Dành nửa đời người để lấy 16 tấm bằng ở đại học

Benjamin B. Bolger gây ấn tượng khi sở hữu loạt bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ từ những đại học hàng đầu như Harvard, Stanford, Cambridge...

 Benjamin B. Bolger vào đại học năm 16 tuổi, tốt nghiệp với tấm bằng đầu tiên năm 19 tuổi với GPA 4.0. Ảnh: The Ann Arbor News.

Benjamin B. Bolger vào đại học năm 16 tuổi, tốt nghiệp với tấm bằng đầu tiên năm 19 tuổi với GPA 4.0. Ảnh: The Ann Arbor News.

Khi nhiều người Mỹ đang hoài nghi về giá trị của tấm bằng đại học, ông Benjamin B. Bolger (sinh năm 1975) lại làm điều ngược lại là sở hữu đến 16 bằng cấp học thuật, từ bằng cử nhân cho đến bằng tiến sĩ.

Người đàn ông đến từ bang Michigan (Mỹ) từng là sinh viên Đại học Harvard, Đại học Harvard, Đại học Yale. Ông cũng từng theo học ở Đại học Columbia, Đại học Dartmouth, Đại học Brown và cả Oxford, Cambridge.

Hiện, nước Mỹ chỉ có một người có nhiều bằng đại học hơn Bolger là ông Michael W. Nicholson (sinh năm 1941) với 30 tấm bằng.

Tuy nhiên, Bolger mới 48 tuổi nên nhiều người tin rằng ông có thể phá kỷ lục của "tiền bối" và trở thành người Mỹ có nhiều bằng cấp học thuật nhất, theo New York Times.

 Bolger từng gặp khó khăn với chứng khó đọc đến mức trượt 2 môn ở Đại học Yale và phải bỏ học. Ảnh: The Flint Journal.

Bolger từng gặp khó khăn với chứng khó đọc đến mức trượt 2 môn ở Đại học Yale và phải bỏ học. Ảnh: The Flint Journal.

Mắc chứng khó đọc nhưng vẫn thích học

Năm 1978, khi Bolger được cha mẹ chở trên xe ôtô, một người say rượu bất ngờ đâm phải xe của gia đình ông. Bolger may mắn thoát nạn, không bị thương nhưng bố mẹ ông bị thương rất nặng. Mẹ ông - bà Loretta - phải nằm viện trong nhiều tháng.

Tai nạn bất ngờ khiến người mẹ phải bỏ nghề giáo viên, hôn nhân cũng tan vỡ vì bà bị chồng bạo hành tinh thần.

Bà Loretta đã phải chi rất nhiều tiền cho cuộc chiến giành quyền nuôi con. Sức khỏe tinh thần của bà theo đó cũng ngày càng tệ hơn vì con trai được chẩn đoán mắc chứng khó đọc.

Thời gian đó, khi lên lớp 3, cậu bé Bolger vẫn chưa biết đọc. Giáo viên nói rằng cậu không thể tốt nghiệp nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Tin rằng con trai mình thông minh, chỉ là có chút khác biệt, bà Loretta quyết định cho con học tại nhà. Gọi là học tại nhà, nhưng thực tế nơi học của cậu bé Bolger hồi đó không gói gọn trong căn nhà quen thuộc, mà là các bảo tàng khoa học, các học viện nghệ thuật.

Người mẹ sẵn sàng lái xe nhiều giờ liền để đưa con đến thăm các bảo tàng để học hỏi. Thậm chí, bà đưa con đến Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Smithsonian ở Washington.

Đêm đến, bà lại đọc cho con nghe những tác phẩm văn học kinh điển như Chiến tranh và hòa bình hay Chiến tranh giữa các vì sao.

Do học ở nhà, Bolger chỉ có một người bạn thân cùng tuổi, tuy nhiên, cậu bé vẫn cảm thấy vui vẻ vì được tham gia một cuộc phiêu lưu vĩ đại.

Đến năm 11 tuổi, khi bạn bè vẫn đang học đọc học toán ở trường, Bolger đã nhập học Muskegon Community College - một trường cộng đồng ở Michigan.

 Bolger cũng từng là sinh viên Đại học Columbia và tốt nghiệp vào năm 2001. Lý do ông dành 3 thập kỷ để học đại học chính là "thích học". Ảnh: Bolger.

Bolger cũng từng là sinh viên Đại học Columbia và tốt nghiệp vào năm 2001. Lý do ông dành 3 thập kỷ để học đại học chính là "thích học". Ảnh: Bolger.

Năm 16 tuổi, Bolger đăng ký vào Đại học Michigan. Do mắc chứng khó đọc, cậu thường ghi âm bài giảng để nghe lại ở nhà hoặc được mẹ đọc cho nghe.

Kết quả là khi vừa tròn 19 tuổi, Bolger tốt nghiệp với tấm bằng đại học đầu tiên, chuyên ngành Xã hội học với GPA 4.0.

Sau đó, Bolger quyết định nộp đơn vào trường luật vì ngưỡng mộ luật sư Ralph Nader. Thông qua kỳ thi LSAT dưới dạng vấn đáp, ông trúng tuyển trường Luật của Đại học Harvard, Đại học Stanford và Đại học Yale.

Khi học ở Yale, Bolger gặp rắc rối vì phương pháp học mà mẹ ông nghĩ ra lại không có hiệu quả vì tài hiệu học tập quá nhiều và quá chi tiết.

Nổi tiếng ở Yale nhưng theo chiều hướng tiêu cực, Bolger rơi vào khủng hoảng và bất an. Trong kỳ học đầu tiên, ông trượt 2 môn và bỏ học.

Mỗi đêm chỉ ngủ 4 giờ

Để học ở Yale, Bolger đã hoãn chương trình học thạc sĩ ngành Xã hội học tại Đại học Oxford. Và vào năm 1996, ông chuyển đến Anh sinh sống. Tại đây, khả năng đọc của ông bắt đầu được cải thiện nhờ hệ thống dạy kèm phát triển mạnh. Sau đó, ông thành công lấy bằng thạc sĩ của Đại học Oxford và Đại học Cambridge.

Sau 3 năm ở Anh, Bolger chuyển đến California (Mỹ) để học thạc sĩ về giáo dục liên ngành tại Đại học Stanford. Tiếp đó, ông chuyển đến New York để học thêm bằng thạc sĩ khác.

Chưa dừng lại ở đó, người đàn ông này lại đến Đại học Dartmouth để lấy thêm bằng thạc sĩ. Mỗi đêm, ông chỉ ngủ 4 giờ.

Trong 3 thập kỷ, Bolger đã lấy được 16 bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ở các đại học danh tiếng. Ảnh: New York Times.

Trong 3 thập kỷ, Bolger đã lấy được 16 bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ở các đại học danh tiếng. Ảnh: New York Times.

Sau khi lấy được loạt bằng thạc sĩ, Bolger tiếp tục "nâng cấp" bằng cấp của mình - lấy bằng tiến sĩ thiết kế tại Đại học Harvard vào năm 2007. Cầm bằng tiến sĩ trong tay, ông trở thành chuyên viên tư vấn tuyển sinh tại đại học tư thục.

"Không nhà tư vấn nào đạt được thành công như tiến sĩ Bolger", ông tuyên bố trên trang web của mình.

Nhờ công việc tư vấn cho con em nhà giàu, Bolger thành công đặt chân vào giới thượng lưu. Ngoài căn hộ sang trọng ở Cambridge, ông còn sở hữu một căn nhà ở Virginia và trang trại ở Michigan. Bolger cũng từng chi hàng chục nghìn USD cho các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

Làm tư vấn cho khoảng 25 học sinh cùng lúc, nhưng học sinh quan trọng nhất đối với Bolger vẫn là cô con gái 9 tuổi tên là Benjamina Brook Bolger. Dạy con học tại nhà, Bolger coi con gái là học trò, cũng là người bạn thân nhất của mình.

Người đàn ông có 16 tấm bằng dạy con gái học theo cách mà mẹ đã dạy ông hồi bé, tập trung nhiều vào việc thực hành, tương tác, trải nghiệm thực tế và đi nhiều nơi. Con trai 4 tuổi Benjamin Blitz Bolger cũng được áp dụng cách học tương tự.

Đối với Bolger, giáo dục không phải là phương tiện để đạt được mục đích mà giáo dục chính là đích đến. Ông có rất nhiều bằng cấp, nhưng thông điệp ông muốn gửi đến mọi người chính là không ngừng theo đuổi sự tò mò của bản thân và chấp nhận sự khác biệt.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/danh-nua-doi-nguoi-de-lay-16-tam-bang-o-dai-hoc-post1480201.html