Đằng sau phát biểu 'tiếp quản Gaza' của ông Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ 'sẽ tiếp quản' dải Gaza, một trong những lý do quan trọng nhất nhưng bị truyền thông 'lờ' đi sau quyết định này là năng lượng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này "sẽ tiếp quản" Dải Gaza, trong khi người Palestine sống ở đó nên được di dời đến Jordan hoặc Ai Cập.
Theo Asia Times, một trong những lý do quan trọng nhất nhưng thường bị bỏ qua đằng sau quyết định này chính là năng lượng. Cả Israel và Gaza đều có trữ lượng khí đốt tự nhiên ngoài khơi khổng lồ. Việc phát triển các nguồn lực này có thể giúp tài trợ cho việc tái thiết Gaza.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_83_51469437/39de33690227eb79b236.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Ông Trump có thể sẽ muốn hành động nhanh chóng để tận dụng cơ hội ngàn năm có một này, trong khi các bên đang cố gắng chạy đua để đẩy khí đốt tự nhiên Nga ra khỏi châu Âu và tìm kiếm các nhà cung cấp mới.
Các mỏ khí đốt ngoài khơi lớn của Israel - Leviathan, Tamar và Dalit - hiện đã đi vào hoạt động hoặc đang được Chevron và một số công ty dầu mỏ tầm trung khác của Israel thăm dò.
Ngày 4/2, công ty năng lượng nhà nước SOCAR của Azerbaijan mua 10% cổ phần tại mỏ khí đốt Tamar.
Ba tháng trước vụ tấn công ngày 7/10/2023, Hamas đạt được một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian để cho phép phát triển một mỏ khí đốt có tiềm năng quan trọng ngoài khơi bờ biển Gaza.
Ba tháng sau, ngày 7/10, Israel gây tranh cãi khi cấp quyền thăm dò cho Eni (Italia), Dana Energy (Anh) và Ratio Petroleum (Israel) để thăm dò trong phạm vi ranh giới hàng hải của Palestine. Trong khi cuộc chiến ở Gaza vẫn đang diễn ra ác liệt, các dự án phát triển năng lượng lớn trong khu vực vẫn đang tiến triển nhanh chóng.
Các quốc gia đang hành động
Đường ống dẫn khí đốt Qatar - Thổ Nhĩ Kỳ được quy hoạch để vận chuyển khí đốt từ Qatar qua Ả-rập Xê Út, Jordan và Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Vào năm 2009, nhà lãnh đạo Syria lúc bấy giờ là Bashar al-Assad bác bỏ dự án này.
Bộ trưởng năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố công khai rằng kế hoạch này có thể được khôi phục nếu "Syria đạt được sự toàn vẹn lãnh thổ và ổn định". Thêm vào đó, Qatar muốn đa dạng hóa các tuyến xuất khẩu ngoài việc vận chuyển LNG qua đường ống.
Iran cũng có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu qua Iraq và Syria. Dự án Đường ống Ba Tư này không có thông tin cập nhật nào về tiến độ kể từ năm 2016. Với sự lãnh đạo mới của Syria và tình trạng cô lập chính trị ngày càng gia tăng của Iran, thỏa thuận đó sẽ không sớm xảy ra.
Libya trong khi đó liên tục rơi vào cuộc nội chiến/khủng hoảng chính trị kể từ năm 2011. Mọi thứ đang có vẻ tốt hơn. Hai tuần trước, một hội nghị dầu mỏ lớn được tổ chức tại Tripoli với sự tham dự của nhiều người Mỹ và châu Âu. Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Thương mại Libya đã công khai kế hoạch tổ chức một hội nghị tái thiết sớm nhất có thể.
Với trữ lượng hydrocarbon lớn nhất thế giới, Libya đang hy vọng có thể quay trở lại cuộc chơi mạnh mẽ.
Tại sao tất cả các quốc gia này- Israel, Qatar, Libya, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ- đều nhanh chóng hành động để phát triển nguồn cung cấp khí đốt và năng lực đường ống?
Bởi vì châu Âu đang rất muốn thay thế nguồn năng lượng của Nga, và bất kỳ ai cung cấp được nguồn khí đốt đó sẽ giành được quyền lực kinh tế và địa chính trị đáng kể.
Tất cả những người chơi này đều biết rằng họ cần phải hành động nhanh chóng trước khi cuộc chiến ở Ukraine bị lãng quên và Nga quay trở lại.
Quyết định của ông Trump về Gaza
Việc di dời người Palestine từ Gaza đến Jordan hoặc Ai Cập được cho là có lợi ích trong việc bán khí đốt cho châu Âu, khi loại bỏ một trở ngại chính trị quan trọng, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển khí đốt. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, các mỏ khí đốt ở Gaza có thể được khai thác nhanh chóng mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài. Có thể xây dựng đường ống mà không phải thường xuyên đối mặt với mối đe dọa từ khủng bố hay nội chiến.
Theo Bloomberg, việc tái thiết Gaza có thể tốn hơn 80 tỷ USD. Phải có người trả tiền cho việc này và đó không phải là người nộp thuế ở Mỹ. Doanh thu từ khí đốt tự nhiên lúc này là giải pháp rõ ràng.
Nếu chiến lược này hiệu quả, những gì dành cho ông Trump và chính sách đối ngoại của Mỹ có thể rất lớn. Không chỉ là chứng kiến sự bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Israel do ông Trump làm trung gian, mà còn có thể là một hiệp định Trung Đông rộng lớn hơn bao gồm Syria, Lebanon, Israel, Jordan, Ả Rập Xê-út, UAE và Qatar, thành một hiệp ước kinh tế khu vực.
Không có điều nào trong số này là dễ dàng, và những thách thức to lớn tiềm ẩn có thể có nhiều nguy cơ phức tạp hơn tưởng tượng.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dang-sau-phat-bieu-tiep-quan-gaza-cua-ong-trump-ar925622.html