Đào tạo nhân lực báo chí truyền thông đương đại

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: 'Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại'. Để hoàn thành mục tiêu này, yếu tố cốt lõi vẫn là nguồn nhân lực có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng đa dạng vì suy cho cùng con người quyết định tất cả. Do vậy, liên tục đổi mới nội dung chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, bám sát thực tiễn, lấp đầy khoảng trống giữa thực hành và đào tạo báo chí là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Đây cũng là xu hướng chung trong cơ cấu nghề nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Điều bất cập là, các trường báo chí không có sự điều chỉnh trong tuyển sinh cho tương thích với sự thay đổi của thị trường lao động. Số chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành học báo in vẫn giữ nguyên, thậm chí cao hơn so với chỉ tiêu cho các ngành học báo chí khác. Truyền thông xã hội (truyền thông trên mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Instagram...) vẫn bị xem nhẹ và không được đào tạo như một chuyên ngành bình đẳng với các chuyên ngành báo chí khác tại các trường báo chí. Như vậy, báo chí cách mạng đang “bỏ trống trận địa” giáo dục và đào tạo một cách chính thống cho truyền thông xã hội, một ngành báo chí mới đang ăn nên làm ra, đang “thâm dụng lao động” trong nhóm ngành công nghiệp sáng tạo.

Lựa chọn nội dung đào tạo phù hợp

Việc đưa mã QR vào sản phẩm báo in để bạn đọc quét mã xem video và hình ảnh trên điện thoại là một sáng kiến mới mẻ ở Việt Nam trong năm 2024, được đông đảo công chúng trẻ đón nhận nhiệt tình. Tuy nhiên, Thái Lan đã thực hành việc cài QR code vào bài viết trên báo in từ năm 2016 (khi Quốc vương Thái Lan băng hà), tức là trước chúng ta 8 năm.

Thầy trò Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hành. Ảnh do nhà trường cung cấp

Thầy trò Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hành. Ảnh do nhà trường cung cấp

Tự động hóa trong báo chí đã có lịch sử 10 năm, khởi nguồn từ Mỹ với việc phần mềm máy tính tự lấy số liệu quan trắc động đất để điền vào những câu đã viết sẵn, sau đó tự động xuất bản bài báo điện tử chỉ vài phút sau khi trận động đất diễn ra. Việt Nam chủ yếu mới áp dụng công nghệ trong việc thể hiện nội dung, như biến văn bản thành lời nói, dùng mô hình phát thanh viên trên máy thay thế phát thanh viên người thật, chứ chưa có thử nghiệm tự động sản xuất nội dung báo chí. Khi công nghệ truyền thông có khả năng tạo ra sự thay đổi vượt bậc “một ngày bằng mấy trăm năm”, thì việc chậm 10 năm so với thế giới quả là một khoảng cách khó có thể rút ngắn.

Sử dụng báo chí số liệu cũng là một sự tụt hậu nữa của báo chí và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Nhà báo đã hình thành kỹ năng đưa lại số liệu trong các báo cáo, các cuộc họp tổng kết, nên khó có thể thay đổi sang tư duy làm báo xuất phát từ câu hỏi nghiên cứu, phân tích số liệu lớn, và trực quan hóa số liệu để kể câu chuyện hấp dẫn từ những con số. Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí số liệu tại tòa soạn chỉ có thể tiến hành trong thời gian ngắn, khó mang lại tác động lâu dài trong việc hình thành tư duy, thói quen tác nghiệp. Đào tạo báo chí số liệu cũng chưa phổ biến ở các trường báo chí, do thiếu nguồn lực giảng viên và phương tiện kỹ thuật.

Các trường báo chí riêng biệt, không đặt trong các đại học có nhiều ngành khoa học tổng hợp, dẫn đến việc sinh viên khó có điều kiện hợp tác đa ngành trong các bài tập và dự án báo chí đòi hỏi chuyển đổi số và sử dụng dữ liệu.

Bên cạnh việc cập nhật chương trình đào tạo bắt kịp với xu thế phát triển của công nghiệp, chúng ta cũng cần chú ý chọn lọc nội dung phù hợp. Vấn đề nào đang thử nghiệm, chưa “chín”, chưa rõ thì chỉ nên giới thiệu người học dưới dạng tham khảo. Chẳng hạn, đứng trước bài toán phát triển kinh tế báo chí, một số cơ quan báo chí Việt Nam đang thử nghiệm thu phí truy cập báo điện tử. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, theo Luật Báo chí 2016, tất cả các cơ quan báo chí ở nước ta đều thuộc sở hữu của Nhà nước, thực hiện chức năng làm cơ quan ngôn luận, tuyên truyền cho cơ quan chủ quản của tờ báo. Tiền hoạt động báo chí lấy từ ngân sách nhà nước, hay nói đúng hơn, là tiền thuế của người dân. Do vậy, người đọc đã trả tiền để báo chí được hoạt động, và báo chí thực hiện chức năng tuyên truyền tới càng nhiều người càng tốt. Về mặt logic, báo chí nước ta khó có thể thu thêm tiền một lần nữa bằng các rào cản trả tiền (pay wall), sau khi công chúng đã nuôi báo chí bằng tiền đóng thuế.

Cần đào tạo báo chí lý tính

Một nội dung đào tạo chưa được các trường báo chí quan tâm đó là đào tạo kỹ năng mềm. Ví dụ, trong vai trò phát hiện và phản biện xã hội, nhà báo thường xuyên tiếp tục với những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh éo le, bạo lực, những vụ việc thương tâm, đau xót, gây bức xúc. Nhiệm vụ tối thượng của nhà báo là làm tốt việc truyền tải tin tức đến công chúng. Nhà báo cần được bổ sung kỹ năng tự bảo vệ khi tiếp xúc quá nhiều với những tình huống gây sang chấn tâm trí. Có như vậy, nhà báo mới có thể tỉnh táo, khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng nhận đề tài báo chí mới.

Các trường báo chí cần trang bị cho người học những kỹ năng tự vệ về thể chất và tâm lý. Các cơ quan báo chí cần thường xuyên tập huấn kỹ năng an toàn tác nghiệp cho nhà báo trong các trường hợp gây sang chấn, như cháy nổ, lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh, bạo lực, cũng như quan tâm tới sức khỏe tinh thần của nhà báo nhiều hơn.

Trong vài năm trở lại đây, nền báo chí cách mạng của chúng ta có những thay đổi về căn bản do những biến đổi nhanh của công nghệ, xã hội, văn hóa và kinh tế. Hệ sinh thái truyền thông mở rộng, có thêm truyền thông xã hội, công nghệ trí tuệ nhân tạo, và nhiều mô hình thử nghiệm mới đang thách thức tính bền vững cũng như vai trò của báo chí.

Sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hành báo hình. Ảnh do nhà trường cung cấp

Sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hành báo hình. Ảnh do nhà trường cung cấp

Nhiệm vụ của những người nghiên cứu báo chí, người làm báo và đào tạo, bồi dưỡng báo chí trong thời đại mới là cần nhanh chóng tổng kết thực tiễn để đưa ra những nhận định mới trong các khía cạnh sau:

Thứ nhất, cần có định nghĩa mới, cũng như ranh giới mới về báo chí, trong đó tất yếu bao gồm truyền thông xã hội và các loại hình báo chí mới nổi và sẽ xuất hiện.

Thứ hai, cần có mô hình mới trong kinh tế báo chí, dựa trên các con số có thể đo lường được ngay lập tức như lượt truy cập, lượt xem trực tiếp, số tương tác,...

Thứ ba, cần có quy trình sản xuất báo chí kiểu mới, trong đó tận dụng công nghệ và dữ liệu lớn, và cần áp dụng quy trình ngay do chúng ta đang đi sau thế giới quá xa.

Thứ tư, cần tập trung nâng cao năng lực tâm trí cho nhà báo và dũng cảm loại bỏ một số hoạt động tuy thành công nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp trong làm báo.

Có như vậy, chúng ta sẽ thêm và bớt những hành lý cần thiết để chuẩn bị bước vào hành trình thế kỷ thứ hai của nền báo chí cách mạng, rèn tiêu chuẩn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dao-tao-nhan-luc-bao-chi-truyen-thong-duong-dai-5012780.html