Đạo diễn Lê Quý Dương: 'Nghệ thuật khi đã thuộc về số đông, nó đã trở thành cái bình thường rồi'

Đạo diễn Lê Quý Dương bày tỏ quan điểm về phát ngôn của Thanh Lam: 'Nếu cả công chúng, khán giả, nghệ sĩ chỉ bằng lòng, yên tâm với thói quen sáng tạo và thưởng thức đã được mặc định có sẵn, trở thành đa số đám đông phán quyết thì đó là một đời sống VHNT bình dân với chỉ số sáng tạo và thưởng thức rất thấp'.

Sau khi Gia đình&Xã hội thực hiện cuộc phỏng vấn với NSƯT Thanh Lam, chúng tôi nhận được nhiều đồng cảm lẫn tranh luận của giới chuyên môn và công chúng xung quanh bài viết "Thanh Lam tâm sự đậm chất Thiền sau câu chuyện hát 'Thiên thai' của Văn Cao".

Trong cuộc trò chuyện, Diva Thanh Lam chia sẻ những quan điểm làm nghề đầy kiên định. "Có thể vì tôi là người có nội lực mạnh mẽ, cách hát của tôi chưa phù hợp với đại chúng. Nhưng phải chấp nhận cuộc sống là muôn màu chứ! Cả một chương trình ai ra sân khấu cũng một màu thì còn gì hấp dẫn? Làm sao Thanh Lam lại giống một người nào đó. Khác nhau mới hay chứ!"; "Một người mạnh mẽ như thế, họ đang là chính họ thì không thể vì mình muốn nghe sự mềm mại yêu thương mà muốn họ yếu đi". "Mỗi người là cá thể riêng, đặc biệt, không thể vì ai mà thay đổi con người thật của mình. Tôi rất trân quý bản thể của mình và âm nhạc của tôi chính là phản chiếu con người tôi".

Diva Thanh Lam

Diva Thanh Lam

Vì sự kiên định này mà ngay cả khi không được số đông công chúng thừa nhận, nữ nghệ sĩ cũng vẫn tiếp tục "khám phá, khám phá và khám phá nhiều nữa trong thế giới âm nhạc bao la". Bởi chị cho rằng khi đã ở vị thế như hiện tại, chị không quá quan tâm đến chuyện ít hay nhiều khán giả nữa. "Khen chê là những thứ do người khác mang lại nên việc mình làm thì cứ làm thôi. Cứ đóng góp từ sự thôi thúc, khao khát và làm tròn những gì trời đã cho mình", Thanh Lam nói.

Chị cũng cho rằng thay vì lên án nghệ sĩ, khán giả nên là người thúc đẩy, khích lệ sức sáng tạo của nghệ sĩ và đón nhận sự khác biệt với trái tim rộng mở. Nếu mình có sự rộng mở thì sẽ đón nhận mọi việc nhẹ nhàng, thấy bình thường với cái chưa hay, chưa như ý mình.

Bày tỏ quan điểm về bài phỏng vấn này, đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ:

"Một bài phỏng vấn rất hay. Nghệ thuật nói chung, đặc biệt âm nhạc nói riêng, luôn không có đúng hay sai. Cảm xúc là yếu tố quyết định. Cảm xúc cũng ít khi đồng nhất mà vô cùng đa dạng tùy theo lứa tuổi, tầng lớp xã hội, quan điểm chính trị, tôn giáo và thẩm mỹ riêng của mỗi cá thể công chúng khán giả.

Không có nghệ thuật đích thực cho tất cả đại chúng. Nếu có thì đó cũng chỉ là một thứ nghệ thuật đơn tuyến, một màu theo số đông của đại chúng. Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chúng ta có công chúng khán giả khá đồng nhất, có chung một đời sống vật chất và tinh thần với một mục tiêu chính trị là đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước nên văn học nghệ thuật thời kỳ đó cũng đơn tuyến và đồng nhất với đa số khán giả công chúng, với tên gọi chung là VHNT cách mạng.

Thời mở cửa khác nhiều. Kinh tế thị trường mang theo cùng sự phát triển của nó là quá trình sàng lọc và phân hóa xã hội (công chúng khán giả) thành nhiều bộ phận với nhu cầu thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật khác nhau, tạo cơ hội đột phá, sáng tạo cho các văn nghệ sĩ có những tìm tòi thử nghiệm mới.

Nếu "người nghệ sĩ không biết tự chán chính mình" để sục sôi khao khát đi tìm cái mới thì đó là dấu hiệu của một đời sống văn hóa và nghệ thuật tụt hậu.

Nếu cả công chúng, khán giả và nghệ sĩ chỉ bằng lòng và yên tâm với thói quen sáng tạo và thưởng thức đã được mặc định có sẵn, trở thành đa số đám đông phán quyết thì đó là một đời sống VHNT bình dân với chỉ số sáng tạo và thưởng thức rất thấp. Cái mới, cái độc đáo, cái khác biệt không bao giờ thuộc về số đông. Khi nó đã thuộc về số đông nó đã trở thành cái cũ, cái bình thường rồi.

Hãy để cho người nghệ sĩ được sáng tạo và tận hiến bằng giá trị cốt lõi của họ. Giá trị cốt lõi đó có thể đổi thay theo thời gian ra sao thì tự họ sẽ biết cách điều chỉnh và hoàn thiện".

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/dao-dien-le-quy-duong-nghe-thuat-khi-da-thuoc-ve-so-dong-no-da-tro-thanh-cai-binh-thuong-roi-172230828155544404.htm