Đang xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút nhân tài
Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút nhân tài, trong đó có bộ cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, tốt hơn, đủ mạnh để thu hút. Thủ tướng cũng yêu cầu cố gắng năm tới có nghị định tổng thể, bao quát để thu hút và trọng dụng nhân tài, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết.
Tại phiên chất vấn Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về nguồn nhân lực chất lượng trong khu vực công hiện nay.
Chỉ trong 2,5 năm vừa qua, đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Trong khi đó, việc thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học giỏi vào khu vực công lại gặp nhiều hạn chế, bất cập. Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn tỉnh Cà mau) nhấn mạnh trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh là thuật dùng người, cũng là luật trị quốc.
Do đó, việc thu hút nhân tài làm việc trong khu vực công đang cần được đẩy mạnh. Nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế - hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc trọng dụng nhân tài là yếu tố truyền thống của dân tộc từ xưa đến nay và là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước. Nội dung này đã được thể hiện rõ trong nghị quyết, văn kiện Đại hội XIII.
Nhìn ra thế giới, nhiều nước đã làm nên kỳ tích nhờ những nhân tài, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Bộ trưởng Trà cho biết.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo kết luận 86 của Bộ Chính trị thì mục tiêu tới năm 2020 thu hút 1.000 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 140.
Tuy nhiên, sau gần 4 năm, đến nay mới thu hút 258 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học, tức đạt 1/4 mục tiêu. Trong đó Trung ương 130 người, còn lại ở địa phương. "Chính sách tương đối tốt, nhưng chưa thu hút được nhiều sinh viên, cán bộ giỏi về làm việc ở khu vực công", bà Trà nhận định.
Nguyên nhân là nhiều bộ ngành, địa phương chưa quyết tâm tuyển dụng cán bộ theo Nghị định 140. Bộ Nội vụ đã tuyển được 17 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và đều làm việc rất tốt, tiếp cận công việc nhanh. "Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, nổi trội. Nếu các cơ quan, đơn vị quan tâm tuyển dụng đối tượng này thì đây là nguồn cán bộ tốt cho nền công vụ", bà khẳng định.
Giải pháp tới đây, Bộ trưởng Trà cho rằng cần đánh giá lại chính sách này. Khi xây dựng nghị định hướng dẫn đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu đưa ra chính sách tốt hơn, đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Tất nhiên không thể so sánh với khu vực tư nhưng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao đưa ra cần đặc thù, ưu đãi và đủ mạnh, môi trường làm việc tốt để công chức tuyển dụng phát huy tài năng. Đây là điều chúng tôi trăn trở và sẽ thúc đẩy thời gian tới", Bộ trưởng Trà cho biết.
Bên cạnh thu hút, trọng dụng nhân tài, bộ trưởng cũng cho biết việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm được đại biểu rất mong đợi. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế, trong khi thể chế có mặt chưa đồng bộ, có những vấn đề còn xung đột, chưa đảm bảo đủ yếu tố để cán bộ làm.
"Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang tập trung xây dựng một nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá về lợi ích chung để cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị", Bộ trưởng Trà cho biết.
Mặt khác, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện nay chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự gắn với quy hoạch và yêu cầu của vị trí việc làm.
Tổng bí thư: Thiếu cơ chế trọng dụng nhân tài
Đại biểu Cao Mạnh Linh (đoàn tỉnh Thanh Hóa) cho rằng cùng với việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm, cần chuyển hình thức bồi dưỡng bắt buộc theo ngạch hiện nay sang bồi dưỡng theo chức danh vị trí việc làm. Đồng thời, cần chú trọng hướng đến đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của cơ quan, người được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng mục đích nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng việc đào tạo cán bộ, công viên chức cần đi vào thực chất, không phải là chạy theo chứng chỉ hình thức.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo, đổi mới việc liên kết hợp tác để đào tạo cho một số đối tượng đặc thù. Bộ cũng đang hợp tác với các cơ sở giáo dục uy tín của nước ngoài như Nhật Bản, Pháp để đào tạo cán bộ, hướng tới cán bộ trẻ chất lượng cho chính quyền địa phương.