Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bảo Yên
Xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy) có trên 1.500 hộ dân với hơn 6.100 nhân khẩu, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 3.000 người. Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn luôn được các cấp ủy Đảng...
Từ việc được đào tạo nghề; chuyển giao KHKT và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, giống… nhiều nông dân xã Bảo Yên đã chuyển đổi sang nuôi cá lồng trên sông Đà, cho thu nhập ổn định.
(baophutho.vn) - Xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy) có trên 1.500 hộ dân với hơn 6.100 nhân khẩu, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 3.000 người. Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Do đó, số lao động được đào tạo, giải quyết việc làm hàng năm đều tăng, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bảo Yên có lực lượng lao động phong phú, hiện đang làm việc chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại chỗ. Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, xã Bảo Yên đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động; đồng thời tranh thủ sự quan tâm của các cấp, ngành để phối hợp mở các lớp đào tạo. Trong 5 năm qua, xã đã mở sáu lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương, tập trung vào các nội dung: Kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi… đặc biệt về công tác nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, xã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX của huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT cho 250-270 lượt lao động. Để người lao động thấy rõ hiệu quả của việc tham gia các lớp đào tạo, chuyển giao KHKT trong đời sống, xã Bảo Yên đã tổ chức các buổi thực tế, giới thiệu mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao để thăm quan, sau đó hướng dẫn bằng phương pháp so sánh trước và sau khi chuyển giao kỹ thuật cho người tham gia để nhân rộng. Qua đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo và có việc làm tăng; chất lượng và hiệu quả lao động đạt hiệu quả tốt, năng suất lao động tăng từ 10 đến 15% so với trước khi được đào tạo. Các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận nguồn vốn, giống, kỹ thuật như: Hỗ trợ vay vốn Ngân hàng chính sách với lãi suất thấp; chủ động liên hệ với các trại giống có uy tín hướng dẫn nhân dân canh tác; tổ khuyến nông xã kiểm tra về quy trình trồng trọt, chăn nuôi kịp thời… góp phần giúp người lao động nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để người dân phát triển kinh tế ngay tại quê hương, nhiều nông dân tại xã Bảo Yên đã chuyển đổi sang nghề chuyên chăn nuôi cá lồng trên sông Đà; bình quân mỗi hộ chăn nuôi từ ba đến năm lồng cá, cho thu hoạch khoảng 1,5-2 tấn cá/lồng. Đồng thời, nhiều gia đình kết hợp chăn nuôi xen canh sau thu hoạch vụ Chiêm Xuân một cá, một lúa kết hợp chăn nuôi thủy cầm trên diện tích khoảng 170ha, hàng năm thu hoạch từ 130 tấn đến 150 tấn cá thịt; cung cấp trên 10.000 con gia cầm ra thị trường. Các mô hình gia trại nuôi trồng rau sạch kết hợp chăn nuôi ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương…Cuộc sống đã có nhiều khởi sắc rõ rệt từ nghề nuôi thả cá lồng, đặc biệt kể từ sau khi tham gia lớp đào tạo nghề tại địa phương, anh Nguyễn Hữu Đô - khu 1, xã Bảo Yên cho biết: “Kết hợp giữa kinh nghiệm bản thân cùng những kiến thức, kỹ năng học hỏi được thông qua lớp đào tạo nghề, tôi đã từng bước nắm bắt, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả tốt. Nhờ đó, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định hơn, thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương”.Xã Bảo Yên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và tiếp tục phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu vào năm 2022. Hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 2,06%; tỉ lệ hộ cận nghèo còn 2,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 26 triệu đồng/năm… Có thể thấy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của một bộ phận người dân. Người lao động sau khi học nghề và áp dụng những kiến thức, kỹ thuật vào lao động, sản xuất đã nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, từng bước thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.