Đánh giá tác động khi áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón

Chiều 16/7, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo 'Thuế giá trị gia tăng với ngành phân bón: Từ không chịu thuế sang thuế suất 5%'.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Trong đó, đáng chú ý là phạm vi các đối tượng không chịu thuế tương đối rộng, dẫn đến nhiều trường hợp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp là trường hợp điển hình.

Thời gian qua, doanh nghiệp phân bón sản xuất trong nước phản ánh, do phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ. Điều này không chỉ làm tăng giá phân bón mà còn khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vốn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng ở nước xuất xứ.

Vì vậy, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này, Chính phủ đề xuất chuyển các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có phân bón, từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế 5%. Theo Chính phủ, chính sách này sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, trên hội trường, các đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau về vấn đề này. Một số đại biểu đề nghị đánh giá kỹ việc chuyển đổi phân bón sang đối tượng chịu thuế với thuế suất 5% và đề xuất giữ nguyên như quy định hiện hành, do lo ngại việc áp thuế sẽ làm giá phân bón tăng và ảnh hưởng đến nông dân. Một số đại biểu nhất trí đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế, nhưng với thuế suất 0%, doanh nghiệp vẫn được khấu trừ thuế đầu vào và không ảnh hưởng đến giá thành phân bón. Một số đại biểu khác lại cho rằng áp thuế 5% là phù hợp và bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). “Chúng tôi mong muốn tại hội thảo, các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý và các chuyên gia sẽ phân tích rõ các ưu điểm, nhược điểm của từng phương án; từ đó, có thể đề xuất phương án phù hợp nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên”, Tổng biên tập Phạm Thị Thanh Huyền đề xuất.

Tại hội thảo, các diễn giả đã thảo luận về tác động của từng phương án ở cả 3 góc độ: Tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón; tác động đến giá thành phân bón, đến thu nhập của nông dân và hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tác động đến ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đánh giá, đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, bởi liên quan đến hàng chục triệu nông dân và các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất và cung cấp mặt hàng này. Do đó, cần trao đổi kỹ để đưa ra phương án hợp lý nhất. Trước đây, phân bón đã chịu thuế 5%, nhưng thời điểm đó, cần khuyến khích nông dân, sản xuất nông nghiệp, nên mức thuế này đã được bãi bỏ.

Tuy nhiên, việc bỏ thuế 5% với phân bón, vô hình chung đưa doanh nghiệp sản xuất phân bón, doanh nghiệp bán phân bón đầu ra không được tính thuế VAT, nên chi phí đầu vào không được hoàn thuế. Đó là điều bất hợp lý cho doanh nghiệp phân bón. Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, nên để mức thuế VAT với phân bón ở mức 0%, điều này sẽ tạo được sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) kiến nghị, nên để phân bón vào diện chịu thuế 5%. “Đứng trên quan điểm lợi ích tổng thể nền kinh tế để giải quyết lợ ích 3 nhà: Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp, nên áp dụng thuế 5% đối với phân bón”, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết.

Hiện nay, trên thị trường có 2 loại phân bón là hóa học và hữu cơ. Do đó, việc thu thuế VAT 5% với phân bón vô cơ sẽ tạo nguồn lực cho Nhà nước để đầu tư, nghiên cứu thúc đẩy phát triển phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh. Đồng thời, nguồn lực từ việc thu thuế này, nên được dùng để tài trợ lại cho nông nghiệp với hình thức khuyến khích phát triển xanh, sạch.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ủy ban đã đánh giá tác động giữa 2 phương án là áp dụng mức thuế 0% và 5% với phân bón. Với kịch bản 0% theo dự báo, ngân sách sẽ giảm thu 1.500 tỷ đồng; nếu đánh thuế 5%, Nhà nước tăng thu 4.200 tỷ đồng.

Với doanh nghiệp, ở 2 kịch bản, doanh nghiệp đều có cơ hội tiết kiệm chi phí sản xuất, thông qua hoàn thuế VAT đầu vào. Nhưng với kịch bản giảm thuế 5% có lợi hơn với doanh nghiệp sản xuất trong nước, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, thực tế hiện nay, đời sống người nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Phân bón hiện chiếm 30-80% giá trị đầu vào của sản xuất nông nghiệp, nếu như giảm giá trị đầu vào sẽ góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân, kích thích sản xuất. Tuy nhiên, việc không đánh thuế với mặt hàng phân bón cũng tạo bất cập giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu. Do đó, nên đưa phân bón vào chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/danh-gia-tac-dong-khi-ap-dung-thue-gia-tri-gia-tang-5-doi-voi-phan-bon-20240716155415531.htm