Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Trao sinh kế để giảm nghèo bền vững

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn là một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Định Hóa.

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn là một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Định Hóa. Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện quan tâm thực hiện, qua đó từng bước nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Học nghề may đang được nhiều người dân tại huyện Định Hóa lựa chọn vì dễ kiếm việc làm.

Học nghề may đang được nhiều người dân tại huyện Định Hóa lựa chọn vì dễ kiếm việc làm.

Sau 3 tháng tham gia lớp học nghề điện tử, điện lạnh được mở tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Định Hóa, anh Ma Văn Hoàng xóm Đồng Màn, xã Bảo Cường, đã mở cửa hàng sửa chữa điện tử, điện lạnh ngay tại địa phương đem lại thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng.

Từ một cửa hàng sửa chữa nhỏ, sau gần 3 năm kinh doanh, cơ sở của anh trở thành địa chỉ tin cậy của bà con trong và ngoài xã. Anh Hoàng cho biết: Lớp đào tạo nghề không những mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm cho tôi mà còn giúp tôi được gặp gỡ các học viên khác có chung ý tưởng kinh doanh, góp ích rất nhiều cho công việc của tôi sau này. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người tận dụng được cơ hội tốt từ các lớp dạy nghề để có công việc ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Trong những năm qua, các đoàn thể ở huyện Định Hóa đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức các khóa tập huấn về sản xuất, với đa dạng ngành nghề, đặc biệt là các nghề có thế mạnh ở địa phương.

Thông qua các lớp học, người dân được trang bị kiến thức về các ngành nghề, khoa học - công nghệ, thị trường... Lợi ích từ việc học nghề càng được khẳng định khi người học phát huy được kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo để tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm được việc làm.

Xác định đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của thị trường lao động, kịp thời cung ứng nguồn lao động, mới đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề may công nghiệp, khóa III năm 2023.

Tham gia khóa học có 30 học viên là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong thời gian 3 tháng, các học viên được học kiến thức về kỹ thuật may công nghiệp; vận hành thiết bị may; may các đường may cơ bản; may áo sơ mi, quần âu, nguyên lý vận hành đảm bảo an toàn, tính năng, tác dụng và bảo quản một số thiết bị trên dây chuyền may công nghiệp…

Bên cạnh đó, các học viên cũng nắm được phương pháp thiết kế quần áo cơ bản, kiểm tra được sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu may công nghiệp, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp...

Sau khi kết thúc khóa học, các học viên phải trải qua phần thi tay nghề, những học viên đủ điều kiện sẽ được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp chứng chỉ đào tạo nghề may công nghiệp và giới thiệu việc làm tại nhà máy may thuộc Cụm công nghiệp Tân Dương.

Chị Vương Thị Lê, xã Tân Thịnh, cho biết: Tham gia khóa học này là cơ hội rất lớn để tôi có được chứng chỉ may công nghiệp, qua đó được giới thiệu vào làm may tại Cụm công nghiệp Tân Dương. Được vào làm may tại đây, tôi thấy rất thuận lợi vì không phải đi xa, thu nhập lại ổn định.

Bình quân mỗi năm, huyện Định Hóa có gần 3.000 người được đào tạo nghề và tìm kiếm được việc làm với mức thu nhập từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng.

Từ đầu năm đến nay, huyện đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động, hoàn thành 60% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn hiện đạt gần 60%. Riêng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn mở 3 lớp dạy nghề cho gần 100 lao động nông thôn.

Để công tác giáo dục, đào tạo nghề đạt hiệu quả, huyện Định Hóa đang đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu, xu hướng học nghề của người dân, mở các lớp có ngành nghề đào tạo sát với thực tế…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/202309/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-trao-sinh-ke-de-giam-ngheo-ben-vung-4022f1f/