Đánh giá cụ thể tính khả thi, hiệu quả kinh tế của 'siêu cảng' Cần Giờ
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND TP. HCM khẩn trương hoàn thiện Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, trong đó lưu ý đánh giá rõ, cụ thể về: tính khả thi, hiệu quả kinh tế, tác động toàn diện các yếu tố về môi trường, hệ sinh thái…
Làm rõ các khái niệm "cảng thông minh", "cảng xanh"
Kết luận tại cuộc họp về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao việc Bộ Giao thông vận tải đã rất trách nhiệm và chủ động tổ chức, triển khai nghiên cứu, lập Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch). Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, khẩn trương gửi ý kiến tham gia theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải theo quy định.
Trên cơ sở ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành và địa phương, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến liên quan để hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch theo đúng quy trình, thủ tục và quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó lưu ý: các nội dung điều chỉnh, bổ sung phải được giải trình đầy đủ về cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học, yêu cầu thực tế và đánh giá tác động cả về hiệu quả kinh tế và môi trường theo quy định; những khái niệm mới chưa có trong văn bản quy phạm pháp luật ("cảng thông minh", "cảng xanh"...) phải được làm rõ khái niệm, nội hàm rõ ràng, khoa học và khả thi.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Đề án) theo quy định và theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản của Văn phòng Chính phủ: số 305/TB-VPCP ngày 2/8/2023, số 7320/VPCP-CN ngày 23/9/2023, số 52/TB-VPCP ngày 13/2/2024, trong đó lưu ý đánh giá rõ, cụ thể về: tính khả thi, hiệu quả kinh tế, tác động toàn diện các yếu tố về môi trường, hệ sinh thái, yêu cầu bảo đảm về quốc phòng, an ninh trong mối liên hệ với các quy hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch vùng và các quy hoạch khác có liên quan; tính khả thi và hiệu quả kinh tế trong mối quan hệ với cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, khu bến Cái Mép - Thị Vải.
Trên cơ sở đó, xác định, báo cáo rõ sản phẩm đầu ra của Đề án (quyết định bổ sung Quy hoạch bến cảng biển; cơ chế chính sách đặc thù đối với dự án đầu tư kinh doanh bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ;...), theo đó chỉ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ động có văn bản gửi Đề án (chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu và tính khả thi) đến Bộ Giao thông vận tải để tham khảo, nghiên cứu, xử lý trong quá trình lập Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động, phối hợp chặt chẽ và có văn bản hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải về trình tự, thủ tục, Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch, trong đó lưu ý sự cần thiết thành lập Hội đồng thẩm định để tiến hành thẩm định điều chỉnh Quy hoạch đảm bảo chặt chẽ, khoa học, phù hợp với Luật Quy hoạch và Nghị quyết 61/2022/QH15 của Quốc hội.
Khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030
UBND TP.HCM cũng vừa trình Thủ tướng Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo đó, vị trí xây dựng cảng là tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Vị trí này nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Thời gian qua, hãng tàu MSC (hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) đang rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua, dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Theo đó, tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính). Giai đoạn 2 (sau năm 2030 - 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.
Ở giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, dự kiến cảng sẽ đóng góp trực tiếp cho ngân sách từ 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm.
Về nguồn vốn, cảng trung chuyển, khu công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan sẽ đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư). Còn hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác...
Theo UBND TP.HCM, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ là cảng xanh. Việc phát triển cảng sẽ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; đảm bảo các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.