DANH TĂNG ĐẤT VIỆT: Giai thoại 'Cỗ Tết nhà chùa' của Pháp chủ Thiền gia

Những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, trong quá trình tham gia loạt bài Danh tăng đất Việt, tôi đến chùa Đại Từ Ân, được Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội kể về những năm tháng theo học Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, với những hồi ức rất sâu sắc và xúc động.

Đức Đệ Tam Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ và nụ cười hoan hỉ. Ảnh tư liệu.

Đức Đệ Tam Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ và nụ cười hoan hỉ. Ảnh tư liệu.

* Bạch Thượng tọa! Được biết, Thượng tọa được coi như “Trưởng tử” của Đệ tam Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Xin Thượng tọa kể về thời gian tu học tại chùa Giáng, dưới sự chỉ dạy của Hòa thượng Phổ Tuệ?

- Thượng tọa Thích Tiến Đạt: Khi tôi mới xuất gia (vào những năm 1970-1980), được thụ học bởi sư phụ là cố trưởng lão Hòa Thượng Võ Lăng (Hòa thượng Thích Thanh Viên, 1921- 1993). Tu học với Hòa thượng Võ Lăng một thời gian, Ngài nói với tôi rằng: “Bây giờ phải đi tham học để mở mang kiến thức. Thầy xem ở trong đất Hà Tây này, không ai hơn được Cụ Giáng. Cho nên, Thầy sẽ đưa con xuống đó để cầu xin Hòa thượng chùa Giáng dạy bảo”.

Hòa thượng Võ Lăng và tôi đạp xe đạp từ chùa Võ Lăng (Thanh Oai) đi tắt theo lối đường đồng, xuống chùa Giáng (ở huyện Phú Xuyên). Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hòa thượng Phổ Tuệ: Ngài người gầy gò, mảnh khảnh sau bộ áo nâu sồng, đôi mắt của Ngài rất tinh nhanh sáng suốt, toát lên sự nghiêm nghị, cũng lại rất từ bi, thân thiện. Sau khi nghe Hòa thượng Võ Lăng nói về việc muốn gửi gắm đệ tử, Ngài Phổ Tuệ nói: Có câu “Cổ giả thánh hiền dịch tử nhi giáo”. Các bậc thánh hiền xưa đổi con cho nhau mà dạy dỗ. Cho nên, Hòa thượng Giáng đồng ý cho tôi ở lại chấp tác và tu học.

Ngày đó, Hòa thượng Giáng chưa có các đệ tử, chỉ mình tôi ở lại thụ học theo Ngài. Xưa có câu “Một ngày làm Thầy, suốt đời làm cha”, nên tôi coi Hòa thượng Phổ Tuệ như cha của mình. Các kinh điển giáo lý, tôi được Hòa thượng truyền giảng từ những bộ nhỏ cho đến bộ lớn, được Ngài uốn nắn cặn kẽ. Ban ngày làm ruộng, tối Ngài đưa sách chữ nho cho tôi để tôi tự học. Hàng ngày, ăn cơm tối xong thì Ngài đi ngủ đến 12 giờ đêm thức dậy. Ngài luôn thức từ 12 giờ đến sáng để xem sách, rồi viết lách, soạn bài đến khoảng 4 giờ sáng. Đến 4 giờ sáng, tôi thức dậy, đun nước pha trà, rồi theo Thầy lên Tam bảo tụng kinh niệm Phật. Sau đó, hai Thầy trò ăn cơm rồi lại ra làm ruộng. Vừa làm ruộng, Hòa thượng vừa dạy tôi học kinh sách. Hòa thượng hỏi, tối qua tự học trong sách, biết được những gì. Tôi đọc đoạn sách đã đọc, hiểu như thế nào thì nói với Thầy. Chỗ nào tôi hiểu chưa đúng thì Hòa thượng giảng giải.

Ngày đó, chẳng phải học trong nhà đâu, mà chủ yếu là học ở ngoài ruộng. Khi đó toàn bộ nội tự của chùa, ngoài Tam bảo và nhà Tổ ra, thì đằng trước đằng sau, bốn mặt đều là ruộng, với diện tích khoảng hơn 1 mẫu. Mỗi năm cấy hai vụ lúa, mùa đông thì trồng rau. Ngoài ra, chùa còn nuôi trâu, bò, lợn. Công việc cày cấy, trồng trọt chăn nuôi đều do hai Thầy trò tôi làm là chính, thỉnh thoảng mới có các vãi ra chấp tác hỗ trợ. Chúng tôi trồng lúa lấy thóc ăn, trồng rau cũng để ăn, phần dư thừa bán lấy tiền dầu đèn. Trước kia nơi đấy là vùng sâu vùng xa, đường đi khó khăn, Hòa thượng Phổ Tuệ lại ẩn tu, không có ai biết. Chùa Giáng không phục vụ tín ngưỡng, Hòa thượng Phổ Tuệ không lễ bái gì cho ai, Ngài chủ trương dĩ nông vi thiền, cày ruộng để tu.

Hòa thượng nói với tôi rằng: Xưa kia, Đức Phật đi khất thực để sống. Phật giáo vào Việt Nam lâu rồi, không còn truyền thống khất thực ở miền Bắc nữa. Các Tổ xây dựng tùng lâm, chủ trương một ngày không làm, một ngày không ăn (Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực). Cho nên phải tự nuôi sống bản thân mình, tự lo liệu việc sinh hoạt, không dựa vào tín thí. Ăn của tín thí mà không tu được thì sẽ tội lỗi. Cho nên mình cứ tự làm lấy, được nhiều thì dùng nhiều, được ít thì dùng ít. Không xây được chùa, thì chỉ cần có ngọn đèn, nén nhang cúng Phật.

* Bạch Thượng tọa, Hòa thượng Phổ Tuệ có bài thơ “Cỗ Tết nhà chùa” rất nổi tiếng. Xin Thầy kể cho biết về hoàn cảnh ra đời của bài thơ này?

- Chùa Giáng tự trồng hoa để cúng. Nhưng cũng nhiều năm không trồng được hoa, Thầy trò tôi tự làm hoa giấy để cúng Phật mỗi khi Tết đến Xuân về. Trồng lúa chỉ tạm đủ ăn, nên chùa không xây dựng thêm mở mang được gì, ngoài ngôi Tam bảo ra, phía sau chỉ có mấy gian nhà Tổ cũ kỹ. Hai đầu Nhà Tổ có hai gian buồng. Hòa thượng Phổ Tuệ ở gian buồng đầu kia, nằm trên chiếc phản cũ đã mục. Buồng phía đầu này để làm nhà kho, để cót thóc, trải chiếu cạnh cót thóc làm chỗ cho tôi ngủ. Rét, không có chăn, lấy rơm và lá chuối trải làm đệm, lấy cái tải (loại bao bố đựng 80 kg thóc) đem giặt đi, tối đưa chân vào đó, kéo lên ngang ngực. Mùa đông rét căm căm, không có giày tất, toàn đi chân đất, vẫn phải lội ruộng hái rau cần, chân tay tím bầm.

Ngoài trồng lúa tẻ lấy gạo ăn hàng ngày, chùa Giáng thường trồng một ít lúa nếp, lấy gạo nếp để đến Tết gói bánh chưng chay, đồ xôi, nấu chè… để cúng Phật. Tết năm 1983, do trước đó mất mùa lúa, gạo tẻ đã không đủ ăn, gạo nếp càng không có hạt nào. Đến ngày 29 Tết mà không thấy Thầy chuẩn bị gì cho Tết. Tôi hỏi Thầy, có nấu xôi, chè, làm bánh chưng không? Hòa thượng Phổ Tuệ bảo: Thôi, ngày thường ăn thế nào, thì Tết nhất cũng thế thôi, mồng Một Tết có cơm ăn với muối trắng, rau cải bắp luộc là tốt rồi.

Nhưng đến chiều hôm ấy, nhìn thấy vẻ mặt tôi không được vui, Thầy bảo: “Tết sẽ vẫn có đủ các món. Đem giấy bút vào đây!”.

Tôi đem giấy bút vào gian buồng của Hòa thượng, Thầy đọc cho bài thơ, bảo tôi chép và treo lên.

“Nhà Chùa Tết nhất nghĩ mà vui

Lộc Phật ban cho đủ mọi mùi

Giò thủ Lăng nghiêm, Viên giác bánh

Chè Ba-la-mật, Pháp hoa xôi

Kìa mâm Bảo tích, bày trăm vị

Lọ đũa Kim cương sắp bốn đôi

Trải chiếu luật nghi nhà trượng thất

Bạn cao Tăng đến thỉnh lên ngồi”.

Tết không có bánh, xôi, chè, Hòa thượng lấy các kinh Phật, các Pháp ra để chế thành các món ăn. Như một lời nhắc nhủ rằng, Tết vẫn luôn đủ đầy khi ta nắm chắc các Pháp của đạo Phật. Và đời sống vật chất có thể thiếu thốn, nhưng việc tu học không lúc nào được sao nhãng.

Sau cái Tết đó, tôi bạch với Hòa thượng rằng: Ruộng của chùa mình nền đất cao, cấy lúa năng suất thấp. Bởi vậy, nên hạ ruộng đó xuống để cho dễ cày cấy. Sau đó, Thầy trò múc đất ruộng lên, lấy đất đóng gạch, nung gạch xây nhà Tăng của chùa. Mấy cái nhà thấp ngày trước gần cổng vào chùa là được xây vào dạo đó. Ruộng trước Tam bảo thì đào sâu xuống thành ao, mùa rét cấy rau cần.

“Tết không có bánh, xôi, chè, Hòa thượng lấy các kinh Phật, các Pháp ra để chế thành các món ăn. Như một lời nhắc nhủ rằng, Tết vẫn luôn đủ đầy khi ta nắm chắc các Pháp của đạo Phật. Và đời sống vật chất có thể thiếu thốn, nhưng việc tu học không lúc nào được sao nhãng.

THÍCH TIẾN ĐẠT

Chu Minh Khôi (thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/danh-tang-dat-viet-giai-thoai-co-tet-nha-chua-cua-phap-chu-thien-gia-post718618.html