Đào tạo nghề để phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất
Tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn, nhiều nông dân trên địa bàn thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) nắm vững kỹ thuật, phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập.
Tháng 7/2023, 36 nông dân ở Phường 7, thành phố Sóc Trăng tham gia lớp Kỹ thuật chăn nuôi bò do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) thành phố Sóc Trăng phối hợp cùng Hội Nông dân thành phố Sóc Trăng tổ chức. Trong thời gian đào tạo hơn 20 ngày, các học viên được cập nhật kiến thức về phương pháp chăn nuôi bò hiệu quả, kỹ thuật về giống, chăm sóc bò cái sinh sản, chế biến và bảo quản thức ăn cho bò, cách phòng trừ các loại bệnh cho bò, đồng thời được hỗ trợ phân bón và hạt giống cỏ voi nhằm tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho bò.
Anh Huỳnh Văn Luân, Khóm 6, Phường 7 chia sẻ: “Từ khi được hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò, tôi và nhiều nông dân biết cách chăm sóc đàn bò tốt hơn. Hiện đàn bò phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt, bò thịt chất lượng. Số hạt giống cỏ voi được gieo trồng, bón phân đúng cách cũng đã bắt đầu thu hoạch để làm thức ăn cho bò, giúp chúng tôi giảm chi phí chăn nuôi”.
Đồng chí Trần Quang Thái - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 7 cho biết, ở Khóm 3 và Khóm 6 có 30 hộ nuôi bò thịt và bò sinh sản với hơn 100 con. Sau khi được dạy nghề, các hộ dân áp dụng hiệu quả các kỹ thuật được học trong việc chăn nuôi bò, thay đổi nhận thức theo hướng phát triển chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân tổ chức hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cho người dân trong phát triển kinh tế, góp phần hình thành nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả cao ở địa phương.
Theo đồng chí Huỳnh Hồng Phước - Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Sóc Trăng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn thành phố, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp ngắn hạn (từ 1 - 2 tháng) miễn phí cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ thu nhập thấp. Qua đó, hướng dẫn học viên kỹ thuật trồng nấm bào ngư, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Nhờ công tác đào tạo nghề miễn phí, học viên được hỗ trợ hạt giống, phân bón (đối với một số lớp đào tạo nghề nông nghiệp), kết hợp lý thuyết với thực hành thực tế nên người dân tham gia lớp học đông.
Bên cạnh tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Sóc Trăng còn mở các lớp nghề phi nông nghiệp ngắn hạn hướng dẫn kỹ thuật đan đát thủ công mỹ nghệ, may công nghiệp, kết cườm, chế biến thực phẩm, xây dựng… Gần đây nhất là lớp Chế biến thực phẩm - làm bánh ngọt dành cho thanh niên, các chị em nội trợ ở Phường 2 với mục đích hướng cho các bạn trẻ, người làm nội trợ kiếm thu nhập từ nghề làm bánh. Kết thúc khóa học, hơn 20 học viên được cấp chứng chỉ nghề, sử dụng thành thạo dụng cụ, thiết bị làm bánh, tự chế biến các loại bánh ngọt, tự tin tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hằng năm, Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Sóc Trăng đều tổ chức các lớp dạy nghề theo hướng đa dạng ngành nghề từ trồng trọt, chăn nuôi đến các nghề tiểu thủ công nghiệp. Qua đó, giúp nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo cho địa phương, người dân được đào tạo nghề sẽ có cơ hội tìm việc làm ổn định, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Đối với các hộ dân sản xuất nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả mô hình trồng trọt, chăn nuôi…
Đồng chí Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Sóc Trăng cho biết: “Công tác giáo dục nghề nghiệp luôn được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện theo kế hoạch đặt ra. Xác định công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm giúp lao động có tay nghề, kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, thoát nghèo bền vững, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố tích cực phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX thành phố tổ chức chiêu sinh, mở các lớp dạy nghề, ưu tiên con em gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu học nghề. Các phường cũng tiến hành khảo sát, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người dân ở địa phương để mở các nghề phù hợp, từng bước góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương”.