Đáp ứng tốt hơn các hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Chiều ngày 21/6, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ: 'Việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam - thực trạng và giải pháp'.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị nghiệm thu.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị nghiệm thu.

Theo bà Quản Thị Thanh Hải, Chủ nhiệm đề tài, giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; là phương thức thực hành dân chủ và kiểm soát quyền lực trong quá trình hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng, trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan...

Từ những lý do trên, việc nghiên cứu đề tài: “Việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam - thực trạng và giải pháp” là một nhiệm vụ cần thiết nhằm đánh giá sâu về việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận.

Bà Quản Thị Thanh Hải, Chủ nhiệm đề tài trình bày tại hội nghị.

Bà Quản Thị Thanh Hải, Chủ nhiệm đề tài trình bày tại hội nghị.

Tại hội nghị, các thành viên trong hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao các nội dung nghiên cứu của đề tài và khẳng định đề tài là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, đưa ra những số liệu xác đáng phản ánh thực trạng về hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong thời gian qua. Từ đó góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề về lý luận về thực tiễn đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.

Từ ý kiến góp ý của tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, nhóm nghiên cứu cần nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, đặc biệt là các ý kiến phản biện tại hội nghị để tiếp tục hoàn thiện đề tài. Trong đó, cần tập trung vào cách diễn đạt không trùng lắp các thuật ngữ, khái niệm về giám sát, phản biện xã hội; tập trung vào các giải pháp để việc tiếp thu những kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam được thực thi; tập trung kiến nghị nhằm hoàn thiện quy trình sau giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh và các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh và các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu.

Nhấn mạnh đây là một đề tài với nội dung khó nhưng nhóm nghiên cứu đã thực hiện công phu, nghiêm túc với ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những nội dung mà nhóm đưa ra phù hợp với thực tế trong triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong thời gian qua với bố cục hợp lý. Những giải pháp mà nhóm đề tài đưa ra sẽ là căn cứ để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng như MTTQ Việt Nam các cấp triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội tốt hơn trong thời gian tới. Từ đó, đáp ứng với yêu cầu mà Đảng đã chỉ đạo trong các Nghị quyết, Chỉ thị về giám sát, phản biện xã hội đối với MTTQ Việt Nam.

Tuệ Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dap-ung-tot-hon-cac-hoat-dong-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-10283838.html