Đánh thức tiềm năng cây chè ở Mường Chà
Sở hữu hàng nghìn gốc chè cây cao có tuổi đời hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, huyện Mường Chà được đánh giá là có nhiều tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Thế nhưng, nhiều năm qua, giá trị loài cây 'vàng xanh' này vẫn chưa được đánh thức.
Bài 1: Kho báu lưu giữ qua nhiều thế hệ
Không ai biết cây chè đã bén rễ trên vùng đất Mường Chà từ bao giờ, song nó đã gắn bó với đời sống người Hoa, Mông ở các bản vùng cao của các xã Sa Lông, Huổi Lèng, Hừa Ngài, Sá Tổng qua nhiều thế hệ. Vượt qua bao thăng trầm, cây chè vẫn tồn tại, chứng kiến mọi sự đổi thay của mảnh đất, con người nơi đây.
Cây rừng đặc biệt
Ngược con dốc dài hơn 10km từ trung tâm xã Sa Lông, chúng tôi đến bản Thèn Pả - nơi sở hữu số cây chè cổ thụ nhiều nhất xã. Những cây chè cổ thụ ở đây mọc xen kẽ với các loại cây rừng hoặc men theo rìa suối, trong vườn nhà. Ở độ cao trung bình khoảng 1.000m so với mực nước biển, khí hậu Thèn Pả trong lành, bốn mùa mây phủ, mát mẻ quanh năm. Do vậy, cây chè cũng sinh trưởng, phát triển tốt, dù theo người dân chia sẻ thì chúng không được chăm sóc nhiều.
Dừng chân tại một căn nhà gỗ khang trang, chúng tôi gặp Lò Seo Phấn. Theo lời Phấn kể, thì chị là người địa phương khác về làm dâu ở Thèn Pả đã nhiều năm. Từ ngày về đây, Phấn đã được chồng giới thiệu về 30 cây chè “thừa kế” lại của bố, trong đó có hơn 10 gốc cổ thụ, đường kính tầm 50 - 60cm.
“Chồng tôi bảo không biết chính xác số cây chè của gia đình được bao nhiêu năm, nhưng chắc chắn hơn tuổi bố, tuổi ông. Vì nó được để lại từ đời ông rồi chia dần cho các con, cháu. Dù không mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, nhưng ông dặn là lá chè uống rất tốt cho sức khỏe nên phải chăm sóc, bảo vệ. Năm nào vợ chồng tôi cũng hái khoảng 2 - 3 lần, mỗi lần 1 bao búp tươi về sao để uống dần hoặc gửi tặng khách quý.” - chị Phấn chia sẻ.
Đi bộ một lượt, chúng tôi đếm sơ bộ có hàng chục cây chè lớn mọc quanh bản. Những thân gốc xù xì, rêu mốc bám quanh, tán vươn cao từ 2 - 5 mét.
Anh Sần Seo Ngấn, Trưởng bản Thèn Pả chia sẻ, nhiều lần được nghe người già trong bản kể cây chè ở đây chủ yếu có nguồn gốc từ xã Hừa Ngài. Số ít người dân lấy giống từ huyện Tam Đường (Lai Châu) về trồng. Mỗi loại có một đặc điểm khác nhau, song đều là giống chè cây cao và phát triển như cây rừng. Trong đó nhiều cây đã qua nhiều thế hệ, tuổi đời ước tính hơn 100 năm.
“Mặc dù không mang lại giá trị kinh tế nhưng sau nhiều lần hái lá về uống, thấy tốt cho sức khỏe nên bà con tự bảo nhau giữ gìn, bảo vệ. Vì thế, dù cuộc sống khó khăn song không gia đình nào có ý định chặt phá hoặc bỏ cây. Có nhà hái lá tươi về uống hàng ngày, cũng có nhà sao khô, uống quanh năm như vị thuốc quý bảo vệ sức khỏe!” - anh Ngấn cho biết.
Trắc trở hành trình tìm chỗ đứng
Có diện tích chè cây cao lớn nhất toàn huyện, xã Sa Lông hiện đang sở hữu gần 3.000 cây. Trong đó, có 361 cây được xác định là cổ thụ (đường kính gốc từ 10cm trở lên) tại bản Thèn Pả, do 28 hộ gia đình quản lý; khoảng trên 2.550 cây nhỏ (đường kính gốc dưới 10cm), tại bản Chiêu Ly và Thèn Pả.
Ông Hạng A Tàng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay, toàn bộ diện tích chè vẫn được duy trì, bảo vệ. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa thể đưa cây chè vào danh sách cơ cấu các loại cây trồng hàng năm do chưa mang lại thu nhập cho người dân”.
Là xã đứng thứ 2 toàn huyện về sở hữu số lượng chè cây cao, xã Hừa Ngài có 371 cây, tại bản Há Là Chủ B, hiện giao cho 1 hộ chăm sóc, bảo vệ.
Theo nhiều người dân chia sẻ, năm 2014 Công ty TNHH chè Phan Nhất đã đầu tư máy sơ chế chè tại chỗ và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cây cao cho người dân khu vực Can Hồ (bản Há Là Chủ B). Các hộ còn được hướng dẫn kỹ thuật thu hái, sơ chế để thành phẩm chè đảm bảo các yêu cầu về chất lượng. Tại thời điểm đó, chính quyền địa phương cũng kỳ vọng đưa chè vào định hướng phát triển trở thành cây công nghiệp dài ngày giúp bà con địa phương xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, cho đến nay cây chè vẫn chưa phát huy được giá trị.
Xác nhận thông tin này, ông Phan Trọng Nhất, Giám đốc Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên cho biết: “Trước đây, Công ty đã từng thực hiện nhiều chuyến khảo sát, đánh giá về chất lượng, tiềm năng phát triển chè cây cao ở Mường Chà. Qua các nghiên cứu, đánh giá cho thấy chất lượng chè cây cao ở đây, nhất là tại khu vực xã Hừa Ngài ngang với chè Shan tuyết Tủa Chùa. Không những vậy, chè uống còn có vị đắng nhẹ, đây là dòng rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.”
Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của đại diện công ty, do người dân và cả chính quyền địa phương khi đó chưa thực sự quan tâm đúng mức cho cây chè, nên việc chăm sóc, thu hái không đảm bảo. Sản lượng mỗi đợt thu hoạch cũng đạt thấp nên doanh nghiệp không thể tiếp tục và đành tạm dừng đầu tư.
Không có thu nhập về kinh tế, cuộc sống khó khăn nên người dân cũng không mặn mà với cây chè. Đa phần bà con tập trung phát triển cây trồng truyền thống. Trong suốt thời gian dài, thiếu đi bàn tay chăm sóc, cây chè sống dựa hoàn toàn vào tự nhiên, kiên cường sinh trưởng, phát triển như cây rừng!