Đằng sau việc quân đội Mỹ thử nghiệm trung tâm hậu cần bí mật tại vùng hẻo lánh của Australia-Kỳ cuối

Trung tâm này không chỉ hỗ trợ AUKUS bằng cách cung cấp nền tảng cho các hoạt động hậu cần chung, cho phép triển khai nhanh chóng lực lượng và thiết bị, mà khi tích hợp vào hậu cần QUAD còn giúp củng cố năng lực răn đe tập thể.

Bước tiến chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Thủy quân lục chiến Mỹ tập trận đổ bộ tại Bowen, Australia năm 2019. Nguồn: whs.mil

Thủy quân lục chiến Mỹ tập trận đổ bộ tại Bowen, Australia năm 2019. Nguồn: whs.mil

Kịch bản sử dụng trong thực tế

Năng lực của trung tâm Townsville có thể trở nên quan trọng trong một cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như một cuộc xung đột tại Biển Đông. Nếu căng thẳng về các vùng lãnh thổ tranh chấp leo thang, Mỹ có thể nhanh chóng triển khai lực lượng từ Townsville để hỗ trợ các đồng minh như Philippines hoặc Nhật Bản.

Các kho dự trữ tiền phương tại trung tâm, bao gồm xe cơ giới, pháo binh và vật tư y tế, sẽ cho phép các đơn vị như Sư đoàn Bộ binh 25 huy động trong vòng vài ngày thay vì vài tuần.

Ví dụ, trung tâm Townsville có thể hỗ trợ triển khai các hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, với tầm bắn khoảng 300 km và khả năng tấn công chính xác, như đã được chứng minh trong các cuộc tập trận Operose năm 2024. Năng lực phản ứng nhanh này có thể giúp ngăn chặn hành động gây hấn hoặc ổn định các tình huống bất ổn, củng cố cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Vai trò của trung tâm này trong các sứ mệnh nhân đạo cũng quan trọng không kém. Trong trường hợp xảy ra thiên tai, chẳng hạn như một cơn bão lớn tại các đảo Thái Bình Dương, các vật tư dự trữ sẵn ở tiền phương có thể được vận chuyển bằng đường không hoặc đường biển đến các khu vực bị ảnh hưởng, hỗ trợ hoạt động cứu trợ cùng với các đối tác trong khu vực. Sân bay và cảng của trung tâm sẽ cho phép di chuyển nhanh chóng nhân lực và vật tư, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho những cộng đồng đang cần giúp đỡ.

Vai trò chiến lược của Australia với tư cách là đối tác

Australia từ lâu đã là một trụ cột trong chiến lược của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một mối quan hệ đối tác được xây dựng trên các giá trị chung và lịch sử hợp tác quân sự.

Từ Thế chiến II, khi quân đội Mỹ và Australia chiến đấu cùng nhau ở Thái Bình Dương, hai quốc gia đã duy trì một liên minh chặt chẽ, được chính thức hóa bằng Hiệp ước ANZUS năm 1951.

Ngày nay, Australia là nơi đón nhận các đợt luân chuyển của Thủy quân lục chiến Mỹ tại Darwin và hỗ trợ các cuộc tập trận chung như Talisman Sabre, đã phát triển từ 16.000 binh sĩ vào năm 2005 lên hơn 35.000 người vào năm 2025.

Giá trị chiến lược của Australia nằm ở vị trí địa lý và sự ổn định chính trị. Nằm xa các đối thủ tiềm năng, Australia cung cấp một căn cứ an toàn để tổ chức các hoạt động quân sự và lưu trữ vật tư trang bị. Cơ sở hạ tầng tiên tiến và ngành công nghiệp quốc phòng phát triển của nước này càng làm tăng vai trò của họ như một trung tâm hậu cần quan trọng.

Tướng Charles Flynn, cựu Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của đóng góp từ Australia, cho rằng các cuộc tập trận như Talisman Sabre thể hiện khả năng tác chiến phối hợp cần thiết để đối phó với các thách thức trong khu vực. Khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vai trò hậu cần và tác chiến của Australia sẽ ngày càng được mở rộng.

AUKUS và hệ sinh thái quốc phòng khu vực

Trung tâm hậu cần mới này phù hợp với các mục tiêu rộng hơn của thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS, một liên minh giữa Mỹ, Australia và Vương quốc Anh.

Mặc dù AUKUS thường được biết đến nhiều nhất với việc Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng thỏa thuận này còn bao gồm những nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tích hợp năng lực quốc phòng giữa ba quốc gia.

Trung tâm Townsville sẽ hỗ trợ AUKUS bằng cách cung cấp nền tảng cho các hoạt động hậu cần chung, cho phép triển khai nhanh chóng lực lượng và thiết bị.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các cuộc tập trận sử dụng các hệ thống tiên tiến như HIMARS, vốn đang được Australia mua sắm trong chương trình hiện đại hóa quốc phòng của mình.

Vai trò của trung tâm Townsville không chỉ dừng lại ở việc lưu trữ thiết bị. Nó còn tạo điều kiện cho huấn luyện chung và chia sẻ dữ liệu, điều quan trọng đối với khả năng phối hợp tác chiến giữa lực lượng Mỹ, Australia và Anh.

Trong Talisman Sabre 2025, cuộc tập trận bao gồm nhóm tàu tấn công sân bay do Anh dẫn đầu, với sự tham gia của tàu HMS Prince of Wales và các tàu hỗ trợ của Na Uy, cho thấy phạm vi mở rộng của AUKUS.

Khả năng hỗ trợ các hoạt động đa quốc gia của trung tâm Townsville sẽ tăng cường khung hợp tác AUKUS, tạo ra một hệ sinh thái quốc phòng chặt chẽ, có khả năng ứng phó với các mối đe dọa phức tạp tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phản ứng khu vực và tác động địa chính trị

Việc thành lập trung tâm Townsville đã tạo ra nhiều phản ứng khác nhau trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trung Quốc, quốc gia nhìn nhận sự mở rộng quân sự của Mỹ trong khu vực với thái độ nghi ngờ, có khả năng xem trung tâm này như một động thái nhằm chống lại ảnh hưởng của họ.

Năm 2023, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích cuộc tập trận Talisman Sabre là một màn phô trương lực lượng khiêu khích, và những quan điểm tương tự có thể sẽ xuất hiện khi trung tâm mới đi vào hoạt động.

Phản ứng ngoại giao từ Bắc Kinh có thể bao gồm các lời kêu gọi kiềm chế hoặc tăng cường hoạt động hải quân ở Biển Đông nhằm thể hiện sự không hài lòng.

Trong khi đó, các đối tác khu vực thể hiện những quan điểm đa dạng:

Philippines, đồng minh theo hiệp ước với Mỹ, đã hoan nghênh sự hiện diện gia tăng của Mỹ, coi đó là biện pháp răn đe đối với các hành động mạnh bạo của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp.

Indonesia, quốc gia giữ lập trường không liên kết, có thể bày tỏ sự thận trọng nhằm tránh leo thang căng thẳng, dù nước này tham gia tập trận Talisman Sabre và đánh giá cao sự ổn định khu vực.

New Zealand, đối tác thân thiết của cả Mỹ và Australia, ủng hộ cuộc tập trận nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch để tránh những hiểu lầm không cần thiết.

Những phản ứng này cho thấy sự cân bằng mong manh mà Mỹ phải duy trì khi mở rộng mạng lưới hậu cần mà không làm mất ổn định khu vực.

Vai trò của QUAD trong hậu cần khu vực

Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD), bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, đóng vai trò then chốt trong việc định hình hậu cần khu vực. Trung tâm Townsville phù hợp với mục tiêu của QUAD là thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua khả năng phản ứng nhanh và phối hợp giữa các quốc gia thành viên.

Khả năng hỗ trợ các lực lượng đa quốc gia của trung tâm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến (interoperability), một trọng tâm của các cuộc tập trận QUAD như Malabar, bao gồm các cuộc diễn tập hải quân với Nhật Bản và Ấn Độ. Việc dự trữ sẵn thiết bị tại đây giúp rút ngắn thời gian triển khai, cho phép các quốc gia QUAD phản ứng nhanh chóng trước các cuộc khủng hoảng, dù là quân sự hay nhân đạo.

Việc tích hợp trung tâm Townsville vào hậu cần QUAD cũng củng cố năng lực răn đe tập thể. Ví dụ, trong một cuộc xung đột tiềm tàng, Nhật Bản có thể triển khai lực lượng đến Townsville để nhanh chóng tiếp nhận trang bị, trong khi Hải quân Ấn Độ có thể phối hợp các hoạt động hàng hải từ các cảng gần đó.

Cách tiếp cận theo mạng lưới này giúp giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của bất kỳ quốc gia nào, tạo ra một hệ thống hậu cần có khả năng chống chịu cao.

Trung tá Jon Peterson, trưởng nhóm hoạch định của Mỹ cho tập trận Talisman Sabre 2025, nhấn mạnh vai trò của cuộc tập trận trong việc xây dựng năng lực tác chiến chung, một mục tiêu phù hợp với định hướng chiến lược của QUAD.

Một bước tiến chiến lược

Trung tâm hậu cần mới của Lục quân Mỹ tại Townsville đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao mức độ sẵn sàng chiến đấu của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực ngày càng được định hình bởi sự cạnh tranh chiến lược.

Bằng cách tận dụng cơ sở hạ tầng ổn định và vị trí chiến lược của Australia, trung tâm này bảo đảm rằng các lực lượng Mỹ và đồng minh có thể phản ứng nhanh chóng trước nhiều tình huống, từ xung đột khu vực đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Việc tích hợp trung tâm này vào các khuôn khổ hợp tác như AUKUS và QUAD cho thấy một cam kết rộng lớn hơn đối với an ninh tập thể, thúc đẩy khả năng phối hợp tác chiến giữa các đồng minh chủ chốt.

Tuy nhiên, khi Mỹ mở rộng sự hiện diện hậu cần, họ cũng cần khéo léo điều chỉnh các động lực khu vực, cân bằng giữa răn đe và ngoại giao để duy trì sự ổn định.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dang-sau-viec-quan-doi-my-thu-nghiem-trung-tam-hau-can-bi-mat-tai-vung-heo-lanh-cua-australiaky-cuoi-20250707223747885.htm