Ngọt mát canh chua tần dày lá

Ngày con tôi còn bé, những lúc 'trái gió, trở trời' thường hay bị sốt, viêm họng. Được mẹ mách nước, tôi thường tìm xin vài lá tần dày lá về chưng cách thủy với mật ong hoặc đường phèn cho con uống. Rau tần dày lá còn được gọi là húng chanh rất quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Đây là cây thuốc Nam với rất nhiều công dụng điều trị bệnh hiệu quả như hạ sốt, bù nước, viêm họng,

Một lần về quê nội tít dưới miệt biển, nhìn thấy đám tần dày lá mọc xanh um trong vườn nhà bác, tôi ngỏ ý xin về trồng. Bác tôi hồ hởi: “Con cắt nhiều về mà trồng. Cây này dễ sống lắm, chỉ cần cắm cành là vài hôm mọc xanh tốt rồi. Mùa hè nấu canh chua mà bỏ thêm tần dày lá mới đúng vị”. Và thế là, tôi phát hiện thêm một loại rau nêm canh chua độc đáo nữa - đó là tần dày lá.

Canh chua như một món truyền thống của người Việt, nơi đâu, chốn nào cũng tìm được vị chua giữa cá thịt và rất nhiều loại rau nêm khác. Mỗi miền mỗi khác, tận dụng những cây trái quanh mình để tăng độ ngon của tô canh chua nóng hổi.

Tần dày lá là nguyên liệu giúp món canh chua cá thêm trọn vị.

Tần dày lá là nguyên liệu giúp món canh chua cá thêm trọn vị.

Các loại cá nấu với tần dày lá hợp vị như cá bớp, cá dìa, cá liệt... Trước khi nấu phải chiên sơ qua với mắm để cá bớt tanh và săn lại. Nồi canh chua đương nhiên phải có các loại rau quả như dưa giá, bạc hà, thơm, cà chua, thêm đậu bắp. Rau nêm thì có cần, ngổ, ngò gai, hành lá và đặc biệt là lá tần dày lá xắt nhỏ, nêm sau khi nhắc xuống. Rau tần nấu canh chua vừa thơm lại vừa có vị nồng nồng rất hấp dẫn và khi đã ăn rồi là khó thay thế bởi loại rau nêm nào khác.

Các bà, các mẹ cũng có thể nấu nồi lẩu nghêu tần dày lá. Lá tần dày lá đóng vai trò là gia vị chủ đạo tạo nên hương thơm ngào ngạt của nồi lẩu. Để nồi lẩu thêm tròn vị, ngoài nghêu và tần dày lá thì cần chuẩn bị thêm ít chả cá thác lác; sả cây đập dập, cắt khúc; cà chua xắt múi cau; nấm rơm; ớt sừng...

Sả cây đập dập, hành tỏi băm xào thơm, cho nấm rơm vào, thêm khoảng 1,5 lít nước nấu sôi, cho viên chả cá thác lác vào nấu chín, thêm cà chua vào, nêm thêm nước mắm, cuối cùng là cho lá tần dày lá vào. Khi ăn đặt nồi lẩu trên bếp. Dọn kèm với nghêu, bún, rau, đậu hũ, rau thơm còn lại, nước mắm nguyên chất, ớt băm. Thế là đã có một nồi lẩu thơm ngào ngạt cho cả nhà dịp cuối tuần.

Ngoài món canh chua, lẩu, tần dày lá còn có thể dùng trong các món cháo thịt bằm, canh thịt bò... khiến cho món ăn thơm nồng nhưng hậu vị lại thanh mát.

Bài, ảnh: THIÊN DI

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/ngot-mat-canh-chua-tan-day-la-52555.htm