Đánh giá lại tổng thể dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng Định An
Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng cần phải nghiên cứu sâu, bài bản và đánh giá một cách toàn diện và dự liệu một cách khoa học về những tác động từ việc chỉnh trị, nạo vét luồng đến môi trường, xã hội, kinh tế.
Ngày 30-9, tại TP Cần Thơ, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.
Luồng Định An – Cần Thơ có chiều dài hơn 121km, là một trong ba tuyến luồng hàng hải vào các cảng trên sông Hậu, được chia làm hai đoạn. Trong đó, có một đoạn (từ phao số “0” đến phao số “14”) có diễn biến hết sức phức tạp thường xuyên thay đổi, hàng năm đều phải nạo vét duy tu và dịch chuyển phao để chạy tàu. Từ năm 1983 đến nay, sau khi nạo vét duy tu độ sâu luồng thì cũng chỉ tồn tại được vài tháng và việc bồi lấp diễn ra rất nhanh.
Thông tin tại Hội nghị, đơn vị tư vấn cho biết theo tính toán, phương án nạo vét luồng cho tàu có tải trọng 5.000 tấn đi vào thì phải nạo vét với bề rộng luồng 200m, độ sâu -4,0m. Còn đối với phương án tàu có tải trọng 10.000 tấn lưu thông, thì phải nạo vét bề rộng 200m, độ sâu -6,5.
Theo các các chuyên gia chuyên ngành và các nhà khoa học chuyên ngành, đây là một dự án lớn, do đó, cần phải được khảo sát, nghiên cứu một cách toàn diện, kỹ lưỡng để đạt được hiệu quả dài lâu, đặc biệt là hạn chế được tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn, giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến sinh thái môi trường.
Ngoài ra, có một số ý kiến tại Hội nghị cho rằng nếu chỉ nạo vét luồng theo giải pháp thông thường để cho tàu 5.000 tấn lưu thông thì khó đạt hiệu quả bởi vì luồng nhanh bị phù sa bồi trở lại, khối lượng nạo vét ít. Riêng đối với dự án nạo vét cho tàu 10.000 tấn lưu thông, có thể tận thu vật liệu nạo vét nếu kết hợp giải pháp nạo vét bể chứa bồi phù sa, bố trí thêm các tuyến đê ngầm giảm sóng, góp phần ổn định luồng.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết thời gian trước đây, đã có nhiều nghiên cứu để chỉnh trị luồng Định An. Tuy nhiên, các nghiên cứu này đa số chỉ để tham khảo, chưa phải là kết luận cuối cùng đối với việc chỉnh trị luồng hàng hải này.
Từ đó, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng cần phải nghiên cứu sâu, bài bản và đánh giá một cách toàn diện. Đồng thời, phải dự liệu một cách khoa học về những tác động từ việc chỉnh trị, nạo vét đến môi trường, xã hội, kinh tế.
“Kinh phí là vấn đề phải xem xét đến đầu tiên, cần phải phối hợp cả đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cần phải xem xét đề xuất ngân sách và cần phải có cả sự hỗ trợ của các doanh nghiệp.
Đây chỉ là bước đầu rà soát, sắp tới tôi đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam nên tổ chức nhiều Hội nghị như thế này để tham vấn thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương để dự án đạt hiệu quả cao hơn” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang lưu ý.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng giao cho Cục Hàng hải Việt Nam cùng các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ phối hợp với TP Cần Thơ hoàn chỉnh báo cáo để lấy ý kiến các địa phương trong tháng 10-2022. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh... hỗ trợ, phối hợp TP Cần Thơ và Bộ GTVT hoàn chỉnh nghiên cứu sâu cho dự án.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: "Các ý kiến tại Hội nghị là cơ sở để Cần Thơ hoàn chỉnh dự thảo báo báo cáo gửi Bộ GTVT. Dịp này, kính mời các doanh nghiệp có quan tâm đến dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng Định An tham gia cùng".