Đào Anh Tuân - Người 'kết nối' những trang sử hào hùng đến với du khách

Anh Đào Anh Tuân, công tác tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến với hình ảnh là người đàn ông truyền tải sâu sắc những trang sử hào hùng, những chiến công bất khuất của các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống tại mảnh đất huyền thoại này trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Hơn 20 năm làm việc và dù đang giữ cương vị Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, nhưng anh Đào Anh Tuân (49 tuổi, trú tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) chưa ngày nào nghỉ ngơi công việc của một thuyết minh viên đã gắn bó với mình bấy lâu nay.

Tháng 7 về, khắp dải non sông ai nấy đều ngậm ngùi tưởng nhớ đến công lao của các lớp cha anh, những thế hệ đi trước, những người con ưu tú đã ngã xuống cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Đồng Lộc cũng vậy, những dòng người dài bất tận, lặng lẽ nối tiếp nhau đặt lên bia mộ của 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong những bông hoa cúc trắng, mắt rưng rưng, thành tâm với những lời thỉnh cầu, cảm tạ…

Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

Với nhiệm vụ cao cả của mình, những thuyết minh viên ở Khu di tích vẫn miệt mài chuyển tải những thông điệp lịch sử đến với du khách trong cái nắng chói chang. Họ dành vào đó, giọng đọc của mình là cả tâm tư, lòng biết ơn vô hạn đối với các Anh hùng liệt sỹ.

Là một trong những thuyết minh viên đầu tiên tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, anh Tuân với chất giọng trầm ấm của mình đã tái hiện, lột tả được những chiến tích hào hùng, sự hi sinh anh dũng của 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong cũng như quân và dân đã chiến đấu và nằm lại nơi đây.

Chia sẻ với báo chí, anh Tuân cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, anh được sắp xếp công việc tại Trung tâm văn hóa Thể thao huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

Ngoài công việc chuyên môn, anh tích cực tham gia các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ của đơn vị với vai trò của một người dẫn chương trình. Sau đó, anh Tuân được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh điều động về làm việc tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đúng với chuyên ngành kế toán. Cũng từ đây, anh đã nên duyên” với vai trò là một người “kết nối” lịch sử.

Anh Đào Anh Tuân thuyết minh cho Đoàn công tác Báo Công lý trong chuyến hành trình Tri ân miền đất lửa vừa qua.

Anh Đào Anh Tuân thuyết minh cho Đoàn công tác Báo Công lý trong chuyến hành trình Tri ân miền đất lửa vừa qua.

“Thời điểm đó, lượng khách đến viếng còn ít nên công việc kế toán của tôi khá rảnh. Chứng kiến những giọt nước mắt của du khách rơi khi nghe các thuyết minh viên tại đây nói về những anh hùng, liệt sỹ đã làm tôi xúc động và cũng muốn mình có thể truyền tải những thông điệp đó đến các du khách nên bản thân đã nghiên cứu và tập dẫn thuyết minh. Một lần đang tập luyện, Trưởng ban vô tình phát hiện và đánh giá tôi có năng khiếu nên đã khuyến khích tôi thử sức với công việc này. Cũng từ đó, tôi ”nên duyên” với công việc này”, anh Tuân nhớ lại.

Thời gian sau đó, anh Tuân cùng lúc làm song song hai nhiệm vụ, vừa làm kế toán vừa làm thuyết minh viên của Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Năm 2003, anh Tuân quyết định ngưng nghề kế toán để chính thức bắt đầu sự nghiệp của một thuyết minh viên.

Để chạm đến cảm xúc người nghe, cũng như có thể tái hiện đầy đủ nhất những năm tháng hào hùng, những chiến công bất diệt hay những sự hi sinh cao cả của các anh, các chị… anh đã không ngừng học tập, nỗ lực tìm kiếm các tư liệu lịch sử, tìm gặp nhân chứng để thu nạp cho mình những câu chuyện mới, những chi tiết độc đáo để bổ sung cho bài thuyết minh của mình thêm hoàn chỉnh. Để người nghe có thể hiểu thêm, cảm thấu sự ác liệt tại chiến trường Đồng Lộc năm xưa.

Anh Đào Anh Tuân được ví như người "kết nối" những trang sử hào hùng đến với du khách.

Anh Đào Anh Tuân được ví như người "kết nối" những trang sử hào hùng đến với du khách.

Những câu chuyện về nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Thị Tám đứng trên đài quan sát đỉnh núi Mòi “đếm từng loạt bom rơi”; chuyện về sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong đã đi vào lịch sử; sự bất khuất, kiên cường, kiên trung của người dân nơi đây tham gia bảo đảm thông đường cho xe ra tiền tuyến... được anh Tuân truyền tải đến du khách một cách chân thực, sinh động, khiến nhiều người xúc động.

Đối với anh Tuân, công việc của mình không chỉ là câu chuyện nghề nghiệp đơn thuần, không phải chỉ là “dẫn hay nói khéo” mà phải truyền tải được đến du khách một cách chân thực nhất những gì đã diễn ra trong quá khứ, đồng thời phải toát lên được hào khí anh hùng của quân dân ta ở chiến trường Đồng Lộc để góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Bản thân anh Tuân cảm thấy tự hào vì công việc của mình đã góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Bản thân anh Tuân cảm thấy tự hào vì công việc của mình đã góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ.

“Rất nhiều du khách sau khi được nghe kể những câu chuyện lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc đã rơi lệ, kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh oanh liệt của các nữ liệt sĩ và các lực lượng chiến đấu tại đây. Những tình cảm yêu mến, trân trọng của du khách đã tiếp thêm động lực cho tôi và các thuyết minh viên tại Ngã ba Đồng Lộc để cố gắng làm tốt công việc của mình mỗi ngày. Với tôi đó là món quà vô giá”, anh Tuân nói.

Tháng 7 về, mỗi ngày Khu di tích đón hơn 100 đoàn khách đến thăm, viếng và tri ân các Anh hùng liệt sỹ. Ngày cao điểm, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón đến 600 đoàn khách. Dịp 30/4 vừa qua, tại đây đã đón đến 10.000 lượt du khách hành hương về địa chỉ đỏ này.

Bá Mạnh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/dao-anh-tuan-nguoi-ket-noi-nhung-trang-su-hao-hung-den-voi-du-khach-387162.html