Dấu ấn của cuộc thi 'Những cống hiến thầm lặng'
Cuộc thi 'Những cống hiến thầm lặng' năm 2023 là sự phối hợp thực hiện giữa cơ quan báo chí (Báo Kinh tế & Đô thị) cùng tổ chức phi Chính phủ (AAV và AFV) được tổ chức mở rộng về nội dung, quy mô hoạt động.
Ban Tổ chức mong muốn từ các cơ quan truyền thông hỗ trợ nhiều hơn cho nhóm yếu thế trong xã hội, đặc biệt là lao động phi chính thức tiếp cận tốt hơn các nguồn hỗ trợ cũng như bảo đảm các quyền cho người lao động.
Tôn vinh sự cống hiến thầm lặng
Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” do Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp tổ chức, đã bước sang mùa thứ ba. Sau khi tổ chức hai mùa thi (2021, 2022), Ban Tổ chức nhận thấy cần phải làm nhiều hơn nữa những công việc liên quan tới công tác an sinh xã hội.
Vì thế, năm nay, Ban Tổ chức đã nâng tầm cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 bằng việc ký kết một chương trình hợp tác có thời hạn trong vòng 3 năm, từ 2023 – 2025 với mong đợi sẽ mang lại những kết quả thiết thực cho các bên liên quan gồm người lao động, nhất là lao động nữ, người sử dụng lao động, cộng đồng và cơ quan xây dựng chính sách Nhà nước.
Năm 2023, ngoài tổ chức cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng”, Ban Tổ chức đã và đang tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để thực hiện tốt hơn phản biện chính sách liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội. Cùng với đó, tổ chức các tọa đàm hướng tới người lao động, đội ngũ làm báo để nâng cao nhận thức về các vấn đề an sinh xã hội như lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, quấy rối tình dục…
Theo chia sẻ của Ban Tổ chức, sau hai lần tổ chức, các nội dung cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” được rất nhiều bạn đọc, người dân, giới báo chí quan tâm, đặc biệt là các vấn đề bức xúc trong xã hội liên quan đến công tác an sinh, tôn vinh các tấm gương, cống hiến thầm lặng vì cộng đồng, vấn đề việc làm, nhà ở, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Đó là những mục tiêu lớn lao mà cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” hướng tới. Ban Tổ chức hy vọng, với những tiêu chí và thể lệ cuộc thi đã được làm sáng rõ hơn, sẽ có nhiều các tác phẩm tôn vinh về những tổ chức, cá nhân hy sinh vì cộng đồng, cống hiến cho cộng đồng và từ đó có sự lan tỏa để mọi người, tổ chức khác học tập, noi theo.
Nhân lên những điều tốt đẹp
Là người theo dõi cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” từ mùa đầu tiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học đánh giá cao việc tổ chức cuộc thi cũng như chọn tên gọi “Những cống hiến thầm lặng”. Bởi trong xã hội chúng ta rất nhiều người có cuộc sống no đủ nhưng thực tế còn không ít người khó khăn, nhất là lao động nữ.
“Trước đây có những cuộc khảo sát đời sống của công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai. Chúng ta không tưởng tượng được, cuộc sống sinh hoạt của họ lại thiếu cả tivi, không đài báo nhưng vì mưu sinh nên mọi người đã phải chấp nhận” – ông Phạm Thanh Học chia sẻ. Đồng thời khẳng định Ban Tổ chức chọn chủ đề, đối tượng rất hay, nhất là khi năm nay lại có thêm các tọa đàm về nhà ở xã hội, trong đó có cuộc tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, những chuyến đi thực tế ghi nhận sự thay đổi của người dân sau khi được hỗ trợ sinh kế…
Nhiều nhà báo rất tâm đắc khi cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” hướng tới những chủ đề như nhà ở cho công nhân, đặc biệt là công nhân nữ; quyền việc làm; quyền sức khỏe; quyền thân thể đã được đề cập trong công ước quốc tế là chủ đề mà Đảng, Nhà nước, lãnh đạo TP Hà Nội quan tâm. Hiện nay, có rất nhiều người làm việc tốt từ tâm, vì thế chúng ta cần phải tôn vinh, tuyên truyền để nhân lên những điều tốt đẹp.
Những điều đó được thể hiện rõ ở việc, ngày 27/4/2023, Ban Tổ chức cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” đã tổ chức tọa đàm “Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân”. Tọa đàm được tổ chức trong ngày trên địa bàn Hà Nội diễn ra nhiều sự kiện nhưng đây là vấn đề bức thiết liên quan đến nhà ở xã hội của công nhân nhập cư nên thu hút rất đông phóng viên, biên tập viên các báo, đài T.Ư và địa phương đến theo dõi thông tin, ghi hình, đặt câu hỏi, phỏng vấn các khách mời.
Và trong tháng 6 này, một tọa đàm tại TP Hồ Chí Minh về lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, với sự tham dự của các chuyên gia, nhà quản lý, DN, người lao động. Tại đây, các khách mời chia sẻ tình hình tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động khu vực phi chính thức, cũng như những mô hình hay đang được triển khai để hỗ trợ người lao động…
Sẽ còn có những cuộc tọa đàm khác với những chủ đề liên quan đến nhà ở xã hội, bảo hiểm xã hội… để lan tỏa rộng rãi về bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, trong đó có lao động nữ, vinh danh những đơn vị làm tốt công tác này. Và quan trọng hơn là cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” luôn đồng hành và hướng tới người lao động, nhất là lao động nữ, đối tượng yếu thế, góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, cộng đồng về những thách thức trong thực hiện quyền an sinh xã hội.
Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) Hoàng Phương Thảo:
Hỗ trợ nhóm yếu thế có việc làm, phát triển kinh tế
Điểm khác biệt của cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2023 không chỉ là ở nội dung và hình thức thể hiện. Báo Kinh tế & Đô thị có tổ chức thêm nhiều hoạt động bên ngoài cho nhà báo đi tác nghiệp. Bên cạnh đó là phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ NN&PTNT và một số nghiên cứu liên quan đến nhà ở an toàn cho công nhân ở các địa bàn rất khó khăn như công trình xây dựng đê điều, thủy điện. Ngoài ra, các nhà báo có cơ hội tham gia một số tọa đàm chính sách mà chúng tôi muốn dành để trao đổi những nội dung liên quan đến chủ đề năm nay tập trung.
Quyền của người lao động là chủ đề mà chúng tôi theo đuổi trong 3 năm nay và đã được thể hiện rõ trong nội dung cam kết giữa ba bên. Chúng tôi mong muốn trong mùa thi thứ ba sẽ phát hiện được nhiều gương điển hình về những cống hiến thầm lặng.
Chúng tôi nỗ lực hỗ trợ các nhóm yếu thế, đặc biệt là nhóm nghèo đô thị và nhóm lao động phi chính thức ở các đô thị tại Việt Nam trong việc tiếp cận tốt hơn các nguồn bảo trợ xã hội cũng như hỗ trợ họ tập huấn để có kỹ năng tốt hơn. Đối với những lao động nữ bị mất việc, chúng tôi sẽ tập trung vào một số chương trình trang bị những kiến thức và kỹ năng cho họ tiếp cận với kinh tế số.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-an-cua-cuoc-thi-nhung-cong-hien-tham-lang.html