Đạo diễn Tây Phong: Văn hóa dân tộc là nền tảng cho sáng tạo tác phẩm
Việc dựng các chương trình âm nhạc hay vở kịch có yếu tố lịch sử và văn hóa dân tộc, là con đường mà đạo diễn Tây Phong chọn.
Đạo diễn, diễn viên Tây Phong (tên thật là Lê Thanh Phong) đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề.
Từ nhỏ, đạo diễn Tây Phong bị cuốn hút bởi các loại hình nghệ thuật truyền thống: các vở chèo, tuồng, hát văn, ca trù... trên sóng phát thanh. Khi theo học thanh nhạc tại Nhạc viện TPHCM, được tham dự một số buổi tọa đàm của giáo sư Trần Văn Khê, các buổi điền dã của giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, anh càng thêm yêu vốn văn hóa cổ. Với Tây Phong, văn hóa là nền tảng, gốc rễ khiến các tác phẩm nghệ thuật mà anh dàn dựng có chiều sâu.
Dựng các vở kịch hay soạn nhạc về lịch sử, văn hóa dân tộc, với đạo diễn Tây Phong là một cái duyên, khi các yếu tố cá nhân của anh phù hợp với loại hình này. Thông qua các nhân vật lịch sử, các tình huống, anh mượn gương sáng của tiền nhân để hoàn thiện con người, đồng thời chia sẻ sự cảm thông với bi kịch thời thế của họ...
Công việc cơ bản của đạo diễn là tiếp cận kịch bản, nghiên cứu nó thuộc thời kì nào, bối cảnh lịch sử xã hội ra sao. Trong quá trình làm các chương trình nghệ thuật âm nhạc truyền thống, đương đại như “Đêm ả đào”, “Đêm quan họ”, “Đêm nguyệt cầm” (nhạc cổ truyền và trích đoạn kịch)... đạo diễn Tây Phong thấy, nếu các tác phẩm âm nhạc dân tộc được kết nối để trở thành một câu chuyện có nội dung mạch lạc, khán giả sẽ thích thú hơn. Cũng tương tự như vậy, khi các vở kịch được đặt để các giai điệu thanh âm cổ truyền trong các tình huống, ngữ cảnh hợp lý, sẽ tạo điểm nhấn gây ấn tượng cho khán giả.
“Với tôi người làm nghệ thuật, nghiên cứu thì phải tìm hiểu sâu đến tận cùng về các loại hình văn hóa truyền thống, nhưng khi thể hiện thì cần phù hợp với thời đại, phải cân nhắc về tiết tấu, độ nhanh chậm của nhân vật, vở diễn...” - đạo diễn Tây Phong chia sẻ.
Anh cũng cho biết: “Ngay trong tác phẩm lịch sử, tôi vẫn dùng những đoạn nhạc vô điệu tính, nhạc 12 âm, tân cổ điển... Hoặc về hình thể, đôi khi tôi cũng dùng các trình thức cách điệu của chèo, tuồng xen lẫn các động tác múa đương đại hay hình thể kịch câm. Cách dùng này tạo hiệu quả về tâm lý và chuyển động rất tốt. Những gì đưa lên sân khấu phải phù hợp, hài hòa và có tính hấp dẫn.”
Với đạo diễn Tây Phong, không có sự cứng ngắc trong phân biệt giữa truyền thống và đương đại, chỉ có sự hợp lý, tác phẩm liền mạch, không bị đứt gãy, lai căng: “Tôi truyền tải tác phẩm bằng ngôn ngữ thời đại, nhịp sống thời đại, cũng thể hiện nhân sinh quan của tôi, đưa những cảm thụ nghệ thuật, văn hóa, lịch sử của mình để chia sẻ giao cảm cùng khán giả, cũng không quên mình là người Việt, tự hào được làm tác phẩm dựa trên vốn văn hóa Việt”.
Với mỗi tác phẩm lịch sử được đảm nhận trong các cương vị khác nhau, đạo diễn, ca sĩ hay diễn viên, Tây Phong đều có những rung động cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau. Khi sử dụng vốn cổ: một giai điệu hay một áng thơ văn của các danh nhân, anh hùng dân tộc, đại thi hào như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… anh đều thấy tự hào, thấy sự hiện hữu của các bậc anh hùng, thấy được uy linh của tiền nhân, đồng thời cũng nhận thấy sự thay đổi trong nhận thức của mình.
“Ông cha đã để lại cho chúng ta một kho tàng nghệ thuật văn hóa phong phú với 54 dân tộc cùng nhiều phân nhánh nhỏ, văn hóa nghệ thuật ở mỗi dân tộc là một vỉa quặng mênh mông chưa được khai thác hiệu quả...”, đạo diễn Tây Phong nhận định.
Anh cũng cho rằng: “Từ việc thấy sự phong phú, đa dạng đến việc cảm nhận những tương đồng, gắn kết, ảnh hưởng lẫn nhau... vận dụng để tạo thành tác phẩm phái sinh là cả một chặng đường dài, cần sự nghiên cứu tìm tòi từ những người làm văn hóa nghệ thuật”.
“Với tôi sự đặc sắc của văn hóa Việt chính là sự đa dạng khác biệt và sự tương đồng gắn kết như một dòng chảy đối lưu vô tận, chính điều này làm văn hóa truyền thống Việt nảy nở phát triển một cách mạnh mẽ ở tương lai gần”, đạo diễn Tây Phong tâm niệm.