng kiểm vẫn tiếp diễn những ngày đầu tháng 4/2023.
Sáng 4/4, dưới thời tiết nắng nóng, tại Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) 50-04V ở phường Cát Lái, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM là tình trạng hàng dài xe xếp hàng dồn cục thành 2, 3 hàng từ đường Nguyễn Thị Định vào tận cổng trung tâm, kéo dài gần 2km.
Anh Bùi Hoàng Ân, tài xế xe đầu kéo, ngụ tại huyện Nhà Bè cho biết: "Tôi chờ đợi xếp hàng từ sáng sớm, nhìn lượng xe xếp hàng mà ngán, xếp 2 hàng kéo dài dằng dặc, nhích từng chút, không biết khi nào mới đến lượt mình".
Tương tự, Người Đưa Tin cũng ghi nhận tình trạng này tại Trung tâm Đăng kiểm 50-03S, phường Hiệp Bình Chánh, Tp.Thủ Đức khi dòng xe xếp hàng dài nhiều km, tràn ra Quốc lộ 13.
Còn tại Trung tâm Đăng kiểm 50-19D trên đường Hồ Văn Long, phường Tân Tạo, quận Bình Tân thì lượng xe xếp hàng ít hơn vì nơi đây chỉ vừa mới hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhân viên tại đây cho biết, trung tâm này chỉ nhận xe đăng ký qua ứng dụng "TTDK", các xe đến xếp hàng đột xuất không được nhận.
Di chuyển đến Trung tâm Đăng kiểm 50-01S, tại đây cũng treo bảng thông báo thực hiện đăng ký qua ứng dụng "TTDK".
Tài xế Bùi Hưng Long, chủ xe tải biển số 53U-19xx kể: "Tôi đăng ký qua mạng từ hơn nửa tháng trước, sáng nay mang xe đến nhưng bị rớt kiểm định vì lỗi thắng sau bên tài yếu, lệch 47%, tôi phải đi sửa ngay lập tức và buổi chiều xếp hàng lại".
Quan trọng hơn hết, các tài xế đều cho biết, lịch đăng ký hẹn đăng kiểm trên hệ thống gần như đã kín trong tháng 4, thậm chí qua đến tháng 5 vẫn không có lịch trống.
Tài xế Nguyễn Anh Dũng, 62 tuổi, ngụ quận 12 bức xúc: "Tôi đi nhiều trung tâm đăng kiểm, có nơi đóng cửa, nơi thì chờ đợi xếp hàng rất đông. Vừa mới đặt được lịch hẹn tại trung tâm 50-02S thì chỗ đó lại bị đóng cửa. Hiện nay, người dân rất khổ vì thiếu nơi kiểm định. Xe hết hạn đăng kiểm mà chúng tôi phải đợi cả tháng mới hoàn thành thủ tục này, quá vất vả và thiệt hại kinh tế".
Nói về thực trạng của doanh nghiệp, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp.HCM cho biết, nhu cầu đăng kiểm không được đáp ứng khiến ngành vận tải vô cùng khó khăn. Một phương tiện đi đăng kiểm hiện nay tốn chi phí khoảng từ 12 - 20 triệu đồng cùng 5 ngày chờ đợi, tương ứng với 5 ngày dừng hoạt động, mất doanh thu khoảng 5 triệu đồng.
“Nội dung kiểm tra của đăng kiểm rất phức tạp. Nếu đáp ứng được thì xe cũ gần như đã thành xe mới. Chưa kể tài xế rất cực, phải thức thâu đêm chờ đợi và di chuyển để được đăng kiểm”, ông Quản chỉ ra.
Đại diện Hiệp hội này cũng nhìn nhận, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 02 sửa đổi, miễn kiểm định đối với xe ô tô mới và kéo dài chu kì kiểm định của nhiều loại phương tiện. Đây là những động thái rất tích cực và phù hợp nhưng cũng chỉ có thể giảm áp lực nhất thời.
Còn ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Tp.HCM hoan nghênh lãnh đạo ngành GTVT đã chấp nhận những giải pháp có hiệu quả mà chưa từng có tiền lệ, ban hành những quy định mới để có giải pháp cho công tác đăng kiểm.
Ông Tính kỳ vọng, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm vận dụng những giải pháp tạm thời, tiếp tục mở rộng các giải pháp mang tính dài hạn, bền vững như kéo dài chu kỳ của các loại đăng kiểm lên 3 năm, 5 năm, thậm chí tới 7 năm như Thái Lan cũng như một số nước.
Đồng thời, có thể tổ chức tập huấn đăng kiểm viên theo dạng cấp bách, không cần bổ nhiệm mà theo hình thức hợp đồng, công nhận họ là đăng kiểm viên thay vì đào tạo bài bản từ 3 - 5 năm nhằm lấp khoảng trống thiếu đăng kiểm viên, thiếu chuyền đăng kiểm hiện nay.
Điều chỉnh quy định đăng kiểm cho phù hợp
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM nhận định, từ tháng 10/2022 trở lại đây, biến động lớn trong ngành đăng kiểm đã ảnh hưởng lớn tới tổ chức, cá nhân cũng như các doanh nghiệp.
Có thời điểm, Thành phố này chỉ còn 8/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động. Đến thời điểm này, Tp.HCM có 11/19 trung tâm đăng kiểm với 23 chuyền, công suất 1.410 xe/ngày.
Theo thống kê trung bình các năm, ở giai đoạn tháng 3/2013, có khoảng 50.000 phương tiện tới hạn đăng kiểm, tới tháng 4/2023 có khoảng 85.000, chưa kể khoảng 30% xe từ tháng trước chưa được đăng kiểm.
“Điều đó nghĩa là, tình hình giai đoạn tới sẽ rất căng thẳng. Những biện pháp Bộ GTVT vừa ban hành sẽ có tác dụng giải quyết vấn đề trong khoảng 6 tháng nữa, không phải cho hiện tại. Còn những biện pháp mà Sở GTVT Tp.HCM áp dụng thời gian qua như phân luồng, phân tuyến, mở app đăng ký đăng kiểm trực tuyến hoặc động viên anh em đăng kiểm làm thêm giờ cả ngày nghỉ... cùng chỉ mang tính tình thế. Tôi chỉ lo thời gian kéo dài, chưa biết bao giờ kết thúc, áp lực lại lớn, sức lực của các anh em đăng kiểm sẽ chịu không nổi", ông Bùi Hòa An lo ngại.
PGS.TS. Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM cho rằng, tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm hiện nay còn có nguyên nhân do quy trình đăng kiểm bất hợp lý khiến số lượng phương tiện phải đi đăng kiểm tăng lên không cần thiết.
Đơn cử, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, ô tô 2 năm mới phải đăng kiểm, trong khi ở Việt Nam chu kỳ đăng kiểm là 1 năm hoặc 6 tháng tùy loại phương tiện.
Bên cạnh đó, các phương tiện mới vừa mua về cũng phải đi đăng kiểm, trong khi xe mới đã được kiểm tra rất kỹ lưỡng theo các quy trình nghiêm ngặt của các hãng sản xuất ô tô. Nếu điều chỉnh lại được các quy định bất hợp lý này thì sẽ giảm thiểu được số lượng lớn phương tiện chen nhau xếp hàng chờ đăng kiểm hằng ngày.
Đưa ra dự báo tháng 4/2023 nhu cầu đăng kiểm của người dân sẽ tăng cao trở lại, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhìn nhận, nếu không tuyển dụng kịp thời để đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đăng kiểm viên để bố trí nhân sự, khôi phục các đơn vị đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động thì rất có thể sẽ lại xảy ra tình trạng ùn tắc đăng kiểm.
Do đó, ông Tạo đề xuất, Bộ Nội vụ nên xem xét kỹ lưỡng, có hướng dẫn cụ thể đối với Cục Đăng kiểm về quy trình tuyển dụng sao cho nhanh nhất, để kịp thời tuyển dụng nhân sự đăng kiểm viên theo đúng quy định pháp luật.
Đối với giải pháp miễn kiểm định lần đầu với ô tô mới, ông Tạo nhận xét, ô tô mới chưa sử dụng khi bán ra không cần thực hiện các quy trình đăng kiểm như: kiểm tra phanh, hệ thống lái, khí thải là phù hợp bởi khi xuất xưởng, nhà sản xuất đã tiến hành quy trình thử nghiệm và kiểm tra các hạng mục trên, được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận xuất xưởng, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đủ điều kiện bán ra thị trường, tham gia giao thông.
Vì thế, việc bỏ qua các quy trình đăng kiểm lần đầu, kiểm tra các hạng mục đó là hợp lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân để phục vụ những công việc khác.
Dự kiến trong giai đoạn 1 (từ ngày 1/7), Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ áp dụng việc miễn kiểm định lần đầu cho ô tô mới, nhưng chủ xe vẫn phải mang xe tới trung tâm đăng kiểm nhận giấy kiểm định và tem miễn kiểm định lần đầu và nộp phí bảo trì đường bộ.
Một số đại lý kinh doanh ô tô cho rằng, việc miễn giảm kiểm định xe lần đầu đối với xe mới chưa qua sử dụng là điều rất đáng hoan nghênh, giúp tiết kiệm chi phí rất lớn cho doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, với tình trạng ùn ứ, quá tải như thời gian vừa qua tại các trung tâm đăng kiểm, thì việc chỉ bỏ duy nhất khâu khám xe sẽ không giúp giảm ùn tắc đăng kiểm mà cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn.