Đằng sau việc Malaysia muốn gia nhập BRICS
Giới tinh hoa ở Malaysia tin rằng việc liên kết với BRICS sẽ mang lại cho Malaysia những lợi thế đáng kể, tương tự với ảnh hưởng của hệ thống Bretton Woods.
Theo ông Lam Choong Wah, giảng viên Đại học Malaya, Malaysia hiện đang chuyển sang cách tiếp cận theo xu hướng, điển hình là mục tiêu trở thành thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Theo đó, Malaysia mong muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và giành lợi thế trong việc tiếp cận các thị trường và thể chế mới, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ dự phòng chung của BRICS.
BRICS là một tổ chức kinh tế liên chính phủ với các thành viên như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Ethiopia, nhằm tránh bị phụ thuộc vào nền kinh tế của phương Tây. Những người theo quan điểm ưu tiên phòng ngừa rủi ro đã chỉ ra rằng, Malaysia trước đây đã sử dụng cách tiếp cận này để điều hướng sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như ứng phó với bất ổn toàn cầu. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của BRICS, cùng với lập trường của phương Tây trong cuộc xung đột giữa Israel-Hamas, đã làm thay đổi cách tiếp cận của Malaysia.
Giới tinh hoa ở Malaysia tin rằng, việc liên kết với BRICS sẽ mang lại cho Malaysia những lợi thế đáng kể, tương tự với ảnh hưởng của hệ thống Bretton Woods.
Bretton Woods là hệ thống tài chính - tiền tệ thế giới được hình thành từ năm 1944, sau cuộc họp của 730 đại biểu đến từ 44 quốc gia tại thành phố Bretton Woods, bang New Hampshire, Mỹ để xây dựng hệ thống tài chính thế giới sau chiến tranh, tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế. Tại đây, các nước đã thống nhất thành lập ra một hệ thống tài chính được gọi là Bretton Woods - bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và chế độ tỷ giá hối đoái được xây dựng quanh đồng USD và vàng.
Malaysia đã bỏ lỡ cơ hội khi hệ thống Bretton Woods mới được thành lập và với việc sớm tham gia BRICS, chính phủ nước này đang mong muốn đóng vai trò dẫn đầu trong việc định hình tương lai kinh tế của khu vực. Quan điểm này dựa trên dự báo BRICS có thể cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu của Malaysia nhằm tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế và cải cách các tổ chức tài chính quốc tế. Việc Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim kêu gọi khôi phục Quỹ Tiền tệ châu Á là một tín hiệu rõ ràng về việc Malaysia mong muốn đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế khu vực.
BRICS sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp Malaysia tiếp cận các tổ chức như NDB, Quỹ dự phòng chung của BRICS và nền tảng thanh toán kỹ thuật số đa phương “BRICS Bridge”.
Ngoài ra, BRICS có thể cung cấp cho Malaysia quyền tiếp cận các thị trường mới nổi rộng lớn, đồng thời đặt mục tiêu cải cách quản trị kinh tế và tài chính toàn cầu thông qua điều chỉnh hạn ngạch và cơ cấu quản trị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm hỗ trợ các thị trường mới nổi.
Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy sự quan tâm của Malaysia đối với BRICS là mong muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại và đầu tư quốc tế. Mặc dù thị phần của Mỹ trong khối lượng thương mại của Malaysia đang giảm dần, từ 11,1% vào năm 2009 xuống còn 9,5% vào năm 2023, song thực tế đồng USD vẫn là ưu tiên trong các giao dịch thương mại. Cụ thể là 82,9% thương mại quốc tế của Malaysia trong năm 2009 được thanh toán bằng đồng USD. Đến năm 2023, con số này chỉ giảm nhẹ xuống còn 82,1%.
Sự phụ thuộc quá mức vào đồng USD đã gây ra mối lo ngại trong giới tinh hoa ở Malaysia. Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) cho rằng sự phụ thuộc này đang làm phức tạp quá trình thanh toán, làm tăng chi phí kinh doanh và khiến các công ty dễ bị tổn thương do sự biến động của đồng USD.
Mặc dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Malaysia lại bị ảnh hưởng bởi kinh tế Mỹ hơn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một báo cáo gần đây của ngân hàng BNM cho thấy, giá trị đồng USD biến động 1% sẽ ảnh hưởng đến 0,75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Malaysia sang Mỹ. Trong khi đó, sự thay đổi tương tự của đồng nhân dân tệ chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Malaysia sang Trung Quốc là 0,17%.
Để ứng phó với những thách thức này, Ngân hàng BNM đã đưa ra chính sách ngoại hối linh hoạt hơn, trong đó cho phép giao dịch và đầu tư được thanh toán trực tiếp bằng đồng ringgit Malaysia thông qua các ngân hàng trong nước được cấp phép và các văn phòng ở nước ngoài được chỉ định. Bên cạnh đó, BNM cũng thúc đẩy việc sử dụng tiền tệ địa phương để thanh toán xuyên biên giới với các đối tác thương mại chính.
Những nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực khi tỷ lệ trao đổi thương mại Malaysia-Trung Quốc được thanh toán bằng nhân dân tệ và ringgit tăng từ 1,2% vào năm 2009 lên 24,4% vào năm 2023. Tương tự, tỷ lệ thanh toán bằng đồng nội tệ trong thương mại của Malaysia với Thái Lan và Indonesia lần lượt tăng từ 6,4% lên 18,6% và từ 4,5% lên 7,6% trong cùng kỳ. Chỉ riêng năm 2023, Malaysia đã tiết kiệm được 74,7 tỷ ringgit (17,4 tỷ USD) thông qua việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại.
Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) Tengku Zafrul Aziz đã xác nhận tại Quốc hội rằng, BRICS có thể sẽ được mở rộng, bao gồm cả việc Malaysia gia nhập với tư cách là quốc gia đối tác, sẽ giúp cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc kinh tế phương Tây trong thể chế thương mại và tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Zafrul cũng không loại trừ khả năng BRICS sẽ có thêm lĩnh vực hợp tác quân sự trong tương lai./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dang-sau-viec-malaysia-muon-gia-nhap-brics/356933.html