Đất nghèo yêu 'con chữ'
Ngôi làng Plei Rbai (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đầy cát trắng và sỏi, nằm cuộn mình bên dòng sông Ayunpa hiền hòa thơ mộng là một trong số ít những ngôi làng hiếu học của người Jrai. Người dân ở ngôi làng chắt chiu từng hạt lúa, củ mì để nuôi con cái ăn học và trở thành người có ích cho xã hội.
Ngôi làng hiếu học bên dòng sông
Ở Plei Rbai, gia đình ông Ksor Moaih (67 tuổi) được dân làng nể trọng vì tinh thần hiếu học. Nhà có 5 người con thì có 4 người cầm trong tay tấm bằng cử nhân các trường đại học, cao đẳng trong nước. Riêng người con gái đầu tên Rô H’Rim (SN 1979) có học hàm tiến sĩ. Nói về truyền thống học hành của gia đình, ông Moah bộc bạch: “Mình sinh ra trong một gia đình làm nông nghèo ở làng này. Từ thủa nhỏ, bố mẹ luôn nhắc nhở mình gắng học hành tử tế để rạng danh gia đình, dòng tộc và để thoát nghèo. Vì thế, mình đã nỗ lực học tập, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Nguyên (Đak Lak) rồi về huyện Krông Pa dạy học và nghỉ hưu. Vợ mình cũng là giáo viên đã nghỉ hưu. Với con cái thì tôi hay nói với các con là từ xưa đến nay làng mình đã nổi tiếng với nghi lễ cúng cầu mưa. Dù chưa tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng người già trong làng rất giỏi về thủy văn, địa lý nên mỗi lần cúng để cầu được mưa. Cho nên các con phải phát huy truyền thống của gia đình, làng xóm mà chăm chỉ học hành để thành người tử tế. May mắn là các cháu nghe lời vợ chồng chúng tôi mà học hành nên người. Ngày xưa, để nuôi 5 đứa con ăn học, vợ chồng tôi cũng cực lắm. Ngoài giờ lên lớp dạy học thì “trần lưng” ra rẫy, ruộng làm lụng và đi làm mướn. Khổ vậy đó nhưng giờ nhìn con cái thành đạt, vợ chồng mình nở mày nở mặt với làng xóm lắm”.
Nhắc đến chuyện học ở Plei Rbai mà không nhắc đến gia đình bà Siu H’Ngôn thì là một thiếu sót lớn. Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar có 4 người con thì cả 4 đều tốt nghiệp cử nhân hệ cao đẳng, đại học. Tương tự, gia đình ông Rmah Dmeo (51 tuổi) cũng nổi tiếng ở làng Plei Rbai với tinh thần ham học. 2/3 đứa con của ông Dmeo đã tốt nghiệp đại học. Cô con gái út tên Rô H’ Kim (SN 2002) hiện đang theo học tại ngành Y của Trường Đại học Tây Nguyên.
Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình hiếu học ở Plei Rbai, ông Nay Keng-Trưởng thôn Plei Rbai và bà Nguyễn Thị Khá-Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Piar hào hứng chia sẻ về truyền thống học hành của làng “Vua gió” (Pơtao Angin). “88% dân làng này là người Jrai. Đời sống không khá giả là bao. Trồng cây lúa, cây mì mà, chỉ đủ ăn thôi. Thế nhưng về tinh thần hiếu học thì làng xếp nhất nhì huyện. Nguyên nhân là các thế hệ con cháu gắng học hành để làm rạng danh cho làng và để thoát khỏi cái nghèo. Hiện nay do tập trung cho công tác chống dịch Covid-19 nên chưa thể cập nhật danh sách đầy đủ nhất nhưng theo nhẩm tính của tôi thì làng có trên 100 người có bằng đại học, cao đẳng”, bà Khá cho hay.
Phát huy truyền thống
Nằm cách trung tâm huyện Phú Thiện chừng 20 km, làng Plei Rbai nằm sát quốc lộ 25, hướng mặt về sông Ayun. Trong những năm gần đây, ngôi làng nông thôn bình dị này đang là một điểm đến yêu thích của du khách trong tỉnh. Họ đến để nghe những giai đoạn về “vua gió” và chiêm ngưỡng nghi lễ cúng cầu mưa. Một điểm hút khách của ngôi làng Jrai này là truyền thống hiếu học. Nơi đây là nguồn đào tạo nhân lực, cán bộ trẻ cho Gia Lai và nhiều tỉnh khác trong nhiều năm nay.
Điển hình như 4 người con của bà Siu H’Ngôn đều công tác tại các cơ quan Nhà nước ở tỉnh Gia Lai. Cụ thể, người con đầu tên Siu H’Qua đang công tác tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (huyện Ia Grai), con gái thứ hai tên Siu Hương hiện giữ chức vụ Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, người thứ 3 tên Siu Sơ Ri là giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (huyện Phú Thiện) và người út tên Siu Cúc Cu hiện giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Ia Piar. Với gia đình ông Ksor Moaih, 4 người con đều có công việc ổn định. Ngoài người chị cả H’Rim đang sinh sống tại Mỹ thì 3 người con còn lại đều có công việc ổn định. Người thứ 2 hiện đang làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Piar, người thứ 3 đang công tác tại một công ty dược tại tỉnh Đồng Nai và người con thứ 4 đang là viên chức tại một đơn vị ở huyện Ia Pa.
Theo ông Siu Thiên-Chủ tịch UBND xã Ia Piar thì: Làng Plei Rbai sản sinh ra nhiều người có trình độ cao, giữ các chức vụ trong chính quyền, đoàn thể ở Gia Lai. Tính riêng xã Ia Piar đã có 6 người xuất thân từ làng Plei Rbai đang giữ các chức vụ chủ chốt như Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ… Đối với công việc được giao, họ làm rất tốt, góp phần chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của xã.
Kế thừa và phát huy truyền thống của gia đình, làng xóm, những thế hệ trẻ của Plei Rbai đang nỗ lực học hành để trở thành người có ích cho xã hội. “Em rất biết ơn công lao dưỡng dục của cha mẹ và tự hào về truyền thống hiếu học của gia đình, làng Plei Rbai. Biết bố mẹ khổ nhưng chắt chịu từng đồng để nuôi mình ăn học, em đang cố học thật tốt. Sau khi tốt nghiệp, nhất định em sẽ về Phú Thiện làm việc và để chăm sóc cho bố mẹ”, Rô H’Kim thổ lộ.
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Thiện Vũ Thị Lý-cho biết: “Từ năm 2012, làng Plei Rbai đã nổi tiếng ở trong nước với truyền thống hiếu học. Do đó, có nhiều đơn vị báo chí trung ương và địa phương đã về viết bài, làm phim về làng này. Làng Plei Rbai cũng từng được Hội Khuyến học Việt Nam khen thưởng về truyền thống hiếu học. Đây cũng là nơi đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mấy năm nay, tỷ lệ trẻ em đến trường đúng tuổi ở làng Plei Rbai đạt 99%”.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dat-ngheo-yeu-con-chu-post455040.html