Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu xã hội

ĐBP - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu xã hội được xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững; tạo việc làm, cơ hội lập nghiệp, giúp ổn định đời sống người dân. Để các lớp đào tạo nghề sát với nhu cầu xã hội, của người dân, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Nậm Pồ chủ động phối hợp với các phòng, ban liên quan, đoàn thể các cấp và UBND các xã làm tốt công tác tuyên truyền, rà soát, thống kê nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn.

Học viên lớp Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, khóa I tại xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ) tham gia lễ khai giảng.

Đầu tháng 8 vừa qua, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nậm Pồ đã tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò khóa V, năm 2022 tại bản Chăn Nuôi, xã Phìn Hồ cho 35 học viên. Được biết đây là lớp đào tạo nghề đợt 2 cho lao động nông thôn ở bản Phìn Hồ.

Anh Cháng A Chư, Trưởng bản Phìn Hồ, xã Phìn Hồ chia sẻ: Sau 3 tháng tham gia khóa học, các học viên được trang bị các kiến thức cơ bản trong chăn nuôi trâu, bò. Trong đó, biết được kỹ thuật chọn con giống, thiết kế xây dựng chuồng nuôi thích hợp và đạt hiệu quả cao nhất; xác định được dự toán chi phí xây dựng chuồng trại cũng như mua con giống phù hợp với từng gia đình và đạt hiệu quả cao. Đồng thời, nhận biết, phát hiện các loại bệnh xảy ra trong quá trình chăn nuôi, để sử dụng thuốc và đưa ra phương pháp phòng và điều trị có hiệu quả. Quan trọng hơn cả là tham gia khóa học học viên chúng tôi bước đầu biết hạch toán chăn nuôi theo hướng sản xuất, kinh doanh.

Năm 2022, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nậm Pồ đã phối hợp với UBND 15 xã tuyên truyền, rà soát, tuyển sinh lao động nông thôn trong độ tuổi và có 245 lao động nông thôn đăng ký học nghề. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở 11 lớp học nghề trên địa bàn tại 5 xã với 240 học viên, đạt 64% kế hoạch huyện và đạt 119% kế hoạch tỉnh giao. Các lớp chủ yếu đào tạo ngành nghề: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, lợn; chăn nuôi gà đồi, vườn; kỹ thuật xây dựng... Hình thức và nội dung đào tạo dễ nhớ, dễ hiểu, theo hình thức cầm tay chỉ việc phù hợp với tập quán canh tác và khả năng nhận thức của người lao động trên địa bàn. Trung tâm thường xuyên phối hợp với UBND các xã rà soát, định hướng nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn. Cũng trong quá trình đào tạo nghề, người lao động sẽ được Trung tâm trang bị và bổ sung kiến thức về sản xuất và chế biến ở các ngành nghề khác nhau. Những kiến thức về khoa học - công nghệ, thị trường, chính trị - xã hội... cũng sẽ được nhắc đến. Nhờ vậy, người lao động sẽ từng bước cải tiến phương thức sản xuất từng bước thay đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp địa phương. Từ đó, nâng cao nhận thức của nhân dân, người lao động trong đào tạo nghề, trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia đào tạo nghề để phát triển kinh tế xã hội, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Cũng trong năm 2022, huyện Nậm Pồ được giao đào tạo nghề cho 500 lao động nông thôn, tạo việc làm mới cho 500 lao động (trong đó xuất khẩu lao động được 5 người). Để hoàn thành chỉ tiêu, từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định 7 lớp nghề cho 247 học viên và thẩm định bổ sung 57 người đăng ký học 7 lớp nghề trên. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện và UBND các xã rà soát lao động nông thôn có nhu cầu học nghề để tổ chức đào tạo; thẩm định danh mục nghề đào tạo trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, ở huyện vùng cao Nậm Pồ, địa phương nghèo nhất, khó khăn nhất của tỉnh, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn hiện chỉ tồn tại được một số nghề cơ bản: Chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò, phòng chống dịch bệnh... còn những nghề khác gần như chưa phát triển được.

Ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện tại Trung tâm đang tiếp tục phối hợp với UBND các xã rà soát, tổng hợp danh sách lao động nông thôn đăng ký học nghề để tổ chức mở các lớp đào tạo nghề đợt 3, năm 2022. Tuy nhiên, khó nhất là việc đơn vị không đăng ký được nghề liên kết đào tạo với các cơ quan theo nhu cầu của người dân. Đơn cử như người lao động xã Nà Bủng đề xuất nghề cắt may, tuy nhiên không mở được lớp là do không có đủ học viên và sau khi đào tạo, sản phẩm làm ra chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ chưa thành hàng hóa, bán ra thị trường nên chưa tạo ra thu nhập cho người dân. Mỗi khóa học, mỗi lớp đào tạo nghề, Trung tâm cố gắng mở tại địa bàn người lao động sinh sống để hạn chế việc đi lại, người dân có thể vừa học vừa tham gia lao động sản xuất bình thường. Song do huyện có địa bàn rộng, các bản nằm cách xa nhau nên khi đi khảo sát thì có nơi không đủ số học viên để mở lớp. Bên cạnh đó, trang thiết bị đào tạo nghề chưa được đầu tư; giáo viên cơ hữu thiếu, nên khó khăn trong quá trình xây dựng chương trình, giáo trình cũng như tổ chức đào tạo nghề và giáo dục thường xuyên.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng lao động, thời gian tới chính quyền các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức dạy nghề phù hợp với địa phương, đào tạo các nghề nông nghiệp phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp; nghề phi nông nghiệp xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp...

Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/198830/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-theo-nhu-cau-xa-hoi