Đất vườn, đất nông nghiệp có dấu hiệu 'sốt'

Nhiều người đổ xô đi tìm mua đất vườn, đất nông nghiệp, đất đồi chỉ để bán kiếm lời

Chị Liên (nhà ở TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết từ đầu năm đến nay, trừ thời điểm dịch, tuần nào chị và nhóm bạn cũng rủ nhau đi coi đất rẫy, vườn… để đầu tư hoặc mua làm nơi nghỉ dưỡng. Gần đây, chị và nhóm bạn không còn đi các địa phương lân cận TP HCM như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng… mà lên tận Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai hoặc ra Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa để mua đất. "Các tỉnh ở Tây Nguyên đi lại thuận tiện, nhất là giá đất còn rẻ và có nhiều hồ đẹp" - chị Liên nói.

Trước nhu cầu tìm mua đất vườn, thổ cư ngày càng tăng sau giai đoạn giãn cách xã hội đã đẩy giá đất các địa phương lân cận TP HCM, cũng như một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ tăng mạnh. Như các khu đất hồ thuộc TP Gia Nghĩa (Đắk Nông)… đã tăng 10%-20% so với thời điểm mới hết giãn cách.

Tại Lâm Đồng, những khu đất đồi ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà… giá cũng nhảy loạn xạ nhưng gần đây đã chững lại sau khi cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng loạt dự án phân lô, bán đất nền trái quy hoạch. Giá đất ở các địa phương này hiện dao động từ 900 triệu đến 2,5 tỉ đồng/sào (1.000 m2)tùy khu vực, vị trí.

Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa - địa phương rộ lên tình trạng phân lô, bán nền thời gian gần đây. Ảnh: KỲ NAM

Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa - địa phương rộ lên tình trạng phân lô, bán nền thời gian gần đây. Ảnh: KỲ NAM

Anh Nguyễn Văn Dũng, chuyên môi giới đất ở khu vực thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), nói: "Ai nói ở đâu giá đất giảm, đứng giá chứ đất ở Bảo Lộc, Lâm Hà hay các khu ven TP Đà Lạt chỉ có tăng. Đặc biệt trong 3 năm, giá đất những khu vực này tăng trung bình 7-8 lần, nhiều nơi tăng 10-15 lần dù là đất nông nghiệp hay thổ cư.

Người dân ở khắp nơi, nhất là TP HCM, đổ xô về các khu vực thuộc Lâm Đồng nhằm tìm một mảnh đất để dành nghỉ dưỡng. Nhiều người nhanh tay thu gom những mảnh đất lớn, sau đó tiến hành phân lô, tách sổ diện tích từ 500-1.000 m2/nền để bán. Họ đã lời gấp nhiều lần so với giá mua từ 3 năm trước".

Đáng chú ý, khi cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng thanh tra, kiểm tra việc phân lô, bán nền thì nhiều người tiếp tục chuyển hướng sang Đắk Nông để săn đất gây bất ổn cho thị trường bất động sản ở địa phương này. Hiện giá đất vườn, đất đồi một số khu vực ở Đắk Nông đã tăng nhiều lần so với trước, từ vài chục triệu đồng/sào đã lên tới 400-500 triệu đồng/sào, thậm chí các khu gần trung tâm TP Gia Nghĩa đến cả tỉ đồng/sào.

Ông Nguyễn Trí Tuệ - Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt 12A, chuyên môi giới đất nông nghiệp, đất vườn có thổ cư ở huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) và một vài khu vực thuộc tỉnh Đắk Nông - cho hay sau khi TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam cho phép đi lại, lượng khách lên Tây Nguyên xem đất khá nhiều. "Khách đặt hàng chúng tôi tìm đất có vị trí, hướng nhìn ra suối, hồ, thác…, đất gần khu trung tâm, khu dân cư đặc biệt là phải có mảng xanh. Tuy vậy, đa số mua xong rồi để đó chứ không về ở, khi có lời hoặc cần tiền sẽ bán. Nhiều người thậm chí không cần xem đất, mà ủy quyền cho tôi tìm đất và tiến hành thủ tục mua bán" - ông Tuệ cho biết.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng xu hướng mua đất nông nghiệp, đất nghỉ dưỡng ở các tỉnh nở rộ trong vài năm gần đây, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà còn bùng mạnh hơn sau đợt giãn cách xã hội. Từ bán kính 100-120 km, hiện nhiều người chấp nhận xa hơn 200- 300 km để mua được đất rẻ.

Nguyên nhân của xu hướng này, theo ông Quang, là do hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh sau dịch vẫn còn khó khăn nên nhiều người chuyển hướng "cất tiền" vào đất. Tuy nhiên, đây chỉ là xu hướng mang tính thỏa mãn nhu cầu đầu tư của cá nhân chứ ít người tính đến việc gia tăng giá trị của đất. Việc này rất dễ tạo ra cung - cầu giả, gây "sốt" đất ảo, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo các chuyên gia, bản chất của cơn "sốt" đất cuối năm 2021 dựa trên niềm tin của nhà đầu tư về thị trường sau dịch cộng tin đồn thổi về dự án, quy hoạch mới nên sẽ khó bền vững, sớm tàn.

Khánh Hòa yêu cầu chấn chỉnh "sốt" đất

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Trong đó, yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

UBND tỉnh Khánh Hòa nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có, dẫn đến hình thành các điểm dân cư mới chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng khu vực, gây ra tình trạng phân lô, bán nền tràn lan trên địa bàn.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm chính quyền cấp xã do buông lỏng trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, để phát sinh tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

K.Nam

Sơn Nhung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/bat-dong-san/dat-vuon-dat-nong-nghiep-co-dau-hieu-sot-20211227212709521.htm