Đặt cọc hoàn trả vỏ đồ uống: Hướng đi mới quản lý rác thải
Một hướng đi mới trong nỗ lực quản lý rác thải nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, thông qua qua hệ thống đặt cọc - hoàn trả vỏ đồ uống.

Hướng tới tất cả vỏ chai, bao bì nhựa phải được thu gom và tái chế. Ảnh: M.H.
Khoản đặt cọc 1.000 - 2.000 đồng/chai
Mới đây, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam công bố báo cáo nghiên cứu “Nghiên cứu phạm vi hệ thống đặt cọc hoàn trả - DRS” phù hợp cho Việt Nam. Báo cáo được kỳ vọng mở ra một hướng đi mới trong nỗ lực quản lý rác thải nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Nội dung báo cáo nghiên cứu chỉ rõ, người tiêu dùng khi mua đồ uống đóng chai nhựa hoặc đồ uống đựng trong bao bì dùng một lần (nước lọc, nước giải khát), sẽ phải trả thêm một khoản tiền đặt cọc nhỏ, khoảng 1.000 - 2.000 đồng/chai. Khi sử dụng xong sản phẩm, đem các vỏ chai, vỏ lon, bao bì nhựa đến các điểm thu hồi, sẽ được trả lại khoản tiền đặt cọc này. Các điểm thu hồi vỏ chai, vỏ bao bì và hoàn trả tiền sẽ đặt ở các hàng bán lẻ, nhà hàng, quán cà phê hoặc các điểm tập trung.
Đánh giá về báo cáo nghiên cứu trên, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, hệ thống này không chỉ giúp tăng tỷ lệ thu gom mà còn cải thiện chất lượng nhựa tái chế nhờ bao bì được thu gom riêng, ít bị nhiễm bẩn. Và đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ trong lộ trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Trong khi đó theo các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực môi trường, hệ thống đặt cọc hoàn trả (DRS) là mô hình khuyến khích người tiêu dùng mang trả lại các bao bì đồ uống dùng một lần để nhận lại khoản tiền đặt cọc ban đầu. Khoản tiền đặt cọc ban đầu tuy nhỏ nhưng được coi là động lực tài chính để người tiêu dùng mang trả lại bao bì đồ uống đã sử dụng thay vì xả vào môi trường.
Phó Cục trưởng Cục Môi trường nhấn mạnh, hệ thống đặt cọc hoàn trả là một công cụ hỗ trợ đắc lực, có thể tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý chất thải, đặc biệt khi được tích hợp đồng bộ trong Chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Việc triển khai DRS không chỉ góp phần thu hồi vật liệu hiệu quả mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ hơn. Đáng chú ý, hệ thống DRS được coi là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nêu trong Luật Bảo vệ môi trường 2000 và 2024. Thay vì xây dựng quy trình thu gom riêng, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối đồ uống có thể tham gia hệ thống thu gom tập trung nhờ DRS qua đó tăng tính minh bạch, tối ưu chi phí và bảo đảm tỉ lệ thu hồi bao bì theo quy định pháp luật.
Mỗi năm loại trừ 77.000 tấn chất thải bao bì phải chôn lấp
Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết, DRS không chỉ là giải pháp môi trường mà còn là công cụ triển khai hiệu quả chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, đó là nguyên tắc nền tảng của EPR và cơ chế đặt cọc hoàn trả sẽ giúp biến rác thải thành nguồn tài nguyên có giá trị, đồng thời huy động trách nhiệm khu vực tư nhân một cách chủ động, hiệu quả. Hiện có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã áp dụng DRS đối với bao bì đồ uống dùng một lần, trong đó có các nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, Trung Đông và châu Đại Dương.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết thêm, nếu DRS được áp dụng thành công tại Việt Nam, mỗi năm chúng ta có thể thu gom tái chế thêm khoảng 77.000 tấn bao bì đồ uống sau sử dụng, giảm đáng kể lượng rác chôn lấp, đốt hoặc thải bỏ lộ thiên. Ước tính, hệ thống sẽ giúp cắt giảm 265.000 tấn CO₂ tương đương mỗi năm, đồng thời giảm mạnh ô nhiễm nhựa đại dương. Về mặt kinh tế - xã hội, DRS có thể tạo thêm khoảng 6.400 việc làm chính thức trong chuỗi cung ứng ngành đồ uống. Tác động gián tiếp về môi trường từ việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm không khí, nước và đất giúp Việt Nam tiết kiệm khoảng 1.400 tỉ đồng mỗi năm.
Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Môi trường khẳng định, tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số, lượng chất thải nhựa phát sinh ngày càng lớn, đòi hỏi những giải pháp toàn diện và đột phá. Việc thúc đẩy khép kín vòng tuần hoàn nhựa, đặc biệt là nhựa sau tiêu dùng, không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn mang lại giá trị kinh tế to lớn. Trong bối cảnh đó, hệ thống DRS mang đến một hướng tiếp cận mới, tiềm năng và hiệu quả.