Đánh thức tiềm năng từ du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái
Hiện thành phố đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái; thành phố cũng có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch
Hà Nội quy tụ nhiều làng nghề - khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn; trong đó, có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống - hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm tại các vùng nông thôn ngoại thành, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu qua các năm. Các làng nghề đóng góp khoảng 8 - 10% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, có gần 200 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 50 tỷ đồng/năm, một số làng nghề đạt doanh thu từ 10.000 - 25.000 tỷ đồng/năm.
Theo thống kê, hiện tại làng nghề Bát Tràng có khoảng hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ; nghề gốm sứ đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương; nhiều hộ gia đình cũng mở các lớp học nặn gốm cho du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, tham quan khi ghé đến làng gốm Bát Tràng. Tương tự, tại làng lụa Vạn Phúc cũng bắt đầu xuất hiện các khu sản xuất mở để du khách vào xem thực tế quá trình làm lụa thay vì chỉ sản xuất trong mỗi gia đình và đưa sản phẩm ra thị trường qua nhiều khâu trung gian như trước đây. Du khách được nhìn tận mắt, tận nơi, thấy được sự vất vả của người làm nghề dệt lụa truyền thống, đấy là điều du khách rất thích.
Cần có chính sách hỗ trợ khu vực nông thôn phát triển du lịch
Nhằm cụ thể hóa Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17.3.2021 của Thành ủy Hà Nội, thành phố tập trung khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng có về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Một trong những mục tiêu mà ngành nông nghiệp thủ đô hướng tới là từng bước phát triển vùng sản xuất cây ăn quả đồng bộ theo hướng chất lượng cao kết hợp với du lịch sinh thái để tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Tại huyện Ba Vì có trang trại đồng quê Ba Vì đã thực hiện xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp; trang trại đã liên kết các chủ trang trại và các làng nghề truyền thống của địa phương để tổ chức cho du khách tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hóa đồng quê như: cấy lúa, úp nơm bắt cá; trồng và hái các loại rau rừng; xem cách làm mật ong; tự hái và sao chè khô; cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn...
Theo đánh giá, việc phát triển du lịch nông nghiệp là cách tốt nhất để nông dân bán nông sản chất lượng cao ngay tại vườn với giá phù hợp mà không phụ thuộc thương lái. Với lợi thế về chất lượng nông sản tốt, canh tác theo phương pháp hữu cơ cùng cảnh quan đẹp, nếu nông dân được các cơ quan chức năng hỗ trợ về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm thì người dân sẽ yên tâm sản xuất và đầu tư bài bản hơn.
Để đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp trải nghiệm ở các vùng cây ăn quả lớn phát triển xứng tầm, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản, các địa phương cần có quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp thế mạnh để thu hút đầu tư. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ khu vực nông thôn có ưu thế để phát triển du lịch, trong đó, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo cảnh quan sạch đẹp, môi trường trong lành; giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống.
Mặt khác, cần tăng cường xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn khi vào mùa quả chín. Ngoài ra, để phát triển du lịch nông nghiệp thì không thể thiếu được vai trò của doanh nghiệp lữ hành - "mắt xích" quan trọng giúp du lịch nông nghiệp có sức hút cao nhất. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực làng nghề; lớp truyền nghề, nhân cấy nghề; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại làng nghề.