'Đánh thức' tiềm năng trên Hành lang kinh tế Đông - Tây

Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) là một trong 5 hành lang kinh tế thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng được thành lập vào tháng 10/1998, đi qua 13 tỉnh, thành của 4 nước: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar. Đây được coi là thành tố quan trọng để tăng cường hợp tác phát triển kinh tế ở Tiểu vùng sông Mê Kông.

Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Sekong (Lào) Lếc-lảy Sỷ-vy-lay (bìa phải) và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng ký kết các nội dung hợp tác vào tháng 3/2024 - Ảnh: L.T

Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Sekong (Lào) Lếc-lảy Sỷ-vy-lay (bìa phải) và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng ký kết các nội dung hợp tác vào tháng 3/2024 - Ảnh: L.T

Mở hướng hợp tác quốc tế từ phía Tây

Với những lợi thế này, thời gian qua, sự hợp tác, liên kết với EWEC được tỉnh thúc đẩy mạnh mẽ. Trong năm 2024, hai đoàn lãnh đạo cấp cao của tỉnh Quảng Trị lần lượt sang thăm và làm việc tại các tỉnh Sekong, Salavan, Champasak và Savannakhet (Lào) nhằm tham quan, tìm hiểu và ký kết các hợp tác quan trọng trên lĩnh vực KT-XH.

Tỉnh Sekong có mỏ than Kaleum ở huyện Kaleum - là mỏ than lộ thiên lớn nhất ở Lào, được khai thác bởi Tập đoàn Phonesack. Mỏ than này có trữ lượng khoảng 800 triệu tấn, trong đó 400 triệu tấn sử dụng làm nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện của công ty, còn lại là khai thác. Tổng trữ lượng khai thác trong năm 2024 ước khoảng 22,6 triệu tấn, trong đó xuất khẩu ra nước ngoài khoảng 19 triệu tấn, riêng thị trường Việt Nam là 11 triệu tấn. Than nhập về Việt Nam qua cặp cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay (tỉnh Quảng Trị) và La Lay (tỉnh Salavan) Lào.

Tại mỏ than này, cuối tháng 1/2024 và tháng 3/2024, liên tiếp 2 đoàn lãnh đạo cấp cao của tỉnh Quảng Trị đến tham quan và làm việc với Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Phonesack, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn và Công ty TNHH Nam Tiến (gọi tắt Liên danh Phonesack). Mục đích của chuyến thăm, làm việc này nhằm thúc đẩy các dự án, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, xuất khẩu than đá từ Lào về Việt Nam qua CKQT La Lay.

Tại các buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khẳng định, địa phương luôn ưu tiên để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua CKQT La Lay. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tích cực phối hợp nhà đầu tư đẩy nhanh việc hoàn chỉnh các thủ tục nhằm tăng tốc tiến độ thực hiện dự án.

Cũng trong chuyến công tác tại Lào vào tháng 3/2024, để sớm hoàn thiện các cơ chế đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa khu vực biên giới, lãnh đạo cấp cao tỉnh Quảng Trị và các tỉnh bạn Lào đã thống nhất nội dung, xây dựng mối quan hệ lên một tầm cao mới với các thỏa thuận hợp tác trên tất cả lĩnh vực được ký kết.

Nổi bật, tỉnh Quảng Trị - Salavan và Savannakhet thống nhất phối hợp nghiên cứu, triển khai thực hiện các nội dung của kết quả nghiên cứu Đề án “Hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan)”; 2 tỉnh Quảng Trị và Savannakhet sớm hoàn thiện, bổ sung dự thảo để có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo, phấn đấu đưa Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan vào vận hành trong năm 2025.

Liên quan đến hạ tầng cửa khẩu, Quảng Trị đề nghị tỉnh Salavan quan tâm mở rộng diện tích, nâng cấp hạ tầng tại khu vực CKQT La Lay phía bạn nhằm tạo thuận lợi trong công tác tối giản thủ tục thông quan cho xe tải không có hàng hóa khi qua địa phận...

Một góc mỏ than lộ thiên Kaleum, tỉnh Sekong, Lào - Ảnh: L.T.

Một góc mỏ than lộ thiên Kaleum, tỉnh Sekong, Lào - Ảnh: L.T.

Đối với tỉnh Sekong, nội dung hợp tác nghiên cứu nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ huyện Kaleum (Sekong) đến huyện Tà Ổi (Salavan) nhằm kết nối với tuyến giao thông qua huyện Nòng đến Bản Đông (Savannakhet) về CKQT Lao Bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, đi lại của các địa phương, nhất là vận chuyển mặt hàng than đá.

Hai bên phối hợp nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh hợp tác về thương mại - đầu tư, dịch vụ logistics, du lịch qua tuyến hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối mạnh mẽ giữa các tỉnh Sekong - Champasak - Salavan - Quảng Trị và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung qua CKQT La Lay được thống nhất ký kết.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Sekong (Lào) Lếc-lảy Sỷ- vy-lay cho biết: Đối với những nội dung đã được ký kết trong biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai địa phương, tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác, vận chuyển và xuất khẩu than đá từ Sekong đi qua các tỉnh Salavan, Savannakhet về Việt Nam qua cặp CKQT La Lay - La Lay và Densavan - Lao Bảo. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sekong sẵn sàng chào đón, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng sang đầu tư tại địa phương.

Nỗ lực hoàn thiện đồng bộ hạ tầng

Tỉnh Quảng Trị quyết tâm mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư nhằm tạo ra những cực tăng trưởng mới để tăng thu ngân sách bền vững cho địa phương. Để làm được điều này, Quảng Trị đã nỗ lực trong đầu tư, hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng gắn với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa thông qua các dự án mang tính động lực, tạo bứt phá.

Trong đó, các dự án mang tính chiến lược, có tính kết nối là: đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây; cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; Quốc lộ 15D; Khu bến cảng Mỹ Thủy; Cảng hàng không Quảng Trị, Khu công nghiệp Quảng Trị đang được triển khai.

Cầu Thạch Hãn 1 thuộc Dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây đang được thi công - Ảnh: L.T

Cầu Thạch Hãn 1 thuộc Dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây đang được thi công - Ảnh: L.T

CKQT La Lay có vị trí thuận lợi cho hợp tác quốc tế ở phía Tây, là cửa ngõ nối các tỉnh miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Do đó, Quảng Trị đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho hạ tầng khu vực cửa khẩu này nhằm đánh thức tiềm năng, thúc đẩy phát triển KT-XH trên EWEC.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Ngày 28/6/2024, UBND tỉnh có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Nam Tiến đầu tư dự án với chiều dài băng tải dự kiến là hơn 6,1 km. Với tổng vốn đầu tư khoảng trên 1.489 tỉ đồng, sau khi đưa vào hoạt động, hệ thống băng tải sẽ phục vụ việc vận chuyển than đá với công suất 30 triệu tấn/năm.

Liên quan đến dự án này, vào ngày 5/9/2024, UBND tỉnh có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Nam Tiến đầu tư xây dựng kho bãi tập kết hàng hóa tại thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông.

Nói về kết quả chuyến thăm, làm việc tại các tỉnh bạn Lào, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng khẳng định: “Những chuyến thăm, làm việc tại các tỉnh Sekong, Salavan, Champasak và Savannakhet của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị rất thành công. Sự thành công này được thể hiện từ sự đón tiếp nồng hậu của phía bạn đến những bản cam kết được thống nhất nhằm hiện thực hóa và nâng tầm cao mới cho việc hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó trọng tâm là khai thác tối đa những thế mạnh của tỉnh trên tuyến EWEC. Cả 4 địa phương này đều có mối quan hệ hợp tác toàn diện đối với Quảng Trị, tuy nhiên, mỗi tỉnh có những đặc thù, thế mạnh riêng. Do đó, đối với từng tỉnh, Quảng Trị thảo luận, thống nhất các đầu việc cụ thể, tất cả hướng đến sự phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN cho các bên”.

Tuy nhiên, Quảng Trị vẫn gặp không ít khó khăn, rất cần sự đồng hành, vào cuộc của trung ương nhằm ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển tỉnh trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế. Cụ thể, vào ngày 9/10, UBND tỉnh Quảng Trị có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải về tình hình thực hiện và kiến nghị đề xuất một số vấn đề liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tỉnh đề nghị ưu tiên bố trí nguồn ngân sách trung ương và sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 15D đoạn từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến CKQT La Lay đưa vào khai thác trong năm 2028.

Ngoài ra, tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; xem xét, sớm trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, cầu phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1; hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung tăng cường đầu tư tại Lào...

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/danh-thuc-tiem-nang-tren-hanh-lang-kinh-te-dong-tay-190792.htm