Danh nhân đất Việt tuổi Dần
Dựng nước và giữ nước là 2 nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã sản sinh ra một nền văn hóa đặc sắc - văn hóa giữ nước. Rồi chính nền văn hóa giữ nước ấy đã sản sinh ra những vĩ nhân kiệt xuất làm rạng danh non sông, đất nước ta. Trong số đó có nhiều người sinh năm Dần với tài kinh bang tế thế, có người là nhà chính trị lỗi lạc, nhà bác học, nhà sử học… Năm Tân Sửu sắp qua, năm Nhâm Dần đang tới, Báo Bình Phước xin giới thiệu cùng bạn đọc các bậc tiền nhân tuổi Dần đã có nhiều đóng góp cho sự trường tồn của dân tộc Việt và được lưu danh trong Đại Việt sử ký toàn thư.
Trần Thủ Độ, sinh năm Giáp Dần (1194). Ông là đại danh thần thời Trần, quê tỉnh Thái Bình. Sắc sảo, quyết đoán lại giỏi ứng biến, nhiều mưu lược, phò giúp triều Lý chống dẹp các cuộc phản loạn và đạo diễn việc vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh ngày 10-1-1226, lập nên nhà Trần. Bằng tài năng chính trị và quân sự xuất chúng, ông xử lý sâu sắc, thấu đáo mọi quan hệ, vụ việc, tạo được uy phong lừng lẫy, năm 1234 thăng chức Thái sư, trở thành trụ cột triều Trần và lãnh đạo nhân dân toàn thắng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1258.
Trần Cảnh - Trần Thái Tông, sinh năm Mậu Dần (1218). Ông là vị vua đầu tiên của nhà Trần, tên thật là Trần Bồ, sau đổi thành Trần Cảnh. Ông làm vua từ năm 7 tuổi (năm 1225), ở ngôi 32 năm, làm Thái thượng hoàng 19 năm. Ông đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt chống lại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông. Với thắng lợi vẻ vang lưu truyền sử sách, đức vua Trần Thái Tông trở thành một vị minh quân. Ông còn được sử sách Phật giáo tôn xưng như bậc Thiền sư.
Lê Văn Hưu, sinh năm Canh Dần (1230). Sau khi thi đỗ Bảng nhãn, ông giữ chức Kiểm pháp quan (trông coi việc Hình luật), rồi Hàn lâm Viện học sĩ, kiêm Quốc Sử Việt giám tu. Năm 1272, ông đã hoàn thành việc biên soạn “Đại Việt sử ký”, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta ghi lại những việc cốt yếu trong gần 15 thế kỷ, từ thời Triệu Đà, tất cả gồm 30 quyển. Lê Văn Hưu là nhà sử học đầu tiên của nước ta và người đầu tiên đặt nền móng cho bộ sách “Đại Việt sử ký toàn thư” hiện đang lưu truyền.
Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ, sinh năm Canh Dần - 1230, tên thật là Trần Tung (hay Trần Quốc Tung), là con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và hoàng hậu Nguyễn Thánh Thiên Cảm, tước hiệu Hưng Ninh Vương.
Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa thiền; tham gia cả 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Sau khi kháng chiến thành công, ông được phong chức Tiết Độ Sứ cai quản phủ Thái Bình, nhưng không lâu sau ông lui về ấp Tịnh Bang lập Dưỡng Chân Trang để tu học Pháp Thiền.
Ông được vua Trần Thánh Tông tôn làm Đạo huynh. Nhiều áng thơ, bài kệ do ông sáng tác được kiết tập trong Thượng Sĩ Ngữ Lục được lưu truyền rất nổi tiếng. Ông viên tịch vào năm 1291, thọ 61 tuổi.
Ngô Thì Nhậm, sinh năm Bính Dần (1746). Ông là danh sĩ - nhà văn và là người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh. Ông thi đỗ giải Nguyên năm 1768, rồi Tiến sĩ tam giáp năm 1775 và được bổ nhiệm làm quan Bộ Hộ dưới triều Lê - Trịnh. Năm 1790, vua Quang Trung mất, ông lui về nghiên cứu Phật học. Đến khi Gia Long tiêu diệt nhà Tây Sơn, ông và một số viên quan triều Tây Sơn bị đánh bằng roi đến chết tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Phan Huy Chú, sinh năm Nhâm Dần (1782). Ông là nhà thơ - nhà bác học thế kỷ XIX và là con của Phan Huy Ích. Năm 1824, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh. Năm 1828, làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, Hiệp trấn Quảng Nam. Năm 1830, lại giữ chức Phó sứ sang nhà Thanh, trở về bị khiển trách vì tội lạm dụng quyền hành. Ông là tác giả của bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí, gồm 49 quyển. Ngoài ra, ông còn biên soạn các cuốn sách khác như: Hoàng Việt dư địa chí, Hoa thiều ngâm lục, và Hoa trình tục ngâm.
Lương Văn Can, sinh năm Giáp Dần (1854). Ông là một chí sĩ nho nhã, thông tuệ, tân tiến, năm 20 tuổi đỗ cử nhân, mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục và khởi xướng phong trào Duy Tân yêu nước. Giặc khủng bố, lưu đày ông 7 năm sang Campuchia. Cuối năm 1921, ông trở về Hà Nội, tiếp tục hoạt động chính trị, xã hội và dạy học, viết sách. Ông để lại nhiều công trình giá trị về luân lý, lịch sử và ngôn ngữ.
Trần Cao Vân, sinh năm Bính Dần (1866). Ông là thủ lĩnh kháng Pháp, quê tỉnh Quảng Nam. Năng động, khí phách, quyết tâm chống Pháp, năm 1886, ông vào tu tại chùa Cổ Lâm rồi ra mở trường dạy học nhằm chiêu tập chiến hữu và làm cố vấn cho cuộc khởi nghĩa Võ Trứ. Năm 1898, ông bị địch bắt giam đến năm 1907. Năm 1915, ông cùng các đồng chí thành lập Hội Việt Nam Quang phục và tổ chức cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, ông bị bắt và hy sinh giữa năm 1916.
Ngô Đức Kế, sinh năm Mậu Dần (1878). Ông là chí sĩ yêu nước, nhà báo. Ông đỗ tiến sĩ năm 1901 nhưng không ra làm quan. Theo ý của Phan Bội Châu, ông đã cùng Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Hân mở Triều Dương thương điếm ở Vinh, liên kết với các đồng chí trong phong trào Đông Du. Năm 1908, ông bị bắt và đày ra Côn Đảo 13 năm. Năm 1922, ông ra Hà Nội làm chủ bút tờ Hữu Thanh đối chọi với tờ tạp chí Nam Phong. Năm 1927, tờ báo bị đóng cửa, ông mở Giác Quần Thư xã, xuất bản một số sách tiến bộ như: Phan Tây Hồ di thảo; Đông Tây vĩ nhân.
Hồ Chí Minh, sinh năm Canh Dần (1890). Lãnh tụ cách mạng Việt Nam, Chủ tịch nước, danh nhân văn hóa thế giới. Năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là Nguyễn Tất Thành xuất dương, tìm đường cứu nước. Ngày 3-2-1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1941, Người thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Khu giải phóng Việt Bắc. Tháng 8-1945, Người chỉ đạo tổng khởi nghĩa toàn quốc. Ngày 2-9-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trở thành Chủ tịch nước đến khi qua đời (năm 1969). Bằng tài năng lãnh đạo phi thường kết hợp với lối sống nhân văn, giản dị, gần gũi, Bác được toàn dân mến trọng, ngưỡng mộ và là người có công lớn nhất trong sự nghiệp giành độc lập, xây dựng và phát triển nước Việt Nam hiện đại. Không chỉ là lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, Chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên, Bác còn là nhà thơ, nhà báo, nhà tư tưởng lớn và năm 1987 được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Phan Đăng Lưu, sinh năm Nhâm Dần (1902). Ông tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt Cách mệnh Đảng) từng giữ chức Ủy viên Tổng bộ. Ngày 15-12-1928, ông sang Trung Quốc để liên lạc với Tổng bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Được bầu vào Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1938) và Ủy viên Thường vụ Trung ương (1940), được phân công chỉ đạo phong trào ở Nam kỳ. Ông bị thực dân Pháp bắt ngày 22-11-1940 tại Sài Gòn, bị kết án và tử hình ở Hóc Môn ngày 28-8-1941.
Hà Huy Tập, sinh năm Nhâm Dần (1902). Năm 1923, ông tốt nghiệp Quốc học Huế, rồi dạy học ở Vinh, sau vào Sài Gòn và tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt Cách mệnh Đảng). Năm 1929, ông sang Liên Xô học Trường đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Tháng 3-1935, trực tiếp chủ trì Đại hội Đảng lần thứ nhất ở Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935. Tháng 7-1936, ông được cử giữ chức Tổng Bí thư. Ngày 30-3-1940, ông bị bắt vì bị buộc tội là người chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình ngày 28-8-1941.
Nguyễn Chí Thanh, sinh năm Giáp Dần (1914). Ông tên thật là Nguyễn Vịnh. Năm 1937, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, giữ các chức vụ Bí thư chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy (Thừa Thiên), Bí thư Khu ủy (khu IV). Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), ông được cử vào Bộ Chính trị, ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Năm 1959, ông được phong hàm Đại tướng. Trong kháng chiến chống Mỹ, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Nhật Minh (Tổng hợp)
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/130309/danh-nhan-dat-viet-tuoi-dan