Đánh giá hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn nái bản địa sinh sản an toàn dịch bệnh
Ngày 10/12, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát, UBND xã Pa Cheo (huyện Bát Xát) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện mô hình chăn nuôi lợn nái bản địa sinh sản an toàn dịch bệnh, dựa vào quản lý cộng đồng năm 2024.
Mô hình chăn nuôi lợn nái bản địa sinh sản an toàn dịch bệnh, dựa vào quản lý cộng đồng năm 2024 được triển khai tại xã Pa Cheo từ tháng 5/2024 đến tháng 9/2025, với 40 hộ dân tham gia, quy mô 43 con lợn (lợn nuôi làm nái là giống lợn đen bản địa, trọng lượng trung bình 23 kg/con, đã được tiêm vắc-xin).
Mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% thức ăn hỗn hợp, hóa chất sát trùng, thuốc tẩy ký sinh trùng và chế phẩm sinh học, kinh phí tập huấn kỹ thuật, nghiên cứu học tập, quản lý giám sát, tổng kết, đánh giá nhân rộng mô hình. Hộ tham gia mô hình đối ứng 100% con giống, vắc-xin, chuồng trại, công lao động và các loại vật tư thiết yếu khác.
Trong thời gian triển khai mô hình, đàn lợn được chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng dịch đảm bảo quy trình kỹ thuật; chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, chất thải được thu gom xử lý; chuồng trại và khu vực xung quanh thường xuyên được vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng nên lợn khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh gây hại, tỷ lệ nuôi sống cao (đạt 100%); đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, tăng trọng lượng bình quân đạt 8,7 kg/con/tháng. Tính đến tháng 11/2024, tỷ lệ thụ thai lần đầu đạt 100%.
Về hiệu quả kinh tế, sau 7 tháng thực hiện mô hình, đàn lợn có trọng lượng bình quân 64 kg/con; ước tính cuối tháng 12/2024 có 28 con đẻ (số lợn đẻ ra ước 196 con); tổng thu hơn 746 triệu đồng, lợi nhuận ban đầu đạt 150 triệu đồng. Các hộ trong mô hình đã sản xuất ra 196 con lợn giống đảm bảo chất lượng cung cấp ra thị trường.
Tại hội nghị, các đại biểu và người dân đã đánh giá kết quả thực hiện mô hình; phương pháp, cách tiếp cận đầu tư, hỗ trợ mô hình ở cộng đồng; hiệu quả kinh tế, xã hội; những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm... đồng thời đề ra các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai.
Kết quả đánh giá cho thấy mô hình đã góp phần nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi lợn nái bản địa giúp phát triển nguồn gen quý, tạo ra sản phẩm an toàn; đảm bảo vệ sinh môi trường; hạn chế dịch bệnh và mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, có khả năng nhân rộng ra các địa bàn khác.