Dáng vóc đậm nét Việt của Thiền Viện Trúc Lâm Hậu Giang
Thiền Viện Trúc Lâm tỉnh Hậu Giang cùng với nhiều Thiền Viện lớn khác trên khắp cả nước là nơi tu theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là một dòng thiền do vua Trần Nhân Tông – vị vua thứ ba triều đại nhà Trần khai mở và phát triển, mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tương truyền sau khi lãnh đạo cả nước chống quân Nguyên Mông và xây dựng đất nước yên bình, thịnh trị, Vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi lại cho con và lên núi Yên Tử xuất gia tu hành. Trải qua thời gian dài tu tập và đắc đạo, từ ba dòng Thiền trước đó, ngài đã dung hợp và sáng lập thành Thiền phái Trúc lâm Yên Tử.
Tọa lạc tại ngã ba Vĩnh Tường, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, Thiền viện Trúc Lâm ở Hậu Giang không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của các tăng ni, phật tử mà đây còn là công trình du lịch độc đáo.
Thiền viện mới được khánh thành năm 2018. Sau hơn 3 năm thi công, 16 hạng mục của Thiền viện được xây dựng trên diện tích rộng hơn 4 ha.
Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang hoàn thành có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của văn hóa Phật giáo, kết nối các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương.
Nhìn tổng quát, ngôi Thiền viện được xây dựng dựa trên kiến trúc cơ bản của chùa phong kiến Việt Nam mà cụ thể là phong cách mỹ thuật Phật giáo thời Lý, Trần. Những hạng mục chính gồm Cổng tam quan, chánh điện, nhà Tổ, tôn tượng Quan Âm lộ thiên, miếu thờ Mẹ Âu Cơ, lầu chuông. Ngoài ra còn có lầu trống, nhà nghỉ chân, giảng đường, trai đường cùng nhà trụ trì, nhà khách, thư viện, tăng xá, ni xá,…