Đất cổ Mục Sơn

Bên sông Chu - núi Mục, Thọ Xương (Thọ Xuân) nằm ở trung tâm của sách Mục Sơn xưa. Vùng đất cổ bên dòng Lương giang không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nơi đây còn có nhiều dấu tích, truyền thuyết lịch sử, văn hóa lâu đời.

Bên sông Chu - núi Mục

Sách Mục Sơn khi xưa là một vùng rộng lớn. Thời Lý - Trần, Thọ Xương thuộc huyện Cổ Lôi. Đến thời nhà Lê (Lê sơ), Thọ Xương thuộc đạo Hải Tây, về sau thuộc huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa. Đến trước Cách mạng Tháng Tám, Thọ Xương thuộc tổng Mục Sơn - một trong 10 tổng của huyện Thọ Xuân. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, xóa bỏ các đơn vị hành chính cũ, xã Thọ Xương được thành lập. “Tên gọi Thọ Xương là nằm trong “ngũ hành phúc”, tức là phú, quý, thọ, khang, ninh với ước muốn cho một vùng đất “nhân khang, vật thịnh” theo quan niệm sống của người xưa” (sách Lịch sử truyền thống xã Thọ Xương).

Nằm ở vị trí giao thoa giữa đồng bằng và miền núi, vùng đất Mục Sơn xưa, Thọ Xương ngày nay như “gạch nối” giữa miền rừng núi phía Tây với đồng bằng bát ngát ở phía Đông. Nơi đây, vừa có đồng đất tốt tươi do quá trình lắng đọng phù sa của các con sông từ cả ngàn vạn năm về trước. Cũng đồng thời sở hữu những hòn “núi sót” như “núi Trẩu con gà, núi Mục con voi”... Tất cả đã tạo cho vùng đất cổ một cảnh quan đồng bằng dưới chân núi điển hình.

Từ bao đời, núi Mục Sơn đã gắn liền với đất và người nơi đây. Ngọn núi với độ cao chỉ hơn 160m nổi bật giữa đồng bằng, thân núi như con voi khổng lồ. “Theo các nhà địa chất, cách đây hàng triệu năm, một dòng dung nham trong lòng đất có nhiệt độ áp suất cực lớn đã phun trào lên nơi đây. Sự đông đặc của dòng dung nham này đã tạo ra khối đá màu xám xanh, màu xanh cổ vịt hạt mịn... Ở trong lòng núi còn đọng lại một lớp tàn tích hang động khô ráo và các thạch nhũ...”. Đứng trên đỉnh Mục Sơn, phóng tầm mắt về phía Tây là một dải rừng đồi rộng lớn, xanh mát của các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân. Và nếu nhìn về phía Đông là những vạt mía rộng dài, đan xen đồng ruộng tốt tươi, xóm làng trù mật.

Phía Đông núi Mục là núi Trẩu (còn có tên gọi Phượng Sơn). Theo sách Đại Nam nhất thống chí: “Ở phía Tây tỉnh thành, mạch núi từ núi Lỗ Hiền, huyện Lôi Dương kéo đến, chỗ lên chỗ xuống... thế núi liên tiếp nổi lên 5, 6 ngọn núi đất, hình dáng như chim phượng xòe cánh nên gọi tên thế”. Trong lòng núi Trẩu có nhiều hang lớn nhỏ, hình thù khác lạ được “tạo tác” bởi tạo hóa.

Bưởi đỏ Tiến vua - sản vật nức tiếng trên quê hương Thọ Xương.

Bưởi đỏ Tiến vua - sản vật nức tiếng trên quê hương Thọ Xương.

Cùng với núi Mục, núi Trẩu, sông Chu cũng “ấp ôm” lấy phía Bắc đất Mục Sơn xưa, Thọ Xương ngày nay trước khi xuôi dòng. Trong lịch sử, dòng Lương giang (tên gọi khác của sông Chu) không chỉ bồi đắp phù sa, tạo nên những xứ đồng màu mỡ cho các làng nhỏ ở Mục Sơn mà còn góp phần “kiến tạo” nên không gian văn hóa cho vùng đất cổ.

Và những chuyện kể...

Với địa thế, điều kiện tự nhiên thuận lợi, các nhà nghiên cứu tin rằng sách Mục Sơn xưa, Thọ Xương ngày nay có con người đến khai phá lập nên xóm làng từ khá sớm. Vào khoảng cuối thời Trần - đầu thời Lê, các địa điểm cư dân ở Mục Sơn đã hình thành. Về sau phát triển thành các làng nhỏ, như: Ca Lạc, Hữu Lễ, Dụng Hòa, Thủ Trinh, Luận Văn.

Trong đó, làng Hữu Lễ xa xưa có tên Bất Lân. Buổi ban đầu là vùng hoang rậm, dân cư thưa thớt. Về sau, khi dân cư dần đông đúc, Bất Lân đổi tên thành Hữu Lân, rồi Hữu Lễ.

Cũng như Hữu Lễ, làng Luận Văn ban đầu có tên Trại Tròn, về sau là làng Tròn, Bảo Luận, rồi Luận Văn. Từng có thời gian, làng cổ Luận Văn mang tên Khánh Hội. Ngày nay, với điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, làng Luận Văn còn nổi tiếng khắp xa gần với giống bưởi tiến vua được người dân yêu thích.

Làng Ca Lạc khi xưa có tên làng Bỡn, đến khoảng thế kỷ XV có tên làng Bở. Vào thời Nguyễn mang tên Bảo Lạc và Cách mạng Tháng Tám thành công, được đổi tên Ca Lạc như ngày nay.

Và đất Mục Sơn xưa cũng là quê hương của nhiều võ tướng, khai quốc công thần nhà Lê, như: Lê Văn An; Lê Thận; Lê Lãnh; Lê Thiệt... những nhân vật lịch sử đã cùng với Bình Định vương Lê Lợi “nằm gai nếm mật” chung sức đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong số đó, Lê Thận được sử sách và dân gian nhắc nhớ với truyền thuyết bắt được lưỡi gươm thần.

Luận Văn là một trong những làng được lập dựng sớm trên đất Mục Sơn.

Luận Văn là một trong những làng được lập dựng sớm trên đất Mục Sơn.

Chuyện kể rằng, ông vốn người sách Mục Sơn, làm nghề chài lưới trên sông Chu. Một hôm quăng lưới trên sông thì bắt được lưỡi gươm cổ liền đem về cất ở góc nhà. Trong một lần Lê Lợi đến chơi, thấy nơi góc tối nhà Thận có vật phát sáng, lại gần nhìn kỹ thì hóa ra là lưỡi gươm, bên trên có khắc chữ. Về sau, Lê Lợi lại bắt được một chuôi gươm lạ, đem “khớp” với lưỡi gươm cổ thì vừa in, cho rằng đó là gươm báu trời ban, từ đó càng vững quyết tâm khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược.

Đi qua thời gian, các dòng họ quần cư trên đất Mục Sơn đã cùng nhau chung lưng đấu cật, quai đê ngăn lũ, cải tạo đồng ruộng, chống giặc ngoại xâm, xây dựng cuộc sống. Cùng nỗ lực mưu sinh, người dân Mục Sơn còn chung tay tạo dựng, vun đắp nên đời sống văn hóa, tín ngưỡng phong phú.

Các bậc cao niên ở Thọ Xương cho biết, trước đây trên địa bàn xã có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc như đình, đền, chùa, miếu... Trong đó, ba làng Luận Văn, Dụng Hòa, Ca Lạc có đình làng riêng, tôn thờ thần Cao Sơn làm Thành hoàng làng. Đáng tiếc, về sau cả ba ngôi đình đều bị phá hủy.

Bên cạnh tục thờ Thành hoàng làng Cao Sơn, người dân Thọ Xương còn có tín ngưỡng thờ Bạch Y công chúa và bà chúa Mai. Truyền thuyết dân gian kể rằng, Bạch Y công chúa là vị nữ thần đã giúp nhà Trần đánh giặc Ai Lao. Còn bà chúa Mai được cho là con gái vua Lê Thái Tổ đã có công với dân làng. Vì thế sau khi mất đã được người dân trong vùng lập dựng đền thờ, thường gọi là đền bà chúa Mai... Đi qua thời gian, trải qua chiến tranh bom đạn và thăng trầm lịch sử, nhiều di tích trên địa bàn xã Thọ Xương đã không còn. Có chăng, chỉ được nhắc nhớ trong chuyện kể với nhiều nuối tiếc của những người cao tuổi.

“Những dấu tích lịch sử văn hóa, sử liệu và truyền ngôn dân gian đã khẳng định Thọ Xương - trung tâm của sách Mục Sơn xưa là vùng đất cổ. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, những năm gần đây, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương đang cùng nhau chung tay xây dựng, phát triển quê hương, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước làm thay đổi diện mạo của miền quê bên dòng sông Chu, núi Mục”, ông Phạm Đình Lực, Chủ tịch UBND xã Thọ Xương cho biết.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Lịch sử truyền thống xã Thọ Xương).

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dat-co-muc-son-37063.htm