Đánh thuế carbon: Vượt thách thức mới để xuất khẩu vào EU
EVFTA là một hiệp định thiên về phát triển bền vững, đặc biệt là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) chính thức áp dụng từ 1/10 là thách thức mới cho hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.
Bắt buộc phải theo tiêu chuẩn xanh
Cùng với các tiêu chuẩn cao tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thì cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, chính thức áp dụng từ ngày 1/10/2023 và thực hiện thí điểm trong 3 năm, là thách thức mới cho hàng xuất khẩu Việt Nam.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm quản lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất của tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào EU. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu.
Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Cơ chế được chia thành ba giai đoạn.
Với nhiều doanh nghiệp, đây vẫn là thông tin rất mới.
Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm và thương mại dịch vụ Lê Gia, thừa nhận còn “hiểu mơ hồ” về cơ chế này. “Chúng tôi hiểu mơ hồ rằng nếu một nhãn hàng, nhà sản xuất không chứng minh được chứng chỉ xanh cho sản phẩm thì phải bỏ tiền ra mua tín chỉ carbon. Đó là lợi thế cho ngành hàng nào có chứng chỉ xanh. Chúng tôi mới nghe thông tin đánh thuế và chúng tôi đánh giá đó là câu chuyện tất yếu. Khi Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26 thì doanh nghiệp phải chuẩn bị và tuân theo các quy chế chung”, ông Lê Anh nói.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho rằng: Mặc dù các nhà nhập khẩu sẽ được yêu cầu thu thập dữ liệu quý IV kể từ ngày 1/10/2023, nhưng báo cáo đầu tiên của họ sẽ chỉ phải được nộp trước ngày 31/1/2024.
Việc áp dụng dần dần CBAM theo thời gian cũng sẽ cho phép thực hiện quá trình chuyển đổi thận trọng, có thể dự đoán và cân đối cho các doanh nghiệp EU và ngoài EU, cũng như cho các cơ quan công quyền. Giai đoạn này, các nhà nhập khẩu hàng hóa mới phải báo cáo lượng phát thải khí nhà kính (GHG) trong hàng nhập khẩu của họ (phát thải trực tiếp và gián tiếp) mà không thực hiện bất kỳ khoản thanh toán hoặc điều chỉnh tài chính nào.
Phát thải gián tiếp sẽ được đề cập trong phạm vi sau giai đoạn chuyển tiếp đối với một số lĩnh vực nhất định (xi măng và phân bón), trên cơ sở phương pháp luận xác định được nêu trong Quy định thực thi và hương đẫn kèm theo.
“Sau khi hệ thống vĩnh viễn có hiệu lực vào ngày 1/1/2026, các nhà nhập khẩu sẽ phải khai báo hàng năm số lượng hàng hóa nhập khẩu vào EU trong năm trước đó và lượng khí thải nhà kính liên quan của chúng. Sau đó, họ sẽ giao nộp số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng. Giá của chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra. Việc loại bỏ dần việc phân bổ tự do theo EU ETS sẽ diễn ra song song với việc dần dần áp dụng CBAM trong giai đoạn 2026-2034”, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết.
Doanh nghiệp phải thay đổi
Bà Nguyễn Hồng Loan, Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM, cho rằng: Bản thân các doanh nghiệp trong nước hiện nay chưa quen và chưa có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực để xây dựng báo cáo liên quan đến phát thải khí nhà kính, hay tiến tới là phải tính toán được suất phát thải trên sản phẩm, hàng hóa, thậm chí không chỉ là sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà cả với nguyên vật liệu và nhiên liệu mua từ bên ngoài.
“Đó là những khó khăn. Với những doanh nghiệp không có sự chuẩn bị trước, không có lộ trình thì chúng ta sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của châu Âu”, bà Loan cảnh báo.
Vì thế, các doanh nghiệp nên chủ động xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, quản trị và xã hội của mình để nâng cao nhận thức, năng lực thực thi, để khi có yêu cầu chuyển đổi thì doanh nghiệp có thể áp dụng được ngay,
TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, cho rằng: Đối với các nước phát triển, họ có các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao, đặc liên quan môi trường, lao động, quy trình sản xuất. Chúng ta đã hội nhập thì phải chấp nhận các cam kết và tuân thủ. Với mục tiêu giảm tác động môi trường, EU đưa ra cơ chế này, đây cũng là điều phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng như cam kết của Việt Nam trong việc giảm phát thải.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), khẳng định: EVFTA không phải là một hiệp định thương mại thông thường mà là một hiệp định có yếu tố quan trọng về phát triển bền vững, bởi EU rất quan tâm đến việc phát triển bền vững.
Do đó, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang EU cần hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, đến vấn đề môi trường và lao động, ông Khanh lưu ý.