Đảng viên tiên phong phát triển kinh tế
Trung Yên (Sơn Dương) - mảnh đất ATK giờ đây đang từng bước đổi thay từ sự năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân. Dẫu còn là xã đặc biệt khó khăn nhưng Trung Yên đang vươn lên trở thành xã nông thôn mới từ sự tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế của đảng viên.
Nói đi đôi với làm
Đồng chí Hoàng Cao Khải, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Bí thư Đảng ủy xã Trung Yên chia sẻ, đến hết năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vì vậy Đảng bộ xã chú trọng lãnh đạo phát huy vai trò nêu gương phát triển kinh tế của cán bộ, đảng viên. Những năm gần đây, nhiều cán bộ, đảng viên của xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiên phong phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập cho gia đình.
Anh Hoàng Đức Hơn, cán bộ bán chuyên trách của Văn phòng Đảng ủy xã, đảng viên Chi bộ thôn Quan Hạ là tấm gương năng động trong phát triển kinh tế. Trước đây, anh Hơn đầu tư chăn nuôi lợn nhưng giá cả lợn bấp bênh khiến cho gia đình anh nhiều phen lao đao. Được một người bạn ở xã Vân Sơn mách về hiệu quả nuôi cá lồng trên hồ, anh Hơn lặn lội đến tận nơi để tham quan, học tập mô hình nuôi cá lồng trên sông.
Sau đó, anh mạnh dạn nhận thầu hồ Ao Búc có diện tích mặt nước rộng 5 ha đầu tư nuôi cá lồng. Hiện nay, anh vừa thả cá rô phi đơn tính vừa nuôi 3 lồng cá lăng, cá trắm cỏ. Mỗi năm bình quân, anh xuất bán 1,5 tấn cá lăng và 4 tấn cá trắm cỏ, rô phi. Trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 200 triệu đồng/ năm từ nuôi cá. Ngoài nuôi cá, anh Hơn còn trồng 2 ha rừng. Mỗi chu kỳ khai thác trừ chi phí gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng từ rừng. Anh Hơn cho biết, là đảng viên, muốn vận động Nhân dân thì bản thân anh trước hết phải là tấm gương nói đi đôi với làm.
Ở Yên Thượng, nhiều người nhắc đến tấm gương năng động làm kinh tế của bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ma Hùng Phú. Mấy năm trước, anh Phú là người đầu tiên chuyển đổi đất màu trồng ngô sang trồng 5 sào dưa chuột và ớt chỉ thiên. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình liên kết trồng dưa chuột và ớt chỉ thiên, anh Phú tuyên truyền, vận động nhân dân ở Yên Thượng làm theo. Có lúc, diện tích trồng dưa chuột và ớt chỉ thiên của thôn lên tới gần 5 ha.
Cùng với trồng ớt chỉ thiên và dưa chuột, anh Phú còn kinh doanh nước lọc và đá viên cho người dân các xã trong vùng. Từ mô hình trồng trọt, kinh doanh của gia đình, mỗi năm, gia đình anh Phú thu thập hàng trăm triệu đồng đã trừ chi phí. Anh Phú bày tỏ: “Nếu mình để cái nghèo đeo bám thì mình có nói gì Nhân dân cũng không tin mình, do đó, với vai trò là bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, tôi luôn nhận thức rằng mình phải cố gắng, nỗ lực ngay từ chính trong gia đình mình”.
Những tấm gương đảng viên làm kinh tế giỏi ở Trung Yên còn có sức lan tỏa mạnh mẽ đến Nhân dân, giúp đỡ, hướng dẫn Nhân dân cùng làm theo để có cuộc sống ngày càng ấm no.
Đi trước mở lối cho Dân
Thôn Trung Long, thôn có diện tích chè lớn nhất của xã Trung Yên những ngày này rất nhộn nhịp. Trên những nương chè, tiếng cười nói của các bà các chị đi hái chè, tiếng máy sao chè, vò chè trong các hộ gia đình. Hương chè Trung Long thơm ngào ngạt. Dẫn chúng tôi tham quan các đồi chè có hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước và đã được kiến thiết, cải tạo, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận Trịnh Viết Ngọc khoe, cả thôn giờ có 60 ha chè, trong đó có tới 70% diện tích chè đã được chuyển đổi từ giống chè hạt, năng suất thấp sang trồng giống chè lai 1 cho năng suất, chất lượng và giá bán cao hơn hẳn.
Cả thôn giờ cũng có 4 xưởng chè. Chè là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình trong thôn. Người có công vận động Nhân dân chuyển đổi giống chè và cải tạo, kiến thiết các đồi chè hiện nay đó chính là Bí thư Chi bộ Trịnh Viết Ngọc. Thuyết phục được nhân dân, anh Ngọc đã tiên phong chuyển đổi 2 ha chè hạt của gia đình sang trồng chè lai 1, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để lắp đặt, đầu tư hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho đồi chè của gia đình.
Từ năm 2018, gia đình anh Ngọc đã mở xưởng chè với 15 máy sao chè, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương. Khi chuyển đổi từ trồng chè hạt sang trồng chè lai 1, anh Ngọc nhận thấy, năng suất cao gấp 1/3 so với trồng chè cành, giá bán cao gấp 2 đến 3 lần, trong các cuộc họp chi bộ, anh Ngọc quyết định đưa ra bàn bạc trong chi bộ để vận động Nhân dân chuyển đổi. Hiện nay, thôn Trung Long có 10 ha chè trồng theo hướng VietGap.
Ông Nguyễn Văn Thành, một trong nhiều hộ ở Trung Long chuyển đổi 1ha chè hạt sang trồng giống chè lai 1. Ông Thành cho biết: “Được sự vận động của bí thư chi bộ Trịnh Viết Ngọc và nhìn hiệu quả có thật, gia đình tôi cũng chuyển sang trồng chè lai 1. Nếu như trước đây, mỗi lứa, gia đình tôi chỉ thu được 80 kg đến 1 tạ chè búp tươi/sào, giá bán chỉ được 10.000 đồng/kg chè búp tươi thì nay gia đình tôi thu được 2 tạ chè búp tươi/ sào, gia bán từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg chè búp tươi. Bí thư chi bộ Trịnh Viết Ngọc chính là người mở lối để người dân chúng tôi khấm khá lên từ cây chè”.
Ở Yên Thượng nhiều người giờ nhắc đến đảng viên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bế Văn Tỉnh. Từ năm 2022, được tham gia nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do tỉnh, huyện tổ chức, anh Tỉnh nhận thấy nếu như có đồng đất bằng phẳng có thể trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế khá. Anh tìm về các xã Đại Phú, Văn Phú để học tập các mô hình trồng dâu nuôi tằm tại đây.
Sau đó anh nhận thầu đất 5% với diện tích 1,8 ha của xã để trồng dâu nuôi tằm. Anh bảo, nuôi tằm đầu tư không lớn, giá cả lại ổn định nên nhiều người có thể áp dụng được mô hình này. Mỗi lứa dâu, anh Tỉnh nuôi 10 nong tằm, 1 lứa tằm có thể thu từ 80kg đến 1 tạ kén, bình quân mỗi tháng thu 3 lứa kén, một năm thu 18 lứa kén, 1 tạ kén có giá bán 16 triệu đồng. Chỉ từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình anh Tỉnh đã thu 3 lứa kén, trừ chi phí thu lãi từ 20 đến 25 triệu đồng.
Đến nay, anh Tỉnh đã vận động, hướng dẫn 4 hộ trong xã chuyển đổi đất bãi sang trồng dâu nuôi tằm như hộ ông Triệu Đức Hà, Ma Văn Bảy, Đặng Ngọc Tuấn, thôn Ao Búc; Phùng Văn Tăng, thôn Yên Thượng. Diện tích trồng dâu của thôn Yên Thượng hiện nay là 3 ha. Mô hình trồng dâu nuôi tằm của anh Tỉnh hứa hẹn sẽ mở ra tiềm năng phát triển kinh tế mới cho người dân trong thôn.
Sự tiên phong đi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của đảng viên nơi đây đang tạo sức lan tỏa để người dân ở Trung Yên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, chung sức hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dang-vien-tien-phong-phat-trien-kinh-te-191454.html