Đánh thuế phân bón: Ai hưởng lợi nhất?
Luật mới áp thuế VAT 5% cho phân bón được kỳ vọng sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước với phân bón nhập ngoại.
Tăng cạnh tranh với phân bón ngoại
Quốc hội vừa thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, trong đó đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với mức thuế suất 5%.
Chính sách mới này nhằm bảo vệ thị trường phân bón nội địa, đảm bảo an ninh lương thực và giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu. Đây là kết quả của nhiều năm kiến nghị từ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Trước đó, theo Nghị quyết 71/2014/QH13, phân bón được xếp vào danh mục không chịu thuế VAT từ tháng 1/2015. Điều này giúp người dùng cuối không phải trả thuế VAT nhưng lại khiến các doanh nghiệp nội địa không được hoàn thuế VAT đối với nguyên vật liệu sản xuất, bao gồm khí tự nhiên, than và quặng phốt phát – những thành phần chiếm 50-80% chi phí sản xuất.
Việc không được khấu trừ VAT đã đẩy chi phí sản xuất lên cao, làm giảm sức cạnh tranh của phân bón nội địa so với hàng nhập khẩu. Trong khi đó, các nhà sản xuất phân bón nước ngoài được hoàn thuế VAT tại quốc gia của họ, tạo lợi thế giá thành trên thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia, mức thuế 5% được kỳ vọng sẽ giúp cân bằng lại môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước và tăng khả năng cạnh tranh trước phân bón nhập khẩu.
Theo SSI Research, trong trường hợp cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa sau khi được hoàn thuế, có thể chọn giảm giá bán, từ đó thu hẹp khoảng cách giá so với hàng nhập khẩu.
Đồng quan điểm, Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng mức thuế 5% có thể làm giảm sự cạnh tranh về giá thành giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu. Điều này rất có lợi cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu phân bón tiếp tục tăng cao.
Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 3,2% - 4% trong năm 2024, với lĩnh vực trồng trọt dự kiến tăng 2,0% - 2,2%. Điều này dự báo nhu cầu phân bón sẽ tiếp tục gia tăng để đáp ứng nhu cầu canh tác.
Bên cạnh đó, xuất khẩu phân bón dự báo sẽ phục hồi mạnh, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Campuchia, Hàn Quốc. Thị trường xuất khẩu cũng đang mở rộng sang châu Âu, nơi có các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cao hơn.
Hai cái tên hưởng lợi lớn
Việc áp thuế VAT 5% với phân bón được dự báo sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất ure và DAP cải thiện biên lợi nhuận gộp và thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận, nhờ khả năng khấu trừ thuế VAT đối với chi phí sản xuất.
Theo SSI Research, các công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, gồm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, sẽ là những đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này.
Đạm Phú Mỹ hiện là nhà sản xuất ure hàng đầu Việt Nam, với công suất 800.000 tấn/năm, chiếm khoảng 60% doanh thu. Doanh nghiệp cũng sản xuất phân NPK với công suất thiết kế 250.000 tấn/năm, đóng góp hơn 12% doanh thu.
Trong khi đó, Đạm Cà Mau có sản lượng ure đạt 900.000 tấn/năm và đã mở rộng công suất sản xuất NPK lên 660.000 tấn/năm sau khi mua lại Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt.
Ure và DAP – hai loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên như khí đốt, than và quặng phốt phát – sẽ được hưởng lợi lớn từ việc khấu trừ thuế VAT, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng biên lợi nhuận gộp.
Ngược lại, tác động đối với các nhà sản xuất NPK là không đáng kể, do nguyên liệu sản xuất NPK chủ yếu là các loại phân bón đơn như ure, phốt phát đơn và kali. Việc thay đổi thuế VAT không làm thay đổi đáng kể chi phí sản xuất NPK.
Trong chín tháng đầu năm 2024, cả Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ giá ure phục hồi và biên lợi nhuận từ mảng phân bón tự doanh cải thiện.
Với nhu cầu phân bón dự kiến tăng trở lại và chính sách thuế mới có hiệu lực vào năm 2025, lợi nhuận của hai doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục tăng mạnh.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/danh-thue-phan-bon-ai-huong-loi-nhat-d38117.html