Đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không đợi phút cuối

Các chuyên gia khuyến cáo thí sinh không nên để ngày cuối, phút cuối mới thực hiện đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung...

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Điểm thi Trường THCS Mỹ Đình II (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: TG

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Điểm thi Trường THCS Mỹ Đình II (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: TG

Đề phòng rủi ro

Theo quy định, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đến 17 giờ ngày 30/7. Sau thời gian này, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) sẽ “đóng cửa” và thí sinh hết quyền đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng.

Khuyên thí sinh không nên để phút chót mới “chốt” việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, GS.TS Đào Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình (Hà Nội), phân tích, nhận thức là một quá trình, vì vậy việc đăng ký ngành học, trường học được thí sinh tư duy, nghiên cứu từ trước. Nay chỉ là bước để các em rà soát, củng cố lại niềm tin và khẳng định sự chắc chắn của mình.

“Thí sinh cần thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống, muộn nhất là chiều ngày 28/7 phải hoàn thành. Các em không nên để đến ngày 30/7 mới thực hiện đăng ký, đề phòng rủi ro, sự cố kỹ thuật”, GS.TS Đào Văn Đông khuyến nghị.

GS.TS Đào Văn Đông tư vấn: Đăng ký ngành học, trường học cần dựa trên 3 tiêu chí là đam mê, sở thích; căn cứ vào phổ điểm, điểm thi tốt nghiệp THPT của mình và điểm chuẩn trúng tuyển trong 2 năm gần nhất của ngành học, trường học mà mình dự định đăng ký xét tuyển; cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Hệ thống sẽ khóa chức năng đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong 2 ngày tới, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), khuyến cáo, nếu để đến ngày cuối và phút cuối mới đăng ký, các em có thể gặp sự cố nghẽn mạng. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để thí sinh thực hiện đăng ký trên Hệ thống.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, thí sinh đã nhận được những dữ liệu quan trọng nhất. Đây là thời khắc quan trọng để thí sinh đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống. Tuy nhiên, nhiều em chưa đặt nguyện vọng vì còn phân vân.

Nguyên tắc thí sinh cần ghi nhớ khi đăng ký trên Hệ thống là: Sắp xếp nguyện vọng yêu thích nhất lên đầu; sau đó là các nguyện vọng ít yêu thích hơn nhưng phù hợp với năng lực, hoàn cảnh... Hệ thống sẽ lọc ảo để thí sinh chỉ trúng tuyển nguyện vọng duy nhất. Nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở nguyện vọng nào, Hệ thống dừng ở nguyện vọng đó.

Khuyên không nên đăng ký một nguyện vọng duy nhất, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh, việc này có thể dẫn đến rủi ro, dễ rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Vì vậy, thí sinh nên đăng ký một số nguyện vọng nhưng cũng không nhất thiết đăng ký quá nhiều. “Các em không cần đặt đến hàng trăm nguyện vọng. Thay vào đó, nên chia nguyện vọng các trường ở vị trí khác nhau”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy tư vấn.

GS.TS Đào Văn Đông tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển cho thí sinh. Ảnh: TG

GS.TS Đào Văn Đông tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển cho thí sinh. Ảnh: TG

Những lỗi thường gặp của thí sinh

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm: Về mặt kỹ thuật, thí sinh quên không kết thúc quy trình điều chỉnh, dẫn tới Hệ thống không ghi nhận. Cùng đó, đôi khi thí sinh nghe trên truyền thông và nhầm lẫn rằng, khi đã trúng tuyển vào một nguyện vọng xét tuyển sớm của trường nào đó thì bắt buộc phải đặt nguyện vọng 1.

“Tôi đính chính, không có trường nào được yêu cầu các em phải đặt nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm thành nguyện vọng 1. Việc các trường truyền thông, khuyến cáo: Nếu thí sinh muốn chắc chắn trúng tuyển thì đặt là nguyện vọng 1. Tuy nhiên, đây chỉ là lời khuyến khích, không mang tính chất bắt buộc. Nguyện vọng nào các em thực sự yêu thích, mong muốn được trúng tuyển nhất dù là bằng phương thức nào, hãy đặt lên đầu tiên”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhắc lại.

GS.TS Đào Văn Đông cho hay, nhiều em chưa xác định được ngành học, trường học phù hợp nên lúng túng khi thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. Năm ngoái, nhiều thí sinh không cẩn thận, không đọc hướng dẫn đăng ký nguyện vọng nên thực hiện không đúng, đầy đủ hết quy trình đăng ký trên Hệ thống. Cũng có em không kiểm tra lại thông tin sau khi hoàn tất việc đăng ký trên Hệ thống, dẫn đến những sơ suất, sai sót không đáng có.

Tại chương trình Tọa đàm trực tuyến “Bắt trúng nguyện vọng, chọn đúng tương lai”, chuyên gia giáo dục, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc chia sẻ câu chuyện về sự nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển: Có thí sinh đăng ký vào một trường đại học lớn và nhầm lẫn giữa hai mã ngành.

Hai tên ngành này giống nhau, một là chương trình thường và một là chương trình chất lượng cao. Tuy nhiên, học phí khác nhau rất nhiều. Khi đăng ký xong, Hệ thống ghi nhận thí sinh trúng tuyển vào chương trình chất lượng cao. Thí sinh hốt hoảng vì không thể trang trải vấn đề về học phí. Tuy nhiên, rất khó để sửa chữa “sự cố” này.

Từ đó, thầy Vũ Khắc Ngọc nhấn mạnh, thí sinh cần cẩn thận trong từng khâu và từng thao tác nhỏ. Các em kiểm tra lại thật kỹ thông tin. Khi mọi thứ đã chuẩn chỉnh, cần xác nhận lại thông tin đó. “Những lỗi đáng tiếc nhất thường là sai sót nhỏ. Dù nhỏ nhặt nhưng đôi khi lại có tác động lớn đến kết quả. Đây là điều tôi muốn lưu ý thí sinh năm nay”, thầy Ngọc bày tỏ.

Năm nay, dù thí sinh không phải chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển nhưng theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội), trong phần chọn cơ sở dữ liệu để đối chiếu, các em cần chọn đầy đủ các dữ liệu như: Học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực… rồi lựa chọn đúng, đủ.

Khi đó, Hệ thống sẽ đảm bảo xét tuyển cho thí sinh vì đã có đủ dữ liệu. “Các em nhớ lựa chọn nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện vào danh sách đăng ký của mình và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh lưu ý.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, một số thí sinh đặt quá ít nguyện vọng hoặc dồn các nguyện vọng vào nhóm trường tốp cao. Cách làm này có thể dẫn tới rủi ro lớn khiến các em trượt tất cả nguyện vọng. Điều này đồng nghĩa với việc các em không trúng tuyển đại học.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dang-ky-dieu-chinh-nguyen-vong-xet-tuyen-khong-doi-phut-cuoi-post648404.html