Xóa nhà tạm cần gỡ bất cập cho hộ dân được khoán đất

Hiện nay nhiều hộ dân sinh sống trên phần đất nông nghiệp và đất được khoán trong khu vực rừng phòng hộ chưa thể có được nhà kiên cố và cũng không xây dựng được dù đã được chủ trương hỗ trợ nhà theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh.

Theo quy định trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát thì đối tượng thụ hưởng phải có đất ở và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính chủ, đất không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch... Thế nhưng, trên thực tế, có một thực trạng là nhiều hộ chưa có đất ở, hoặc một số hộ sống trên đất nông nghiệp, đất lâm phần được chính quyền địa phương giao khoán tạm thời. Từ đó, họ chưa được cấp sổ đỏ và vướng mắc trong xét duyệt hỗ trợ theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Ông Lượng Trọng Quyền (thứ ba từ phải sang), Bí thư Huyện ủy Năm Căn, kiểm tra việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thị trấn Năm Căn.

Ông Lượng Trọng Quyền (thứ ba từ phải sang), Bí thư Huyện ủy Năm Căn, kiểm tra việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thị trấn Năm Căn.

Ông Lê Văn Ðến, ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, cho biết: “Phần đất chúng tôi đang sống được quy hoạch rừng phòng hộ. Chúng tôi đã ở nơi đây mấy chục năm và có hẳn khu dân cư. Phần đất này trũng thấp, hằng năm trồng trọt không đạt năng suất dù chúng tôi rất cố gắng. Chúng tôi mong khu đất này được quy hoạch lại và chúng tôi được hỗ trợ ở lại đây".

Ngụ cùng ấp Trại Lưới B, ông Bùi Văn Cấm nói: “Chúng tôi mong đất lâm trường chuyển về cho xã để bà con phát triển, vì chúng tôi ở đất rừng, cuộc sống bấp bênh. Mấy năm nay nuôi tôm không hiệu quả”.

Ông Lê Văn Ðoàn, ấp Cồn Cát, xã Lâm Hải, chia sẻ: “Theo quy định, trên đất lâm phần sẽ không được xây dựng nhà kiên cố. Nhưng chúng tôi đã ở mấy chục năm, không xây nhà thì sao dân giàu được. Vừa rồi gia đình tôi được duyệt hỗ trợ căn nhà trong chương trình này, nhưng còn vướng thủ tục đất đai”.

Ông Ngô Văn Ðiền, ấp Kinh Ðào, xã Lâm Hải, cho biết: “Quy định hiện nay là không cho hộ gia đình, cá nhân cất nhà trên đất khoán nông nghiệp. Nhìn ở địa phương mình, tôi thấy điều này là bất cập. Chúng tôi muốn xin được cất nhà đàng hoàng để an tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Không cho xây thì làm sao có nhà kiên cố mà an tâm làm kinh tế, chưa kể vào thời điểm mưa gió sắp tới ảnh hưởng đến cuộc sống”.

Ðược biết, trong toàn tỉnh có 17 ngàn hộ dân nhận khoán trên phần đất rừng nhưng không cho cất nhà cơ bản mà chỉ cất láng trại tạm bợ để chứa công cụ phục vụ sản xuất.

Tiếp nhận ý kiến phản ánh từ người dân, đại diện HÐND huyện Năm Căn cho biết, giải pháp trước mắt là huyện sẽ giao Phòng Nông nghiệp và Môi trường rà soát, cũng như mời Ban Quản lý rừng cùng Ban Quản lý Vườn Quốc gia tính toán phương án, để làm sao giải quyết được nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống của người dân nhưng vẫn bảo vệ được rừng.

Ông Bùi Tứ Hải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: “Ðối với các ý kiến đề nghị điều chỉnh diện tích đất về rừng phòng hộ tại xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, cũng như xin được cất nhà trên khu vực đã giao khoán, chúng tôi ghi nhận và chia sẻ cùng những khó khăn của bà con nơi đây. Tuy nhiên, vấn đề này được ghi rõ trong các quy định của pháp luật và Nhà nước. Chúng tôi đề nghị huyện Năm Căn tổng hợp tất cả những bất cập và nguyện vọng của người dân về vấn đề này để rà soát lại các khu vực một cách cụ thể, rõ ràng, nếu khu vực nào trên thực tế phù hợp với khả năng phát triển kinh tế và phục vụ cuộc sống của người dân thì Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tham mưu và đề xuất với UBND tỉnh”.

Liên quan đến vấn đề đất nông nghiệp và khu cấp tạm cho xây nhà ở trên đất rừng, tại một buổi tiếp xúc cử tri, ông Ðinh Ngọc Minh, Ủy viên Chuyên trách, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, cho biết, vấn đề xóa nhà tạm, xóa nhà dột nát đối với các hộ dân được khoán đất trong đất lâm phần và đất nông nghiệp sẽ được cân nhắc và rà soát, tổng hợp trình với Quốc hội trong kỳ họp tới để có hướng giải quyết tích cực nhất cho người dân.

Theo khoản 3, Ðiều 178, Luật Ðất đai 2024 quy định về đất nông nghiệp do cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng, thì người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định tại Ðiều 218 của luật này; được sử dụng một diện tích đất theo quy định của UBND cấp tỉnh để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trường hợp sử dụng đất trồng lúa thì thực hiện theo quy định tại Ðiều 182 của luật này. Ngoài ra, đối với công trình xây dựng tạm, tại Ðiều 131, Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 49, Ðiều 1, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, có quy định: Công trình xây dựng tạm là công trình được xây dựng có thời hạn phục vụ các mục đích thi công xây dựng công trình chính và sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian quy định tại khoản 2 điều này. Ðối với công trình quy định tại điểm b, khoản 1, điều này phải được UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm. Công trình xây dựng tạm phải được phá dỡ khi đưa công trình chính của dự án đầu tư xây dựng vào khai thác sử dụng hoặc khi hết thời gian tồn tại của công trình.

Hoàng Vũ - Lam Khánh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xoa-nha-tam-can-go-bat-cap-cho-ho-dan-duoc-khoan-dat-a38836.html