Đất thiêng Tân Trào
Tân Trào vừa là địa danh lịch sử vừa được coi là đất thiêng. Không chỉ bởi nơi này từng 2 lần được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.
Đình Tân Trào đã được 4 triều vua Nguyễn ban sắc phong.
Tháng 8-1945 là nơi họp Quốc dân Đại hội, quyết định Tổng khởi nghĩa.
Kim Long đất hiểm tứ bề
Đó là câu ca nói về Tân Trào - thuở ấy là Kim Long. Tháng 5 năm 1945, Trung ương Đảng chọn Tân Trào làm nơi để đón Bác Hồ từ Cao Bằng về lãnh đạo kháng chiến. Về đến làng, Người ở tạm trong căn nhà sàn của ông Nguyễn Tiến Sự. Sau đó Người lên núi Hồng chọn một triền núi thoai thoải, xung quanh là rừng cây, rừng nứa “gần dân không gần đường” và cho dựng Lán Nà Nưa để ở và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 lịch sử.
Từ đó làng Kim Long trở thành Thủ đô Giải phóng, Trung tâm của an toàn khu bảo vệ bí mật cho Bác Hồ và nhiều cơ quan Trung ương. Đã từng có những cuộc hành quân của địch từ Thiện Kế lên, Tuyên Quang xuống, Thái Nguyên sang... hòng đánh thẳng vào Tân Trào, nhưng đều bị quân và dân ta chặn đánh, giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ Bác Hồ và căn cứ địa cách mạng. Nên có câu “Kim Long đất hiểm tứ bề/Kẻ thù muốn chết thì về Kim Long”. Kim Long - Tân Trào trở thành vùng đất thiêng từ ấy.
Ông Hoàng Ngọc năm nay đã ngoài 80 tuổi, râu tóc bạc phơ, thuộc số ít những người già được chứng kiến những ngày Tháng Tám lịch sử năm 1945. Trong căn nhà sàn khang trang tại Làng Văn hóa Tân Lập, ông kể: cả làng ngày ấy chỉ có khoảng 23 hộ dân. Những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, cả làng “đêm đêm rầm rập như là đất rung”. Dân làng nuôi giấu cán bộ, đón nhiều đại biểu cách mạng ở các xứ Nam, Bắc, Ai Lao, Cao Miên... về dự Quốc dân Đại hội. Dân làng được chứng kiến đoàn quân giải phóng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy xuất quân dưới bóng đa Tân Trào, bắt đầu cuộc Tổng khởi nghĩa...
Kim Long có đá thạch ban
Ai đến Tân Trào cũng được tham quan chiêm bái ngôi đình làng được dựng với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống. Đình thờ Thành Hoàng làng và các vị Sơn thần đại diện cho thần núi và các vị thần, xung quanh làng.
Dòng chữ trên câu đầu của đình có ghi: “Năm thứ tám của triều Khải Định, mùa đông ngày 21/11/1923 thì dựng lại đình. Đó là ngày tốt, đình có hướng tốt vì thế dân chúng được lộc tốt và thịnh vượng”. 4 triều vua Nhà Nguyễn cũng từng có 4 sắc phong cho đình Kim Long (đình Tân Trào). Theo các sắc phong, thì đình được xây dựng từ trước năm 1853.
Hàng năm, đình Tân Trào có ngày lễ lớn nhất vào mùng 4 tháng Giêng âm lịch, còn gọi là ngày lễ cầu mùa. Ngoài ra còn có lễ ngày 4/5 âm lịch là hạ điền (xuống đồng) và ngày 14/7 âm lịch là có lễ thượng điền (lên đồng). Ông Hương đình sẽ đại diện dân làng, cúng Thành hoàng làng và các vị sơn thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, bình an.
Phía trước của đình có phiến đá thề, dân làng gọi là đá “thạch ban” vì không ai biết phiến đá ấy có tự bao giờ. Ngày 17/8/1945 tại sân đình này, Quốc dân Đại hội được khai mạc, quyết định toàn dân đứng lên võ trang giành chính quyền, thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa, bắt đầu Cuộc cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Các nhà khoa học, nhà quân sự, nhà nghiên cứu lịch sử đã có nhiều lý giải về nguyên nhân thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Nhưng những người dân Tân Trào còn có một niềm tin họ luôn được đất thiêng quê hương che chở, bảo vệ. Câu ca “Kim Long có đá thạch ban, có suối tắm mát, có quan triều đình” chính là thể hiện niềm tin ấy.
Trong chiều xuân ấm, ông Hoàng Ngọc kể với chúng tôi về đình Tân Trào với một niềm tự hào pha lẫn sự tôn kính. Rằng cả làng có hơn 100 người đi bộ đội, người bị thương nặng nhất bị đạn xuyên vào ngực vẫn khỏe mạnh trở về. Rằng nhà ông 4 đời đi bộ đội, không ai bị hy sinh. Chính ông có 23 năm trong quân ngũ, chiến đấu từ chiến trường miền Nam cho đến biên giới Trung Quốc, giờ vẫn ngồi đây kể chuyện xưa cùng hậu thế.
Ông khẳng định, nhờ đình làng rất linh thiêng che chở nên trong suốt mấy chục năm kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, làng không hề bị một mũi tên hay viên đạn, quả bom nào. Trong khi chỗ Ủy ban xã, phía thác Dẫng, đình Hồng Thái, Thanh La đều “dính” bom. Hay như bên Phú Đình (Định Hóa) hay Đèo Chắn phía ngoài đều có giặc kéo đến.
Ngay cả trong thời bình, đất này và dân làng cũng luôn luôn được bình an, no đủ. Đến như trận lụt khủng khiếp năm 2001, nhiều nơi trong huyện đều phải chịu hậu quả, nhưng nơi này vẫn bình yên. Người Tân Trào đã sửa câu ca xưa thành “Kim Long sơn thủy hữu tình, hễ ai đến đó thì không muốn về”.
Đình làng linh thiêng, nên dân làng tối kỵ việc xâm phạm bất cứ vật gì tại đây. Nghe nói đã có người bên Phú Đình đi chợ về qua, bẻ trộm một đầu rồng nơi hương án, về nhà bị hóa điên. May được người mách làm lễ và mang trả lại đình mới khỏi. Lại có người đến đình ngang nhiên ngồi lên phiến đá “thạch ban”, về nhà phát ốm. Sau phải nhờ người cúng mới qua khỏi.
Nghe chuyện ông Hoàng Ngọc, mới càng thấm thía sự anh minh tài giỏi của Bác Hồ khi xưa ở đình Tân Trào. Tuy là người nơi khác đến, nhưng Bác am hiểu phong tục của làng. Nên khi đứng tuyên thệ trước khi vào họp Quốc dân Đại hội quyết định ngày Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945, Người đã đứng bên cạnh, chứ không bước chân lên phiến đá. Lại càng thấm thía 4 đời vua Nguyễn xưa kia đều ban sắc phong cho đình, phong tặng nhiều mỹ tự và phẩm trật cho thần Thành Hoàng làng, đặc biệt cho phép nhân dân thờ phụng thần để ghi nhớ ngày đại lễ và làm rạng rỡ điển lễ thờ phụng của đất nước.
Thủy chung với Cách mạng, Tân Trào hôm nay cũng là xã nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Nhiều ngôi nhà xưa ở Kim Long nay đã thành di tích lịch sử. Làng đã trở thành Làng văn hóa với những ngôi nhà sàn và nhiều ngành nghề, sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Núi Hồng xanh thắm sau lưng Tân Trào đã rực rỡ sắc hoa xuân. Dòng suối Khuôn Pén hiền hòa đang miệt mài cấp nước cho cánh đồng vàng ươm mỗi mùa thu hoạch. Ngôi đình cổ vẫn còn đó, che chở cho đất thiêng Tân Trào và chứng kiến những trang sử mới.