Đào tạo nhân lực y tế gặp nhiều thách thức
Ngành y đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng bài toán đào tạo nhân lực y tế tại Việt Nam hiện gặp nhiều thách thức.
Từ mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ tài chính cho sinh viên (SV), đến những mâu thuẫn giữa ngân sách nhà nước hạn chế, khả năng chi trả của SV; tất cả đặt ra câu hỏi cấp bách về tính khả thi và hiệu quả của các chính sách hiện nay.
Ngành y đòi hỏi chi phí đào tạo cao, trong khi SV phải học tập kéo dài, ít có cơ hội tự trang trải chi phí. Việc Bộ Y tế đề xuất miễn giảm học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí là cần thiết nhưng liệu ngân sách nhà nước có thể đáp ứng trong khi ngành giáo dục cũng kỳ vọng vào chính sách tăng thu nhập của nhà nước? Việc áp dụng chính sách linh hoạt, không phân loại ưu tiên có thể dẫn đến lãng phí và giảm hiệu quả đầu tư.
Đáng chú ý, sự phát triển ồ ạt của một số trường y khiến dư luận lo ngại về chất lượng bác sĩ ra trường. Nếu SV từ những trường ngó lơ chất lượng, học phí thu cao lại cũng nhận được ưu đãi, chất lượng đào tạo bác sĩ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tạo ra rủi ro lớn cho hệ thống y tế.
Học phí trong bối cảnh hiện nay là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng. Khi nhà trường không thể tăng học phí vì áp lực xã hội, hoặc khi SV không đủ khả năng chi trả, chất lượng đào tạo giảm sút. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn, khiến đầu ra không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội về năng lực và chuyên môn của bác sĩ.
Vì vậy, chính sách miễn giảm học phí cần nhà nước cân đối ngân sách, bảo đảm tập trung hỗ trợ đúng đối tượng như: học ở trường y nào và tập trung vào những đối tượng SV khó khăn nào... Ưu đãi học phí, nếu có, cần gắn chặt với chất lượng đào tạo. SV từ các trường y khoa đạt chuẩn kiểm định, có bệnh viện thực hành và đội ngũ giảng viên đủ năng lực và có kết quả đạt chứng chỉ hành nghề cao trên 90% mới đáng nhận được hỗ trợ tài chính.
Một giải pháp khác là triển khai vay tín dụng ưu đãi dành cho SV ngành y, với lãi suất thấp và thời gian trả nợ linh hoạt. Sau khi tốt nghiệp, SV có thể hoàn trả khoản vay dựa trên thu nhập. Đặc biệt, đối với những SV cam kết làm việc tại vùng sâu, vùng xa hoặc các khu vực ưu tiên, khoản vay này có thể được miễn giảm một phần hoặc hoàn toàn; nếu SV đạt được chứng chỉ hành nghề thì cơ sở sử dụng hoặc địa phương sẽ chi trả học phí người học đã ứng trả trước.
Cuối cùng, cần tăng cường kiểm soát và giám sát chất lượng đào tạo một cách chặt chẽ. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cần xây dựng cơ chế kiểm định chuyên ngành Khoa học sức khỏe. Đồng thời, áp dụng chế tài rắn đối với các cơ sở đào tạo không đáp ứng chuẩn như bị giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh hoặc tạm ngừng đào tạo ngành y cho đến khi cải thiện.
Điều quan trọng là các chính sách này phải đi đôi với việc kiểm soát chặt chẽ và triển khai minh bạch, để bảo đảm ngành y tiếp tục phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu xã hội.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo)
(Dẫn nguồn NLĐO)
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dao-tao-nhan-luc-y-te-gap-nhieu-thach-thuc-post305847.html