Đánh thức miền cổ tích nơi núi rừng Tây Bắc

Chỉ hơn chục năm về trước, nhắc đến Ngọc Chiến, nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất hoang sơ, nghèo đói, đi lại khó khăn. Tuy nhiên giờ đây, nơi này đã trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách.

Mở đường, mở tương lai

Cách TP Sơn La khoảng 80km, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La thuộc diện đặc biệt khó khăn với gần 2.345 hộ gia đình các dân tộc Thái, Mông, Kinh, sinh sống tại 15 thôn, bản.

Mỗi gia đình ở Ngọc Chiến đều có những bức tường và cổng chào độc đáo.

Mỗi gia đình ở Ngọc Chiến đều có những bức tường và cổng chào độc đáo.

Để đến với Ngọc Chiến, có thể đi từ hướng Mù Cang Chải (Yên Bái, đoạn chân đèo Khau Phạ) hoặc theo tỉnh lộ 106, từ TP Sơn La vào Mường La rồi lên Ngọc Chiến.

Về Ngọc Chiến bây giờ, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Con đường chính dẫn vào trung tâm xã đã được mở rộng, bê tông hóa không còn đất đá lởm chởm, như trước.

Ông Lường Văn Phên, bản Phày, xã Ngọc Chiến hồ hởi chia sẻ: "Từ khi xã có chủ trương làm đường, người dân trong bản ai cũng đồng lòng hiến đất, góp ngày công. Đường giờ được mở rộng từ 6 - 8m. Xã cũng có nhà văn hóa, có trường học, giờ trong bản không còn nhà nào đói nghèo nữa".

Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến kể đã nhận công tác tại xã từ năm 2019. Ngay khi đó, ông đã nhận ra vùng đất này có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, du lịch. Song muốn phát triển, phải mở đường trước đã.

Khi chủ trương mở đường được đưa ra, cũng có không ít ý kiến chưa đồng thuận. Bí thư Sỹ dành thời gian đến từng nhà dân trong bản để thuyết phục, vận động. Xã cũng thành lập 15 tổ công tác phụ trách 15 bản, mỗi tổ từ 3 - 5 người, trực tiếp giải quyết vướng mắc của người dân. Chỉ thời gian ngắn, hầu hết đều đồng thuận, hiến đất, góp sức để làm đường.

Đến nay, sau 5 năm, toàn xã đã bê tông hóa 133 tuyến đường với chiều dài 98,3km. Các tuyến đường trong bản cũng được mở rộng và đổ bê tông với 109 tuyến, chiều dài 77,8km. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 200 tỷ đồng.

Viên ngọc bích ẩn mình

Nằm ẩn mình giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, Ngọc Chiến giờ đây được nhiều người ví như viên ngọc bích ẩn mình giữa đại ngàn, sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, bình dị cùng bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số.

Ngọc Chiến có tiềm năng du lịch đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Ngọc Chiến có tiềm năng du lịch đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Dẫn chúng tôi đến bản Đông Xuông, ông Sỹ chia sẻ, Ngọc Chiến có văn hóa kiến trúc độc đáo với những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi, được đồng bào Thái được làm hoàn toàn bằng gỗ pơ mu, từ cột cho đến mái nhà. Mỗi bản trong xã có khoảng 70 - 100 ngôi nhà được xây dựng theo lối ô bàn cờ, rất khác biệt so với các bản người Thái ở nơi khác.

Đặc biệt, mái nhà bằng gỗ pơ mu được làm rất công phu, không dùng cưa để xẻ mà bổ thành từng tấm theo thớ gỗ để hạn chế cong vênh. Tuy mái pơ mu gồ ghề, không phẳng như mái nhà lợp bằng ngói, nhưng rất kín gió. Vào mùa hè, căn nhà rất mát mẻ. "Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh để Ngọc Chiến phát triển du lịch", ông Sỹ nói.

Dân sửa nhà đón khách

Từ chủ trương của xã, người dân không ai bảo ai đều tự làm đẹp thêm cảnh quan trong bản, chăm sóc, trang trí của căn nhà của mình để làm du lịch. Trên những con đường khang trang, sạch sẽ dẫn vào các bản, du khách sẽ thấy nhà dân nào cũng có rất nhiều bồn hoa, tường rào ốp đá cuội.

Vào mùa lúa chín, Ngọc Chiến như những dải lụa vàng chạy đến chân trời.

Vào mùa lúa chín, Ngọc Chiến như những dải lụa vàng chạy đến chân trời.

Bên cạnh đó, người dân Ngọc Chiến đã phát triển nhiều homestay để phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Hiện toàn xã có 23 homestay và nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và tắm nước khoáng nóng tự nhiên của du khách. Đời sống của bà con dân bản vì thế cũng ngày càng được nâng lên.

Theo ông Lò Văn Thương, nguyên Bí thư chi bộ bản Phày, các nhà nghỉ, homestay ở đây được thiết kế, xây dựng từ những vật liệu có sẵn, tất cả đều hòa quyện, gần gũi với thiên nhiên.

Trên đường dẫn chúng tôi đến khu vực cây sa mu trên 1.000 năm tuổi, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến Lò Văn Thoa cho biết: "Tại đây, nhà thờ cây thần sa mu đã được dựng lên, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của dân bản. Dưới gốc cây samu, khoảnh đất xung quanh được chia thành 36 ô và đều xếp bằng đá suối. Du khách tới đây rất thích thú".

Chị Nguyễn Thị Yên, khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi đến Ngọc Chiến. Tôi thực sự ngỡ ngàng với khung cảnh nên thơ, vẫn còn nhiều nét hoang sơ ở đây. Vẻ đẹp thiên nhiên và ẩm thực của Ngọc Chiến rất ấn tượng. Mỗi người dân đều là hướng dẫn viên du lịch rất chuyên nghiệp và thân thiện".

Đến với Ngọc Chiến vào mùa xuân, du khách có thể ngắm hoa đào nở rộ, những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, hoa táo mèo trắng muốt trên bản Nậm Nghiệp trải dài hàng trăm hecta; chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang chín vàng vào mùa thu; trải nghiệm tuyết rơi, tắm suối nước nóng vào mùa đông.

Một số điểm tham quan nổi bật ở Ngọc Chiến là bản Lướt, cổng trời Ngọc Chiến, chợ phiên Ngọc Chiến, bản Phày nơi người Thái lấy lửa, cây samu ngàn năm tuổi ở bản Nà Tâu, leo núi chinh phục đỉnh Tả Chí Nhù…

Hà Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/danh-thuc-mien-co-tich-noi-nui-rung-tay-bac-192240625091252372.htm