Đánh giá công nghệ dầm cánh rộng áp dụng cho các dự án hạ tầng giao thông

Sáng 8/6, tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Hội thảo 'Tổng kết dự án hỗ trợ kỹ thuật đánh giá công nghệ dầm cánh rộng áp dụng cho các dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam'.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Dự án hỗ trợ kỹ thuật đánh giá công nghệ dầm cánh rộng thuộc hợp phần B - Chương trình Aus4Transport được Chính phủ Australia viện trợ cho Chính phủ Việt Nam với mục tiêu hoàn thiện hồ sơ và thể chế hóa công nghệ dầm I cánh rộng ở Việt Nam nhằm mục tiêu hỗ trợ nâng cao hiệu quả kinh tế trong thiết kế và thi công cầu, bổ sung thêm giải pháp kết cấu cầu có khả năng vượt khẩu độ nhịp lớn, cấu tạo đơn giản, chiều cao dầm thấp.

Theo đại diện Ban tổ chức, Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp cả nước, do đó nhu cầu xây dựng cầu rất lớn. Qua thống kê cho thấy, kết cấu nhịp dầm giản đơn được áp dụng phổ biến nhất, tập trung vào các dầm có khẩu độ nhịp từ 24 đến 38 m, cá biệt có một số cầu sử dụng nhịp 42 m nhưng không phổ biến do dầm có độ mảnh theo phương ngang lớn dẫn đến khó khăn trong quá trình thi công và thực tế đã xảy ra một số sự cố đáng tiếc như tại công trình cầu Chợ đệm.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế cần có giải pháp cho dầm bê tông cốt thép dự ứng lực có chi phí hợp lý, cấu tạo đơn giản, chiều cao dầm chủ thấp, khả năng công nghiệp hóa cao và vượt được khẩu độ nhịp lớn hơn so với các kết cấu dầm nhịp giản đơn hiện tại, Bộ GTVT đã giao Trường Đại học GTVT chủ trì nghiên cứu dầm I cánh rộng bê tông cốt thép dự ứng lực có khả năng vượt khẩu độ nhịp đến 60 m để áp dụng vào cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam. Kết quả nghiên cứu hứa hẹn triển vọng khả năng áp dụng rất cao, tuy nhiên còn nhiều việc phải tiếp tục hoàn thiện trước khi áp dụng rộng rãi kết cấu này.

Theo đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 827/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT giai đoạn 2017 - 2021 sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, trên cơ sở đó Bộ GTVT đã phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật đánh giá công nghệ dầm cánh rộng áp dụng cho các dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam với mục tiêu hoàn thiện hồ sơ và thể chế hóa công nghệ dầm I cánh rộng ở Việt Nam, nhằm đa dạng hóa các giải pháp kỹ thuật trong thiết kế cầu giúp nâng cao hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của dự án. Dự án được triển khai dưới sự chủ trì quản lý của tư vấn của nhà tài trợ và có sự tham gia của chuyên gia cầu quốc tế.

Dự án gồm 2 giai đoạn hoạt động, trong đó bao gồm công tác đánh giá lợi ích về kinh tế - kỹ thuật của giải pháp dầm cánh rộng, đánh giá cơ hội ứng dụng dầm cánh rộng trong các dự án giao thông ở Việt Nam cũng như xây dựng hồ sơ thiết kế điển hình cho các khẩu độ nhịp từ 24 đến 60 m, xây dựng chỉ dẫn kỹ thuật thi công, nghiệm thu chủ đạo, định mức chế tạo dầm, chế tạo thử nghiệm 2 dầm và thử tải phá hoại đánh giá sức chịu tải của dầm.

Hội thảo đã trao đổi, tiếp tục làm rõ các vấn đề để hoàn thiện sản phẩm, đưa kết cấu dầm I cánh rộng áp dụng rộng rãi

Hội thảo đã trao đổi, tiếp tục làm rõ các vấn đề để hoàn thiện sản phẩm, đưa kết cấu dầm I cánh rộng áp dụng rộng rãi

Tại Hội thảo, nhiều tham luận được trình bày, báo cáo các kết quả nổi bật đạt được của dự án, những vấn đề mà các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp thi công quan tâm. Hội thảo cũng đã trao đổi, giải đáp nhằm tiếp tục làm rõ các vấn đề với mục tiêu cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm để đưa kết cấu dầm I cánh rộng áp dụng rộng rãi trong các dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật - môi trường.

Thông qua các dự án nêu trên, nhiều giải pháp, công nghệ kỹ thuật, kết cấu tiên tiến của Australia cũng như thế giới đã được chuyển giao cho các kỹ sư Việt Nam và được các đơn vị trong nước làm chủ như: Thiết kế thi công cầu dây văng, cầu đúc hẫng khẩu độ nhịp lớn, dầm Super T…

Hoàng Thạch

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/danh-gia-cong-nghe-dam-canh-rong-ap-dung-cho-cac-du-an-ha-tang-giao-thong-183240608165701786.htm