Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận chương trình kích cầu đầu tư
Hơn 1.500 tỷ đồng đã có sẵn dành hỗ trợ doanh nghiệp DN vực dậy nội lực sản xuất, gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu của TPHCM, nhưng thủ tục chậm trễ, không giải ngân được.
Yếu vốn nên khó phát triển
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM, cho biết “khát vốn” và “mãi nhỏ” là đặc trưng của DN ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây chính là lý do dẫn đến DN ngành công nghiệp hỗ trợ không lớn, tình trạng này đã kéo dài hơn 30 năm nay.
Hiện để sản phẩm của DN gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, không còn là câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”, câu trả lời là “con gà phải có trước”. Điều này đồng nghĩa với việc DN phải đầu tư hoàn thiện nhà máy sản xuất, sản phẩm phải có giá thành cạnh tranh và đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Muốn như thế, DN buộc phải vay vốn đầu tư, bởi dựa trên vốn tự có là chưa đủ. Thế nhưng, nhiều năm qua, tình trạng vay vốn với lãi suất cao luôn đè nặng lên vai DN.
Công ty TNHH Sản xuất thương mại Cát Thái (Khu công nghệ cao TPHCM) gia công chi tiết phụ trợ. Ảnh: Hoàng Hùng
Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ là ngành đặc thù có chi phí đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn lâu do biên độ lợi nhuận thấp. Thị trường nhóm sản phẩm này cũng hẹp, tập trung vào chuỗi cung ứng chuyên ngành. Chính vì thế mà chính phủ các nước phải thiết lập chính sách hỗ trợ vốn đặc thù, lãi vay rất thấp, trung bình DN vay vốn lãi suất chỉ từ 2%/năm.
Thế nhưng, tại Việt Nam, DN Việt vẫn phải vay vốn với lãi suất thương mại từ 8-12%/năm; có những thời điểm thị trường tài chính biến động, lãi suất vay cao hơn 16%. Đó chính là lý do khiến DN không thể tạo ra sản phẩm với giá thành cạnh tranh, nên việc tăng trưởng của ngành qua các năm không ổn định.
Khi chính sách kích cầu ban hành, các DN rất hồ hởi cho rằng kịp thời và đột phá, sẽ tạo động lực thúc đẩy DN phát triển. Tuy nhiên, ban hành từ tháng 7 nhưng đến nay TPHCM vẫn chưa có dự án nào tiếp cận nguồn vốn vay. HFIC cho biết, do chưa ban hành quy chế hoạt động của tổ thẩm định thuộc Sở KH-ĐT và Sở Công Thương nên chương trình bị “đứng hình”.
Sớm gỡ nút thắt “khát vốn”
Tính đến năm 2024, Việt Nam có khoảng 5.000 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm khoảng 4,5% tổng số DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Riêng tại TPHCM, có khoảng 1.500 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, quy mô và năng lực DN còn nhiều hạn chế. Phần lớn DN công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Sản phẩm chủ yếu của DN trong nước là linh kiện đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Các DN cũng thiếu liên kết trong chuỗi cung ứng, nhất là sự kết nối giữa DN trong nước và doanh nghiệp FDI còn yếu, dẫn đến khó khăn trong việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Nếu so với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia thì số lượng DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam gia nhập sâu chuỗi cung ứng toàn cầu còn ít. Điều này minh chứng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn giản đơn, chưa có nhiều sản phẩm đa chi tiết và sản phẩm lõi”, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam, chia sẻ.
Nhà máy Cơ khí chính xác Duy Khanh (Khu công nghệ cao TPHCM) gia công chi tiết máy công nghiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo các chuyên gia kinh tế, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, cần có các chính sách đồng bộ như: bơm vốn kịp thời; cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường cho các DN trong ngành; cung cấp các ưu đãi về thuế, tín dụng và đất đai; đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi…
“Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ giúp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, nhấn mạnh.
Tỷ lệ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2019-2024
Trong khi đó, dưới góc nhìn kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khuyến nghị các giải pháp thiết thực. Mới đây, WB công bố báo cáo với tựa đề “Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao”. Báo cáo chỉ rõ, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, với khoảng 50% GDP và việc làm phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu.
“Việc hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế trong nước. Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam cần theo đuổi các giải pháp chính sách trọng tâm bao gồm đẩy mạnh hội nhập thương mại chiều sâu; tăng cường kết nối giữa DN trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy các hoạt động sử dụng công nghệ cao; chuyển đổi sang mô hình sản xuất carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu”, bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhìn nhận.
Doanh nghiệp cơ khí - điện kiệt quệ
Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM (HAMEE) vừa gửi đơn kêu cứu đến UBND TPHCM về các khó khăn mà ngành đang phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư. Theo đó, có 31 DN thuộc diện được áp dụng hỗ trợ vốn vay và lãi suất vốn vay theo Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ban hành ngày 30-10-2015, quy định về việc thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM. Chương trình này khuyến khích các DN đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Ngân sách TPHCM hỗ trợ lãi suất theo thực tế nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng VND kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn, cộng thêm phí quản lý 2%/năm. Phần chênh lệch giữa lãi suất cho vay thực tế và mức hỗ trợ do chủ đầu tư tự cân đối.
Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 7 năm kể từ ngày giải ngân lần đầu. Số vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 70% của phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 85% phần vốn công nghệ và thiết bị, với mức tối đa 100 tỷ đồng cho mỗi dự án.
Tuy nhiên, chương trình đột ngột bị gián đoạn vào năm 2020 do vướng quy định về đầu tư công. Đến tháng 7-2024, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 42/2024/QĐ-UBND, tái khởi động Chương trình kích cầu đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, đối tượng chương trình được mở rộng nhiều lĩnh vực hơn, tổng số vốn cho DN vay cũng được nâng lên tối đa 200 tỷ đồng. Mức hỗ trợ lãi suất vốn vay từ 50-100% tùy loại hình dự án. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này.
Đại diện HAMEE trần tình, 3 năm gián đoạn khiến các DN phải gồng trả vốn vay và lãi vay thương mại rất cao cho ngân hàng. Một số DN đã kiệt quệ và không thể duy trì hoạt động sản xuất, hàng ngàn lao động có nguy cơ mất việc làm. HAMEE đề xuất lãnh đạo thành phố cần có các các giải pháp quyết liệt hơn để chương trình kích cầu đầu tư sớm đi vào thực tế, giải quyết dứt điểm các vướng mắc nói trên.