Đạo lý thầy, trò
Vào mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), các thế hệ học trò lại gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, những bông hoa tươi thắm đến các thầy, cô giáo - người 'chèo đò' trên dòng đời với tấm lòng biết ơn sâu sắc. Đó là truyền thống 'tôn sư trọng đạo' của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Truyền thống đạo đức quý báu này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng của dân tộc Việt Nam.
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh tặng hoa chúc mừng cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: phong sắc
Người xưa thường nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù chỉ học một chữ hay nửa chữ cũng mang ơn người dạy. Mang ơn thầy là bổn phận của người học, bởi “không thầy đố mày làm nên”. Thế nên, nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất vì sản phẩm đào tạo ra chính là con người. Nhân dân ta trọng đạo chính là trọng cái nghề “trồng người” cao quý ấy, cũng như họ đã tôn vinh người thầy là những “kỹ sư tâm hồn” và như “cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu, thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Trong xã hội phong kiến, với nền giáo dục “cửa Khổng sân Trình”, người thầy có một vị trí vô cùng quan trọng, chỉ ở dưới vua, thậm chí được đặt lên trên cả cha mẹ: Quân - Sư - Phụ (Vua - Thầy - Cha). Học trò ngày xưa phải thấm nhuần và tuân theo luân lý ấy. Quyền uy của người thầy là rất lớn, có khi còn lớn hơn cả cha mẹ. Điều đó cũng nói lên quan niệm về chữ “hiếu” và chữ “đạo” của cha ông ta ngày xưa rất rõ. Trước khi cho con đi học, cha mẹ sắm một mâm lễ bái lạy tổ tiên, mong con học hành sáng dạ, đỗ đạt. Sau đó, gia đình lại có một “lễ mọn”, thể hiện “lòng thành” dâng lên thầy mà con mình sẽ theo học. Tỏ lòng thành kính tôn sư trọng đạo, nhiều gia đình còn gửi gắm con ở luôn bên nhà thầy. Đạo trò xưa không chỉ tôn kính người thầy của mình, mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ lớn đối với thầy. Khi ra đường, gặp thầy, học trò phải ngả nón mũ vòng tay chào lễ phép. Lúc thầy già yếu, các đồng môn thường lo sắm cỗ thọ đường (áo quan). Thầy qua đời, trò chung nhau lo việc ma chay và có trách nhiệm với gia đình thầy, với ngày giỗ thầy... Tất cả những việc làm đó hoàn toàn xuất phát từ lẽ tự nhiên mà không hề vụ lợi, ép buộc. Trong lịch sử dân tộc ta có biết bao bậc thầy vĩ đại, cả đời tận trung vì dân, vì nước. Cuộc sống của họ thanh bần mà được người dân ca tụng, lưu danh muôn thuở. Ví như thầy giáo Chu Văn An (thời Trần), là người thầy tài cao, đức trọng, ngay thẳng, cương trực, ông có công dạy dỗ nhiều người thành đạt nhưng không màng danh lợi. Hay nhân cách cứng cỏi, bản lĩnh của cụ Tư đồ Trần Nguyên Đán; Nhà giáo Lương Đắc Bằng nghiêm khắc dạy bảo, truyền kinh lý cho Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đỗ trạng nguyên... Do lấy tư tưởng đạo đức làm nền tảng cơ bản, lấy luân lý làm kiến thức phổ thông nên quan hệ thầy - trò ngày xưa tuy rất khuôn phép theo lễ giáo phong kiến, song đã thể hiện được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của một nền giáo dục Nho học.
Đạo lý thầy - trò, “tôn sư trọng đạo” không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của Nhân dân ta. Đó cũng là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh. Vì lẽ đó, trên khắp đất nước, ở đâu cũng vậy, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược, từ nơi thuận lợi đến vùng khó khăn, người dân Việt Nam đều yêu quý, tôn trọng người thầy, đều dành cho thầy những tình cảm ưu ái và lòng biết ơn sâu sắc. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục đào tạo lại được coi là quốc sách hàng đầu và ngày 20-11 hằng năm trở thành ngày hội lớn để tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý.
Khi đất nước đang chuyển mình với những chủ trương đổi mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đã thu được những kết quả tốt đẹp; các giá trị đều được đề cao lên một bước, trong đó giá trị con người và trí tuệ con người ngày càng được coi là động lực cho sự phát triển. Đối với nghề dạy học, vị trí người thầy không ngừng được nâng lên, ơn nghĩa đối với người thầy vẫn là một trong những đạo lý được coi trọng. Những người “chèo đò” trong thời đại mới vẫn nhận được sự quan tâm, kính trọng và tôn vinh của toàn xã hội. Nhưng, theo dòng đời biến thiên, tư tưởng đạo lý xưa đã có sự đổi thay. Đâu đó mối quan hệ thầy - trò dần trở nên phai nhạt. Đặc biệt, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những tiêu cực của đời sống xã hội, một bộ phận nhà giáo thiếu tâm huyết với nghề, đánh mất lòng tự trọng nghề nghiệp, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã tạo ra vòng xoáy cuốn một bộ phận giáo viên rời xa truyền thống và tôn chỉ của nghề sư phạm, không giữ gìn vẹn nguyên hình ảnh người thầy, làm méo mó những khuôn vàng thước ngọc, làm mất đi lòng tin của Nhân dân và học sinh. Và cũng đã có những học trò xúc phạm đến danh dự, uy tín của thầy, cô giáo và nhà trường... Tất cả đã và đang làm phương hại đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Lịch sử như một hành trình, để giữ gìn một giá trị truyền thống quý báu, điều đó không phụ thuộc vào thời điểm lịch sử. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo nghị quyết của Đảng. Đội ngũ nhà giáo xứ Thanh cần xác định sứ mệnh và trách nhiệm của mình trước xã hội như lời Bác Hồ - người thầy vĩ đại của dân tộc đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Mỗi cán bộ, giáo viên phải kiên định, có thái độ đúng đắn, ngăn chặn xu hướng thương mại hóa giáo dục, tránh xa lối sống thực dụng và vô tâm. Xác định, trường học không phải là nơi kinh doanh, thầy giáo không thể là người bán chữ. Trẻ em đến trường không có một ham muốn gì hơn là học để làm người. Ấn tượng đầu tiên tác động đến học sinh là phong cách mẫu mực, là sự giỏi giang về trí tuệ, là nghệ thuật giảng bài của người thầy, sự hiểu biết và cảm thông với từng hoàn cảnh học trò. Mỗi nhà trường hãy làm cho không khí “thân thiện” bao trùm tất cả các mối quan hệ; thấm sâu, bám chắc vào đời sống giáo dục. Mỗi học sinh phải luôn thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy, cô giáo, cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện vì ngày mai lập thân, lập nghiệp. Cùng với đó là sự chung tay của toàn xã hội trong giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Làm được như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc và truyền thống đạo lý thầy - trò, “tôn sư trọng đạo” mãi mãi giữ nguyên giá trị, mãi mãi là động lực góp phần đưa sự nghiệp “trồng người” phát triển không ngừng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dao-ly-thay-tro/127477.htm