Dấu ấn không quên
Trong hành trình 30 năm ra đời và phát triển, giai đoạn năm 1993-2004, Ban Dân tộc tỉnh vừa xây dựng, hoàn thiện bộ máy tổ chức, vừa tham mưu và trực tiếp triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS và MN). Các dự án đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, mang lại khởi sắc to lớn trong đời sống đồng bào cùng nhiều kinh nghiệm sâu sắc.
Đó là các dự án: Định canh định cư (ĐCĐC) được triển khai tại các xã: Hóa Sơn, Thượng Hóa (Minh Hóa), Thanh Hóa (Tuyên Hóa), Trường Sơn, Trường Xuân (Quảng Ninh), Kim Thủy (Lệ Thủy), bản Rào Con, xã Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha) và bản Khe Ngát, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch); hỗ trợ các dân tộc đặc biệt khó khăn triển khai cho các tộc người Mày, Rục (Minh Hóa), Mã Liềng (Tuyên Hóa), A Rem, Ma Coong (Bố Trạch).
Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Cơ quan mới được thành lập, cán bộ còn mỏng, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc còn ít, nguồn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước còn rất hạn chế. Trong khi kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng ĐBDTTS và MN gặp vô số khó khăn. Các tộc người Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng, Ma Coong đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Tình trạng du canh du cư (DCDC) vẫn còn diễn ra. Hệ thống giao thông bị xuống cấp, hư hỏng nặng, một số nơi không có đường đến trung tâm xã.
Điều quan trọng nhất trong việc thực hiện các dự án ĐCĐC nói riêng, các dự án phát triển KT-XH cho vùng ĐBDTTS và MN của tỉnh nói chung là tìm ra các hạng mục đột phá cho từng dự án.
Dự án ĐCĐC xã Hóa Sơn ưu tiên cho việc mở đường giao thông qua eo Lập Cập vào trung tâm xã. Về sau, tuyến đường này tiếp tục được các dự án của tỉnh đầu tư mở rộng, kiên cố hóa. Việc khai thông con đường đã góp phần giải phóng tiềm năng về sản xuất nông-lâm nghiệp cho thung lũng Hóa Sơn trù phú bấy lâu bị kìm hãm do khó khăn về lưu thông.
Được đưa về định cư từ những năm 1960, nhưng đến năm 2002, cuộc sống của người Rục tại các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ vẫn gặp nhiều khó khăn. Có nguồn nước, đất đai tốt nhưng việc đầu tư, hỗ trợ khó triển khai. Việc khai thông con đường từ đường Hồ Chí Minh đi qua Hung Tru đến bản Ón là thành công nhất trong các hạng mục thuộc dự án phát triển KT-XH đồng bào Rục từ nguồn vốn của Chính phủ. Sau khi khai thông con đường, điện lưới cũng được triển khai đến bản xa nhất Mò O Ồ Ồ. Máy móc, vật liệu được đưa vào để khai hoang đất sản xuất, dựng trường học, nhà ở... cho đồng bào.
Về sản xuất, ở những nơi có đất nông nghiệp và nguồn nước, việc xây dựng các công trình thủy lợi đã được chú trọng, đây là biện pháp giải quyết cơ bản vấn đề “định canh” để “định cư” lâu dài cho ĐBDTTS.
Dự án ĐCĐC xã Trường Sơn ưu tiên xây dựng đập thủy lợi Trung Sơn, khai hoang ruộng làm lúa nước cho bà con Bru-Vân Kiều các bản lẻ La A, Đìu Đo phía Tây xã Trường Sơn về định cư. Công trình thủy lợi tại bản Cà Xen, xã Thanh Hóa đã tạo ra vùng sản xuất lúa nước 2 vụ cho bà con Mã Liềng chuyển từ vùng Quạt, Bịn, Mã Đao gần biên giới Việt-Lào giáp vùng núi phía Tây tỉnh Hà Tĩnh về sống tập trung, tạo điều kiện để đầu tư hỗ trợ xây dựng điện, đường, trường, trạm cho đồng bào.
Thực tế cho thấy, ở những nơi có ruộng lúa nước, chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành các điểm sáng về phát triển KT-XH, như các bản: Cây Bông, Cồn Cùng (xã Kim Thủy), Khe Giữa (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy), Khe Dây (xã Trường Xuân, Quảng Ninh), Chăm Pu (xã Thượng Trạch, Bố Trạch), Rục Làn (xã Thượng Hóa), K. Ai (xã Dân Hóa, Minh Hóa)…
Thời gian đầu thực hiện ĐCĐC, ĐBDTTS rất khó thích nghi với cuộc sống ổn định, trồng trọt và chăn nuôi theo hướng thâm canh. Mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở, khai hoang, giống cây trồng vật nuôi, cử cán bộ “ba cùng” hướng dẫn sản xuất, nhưng nhiều hộ vẫn bỏ bản để quay vào rừng. Đến trước năm 1997, hai điểm ĐCĐC của người Mã Liềng tại bản Cà Xen (xã Thanh Hóa), bản Chuối (xã Lâm Hóa, Tuyên Hóa) có nguy cơ thất bại. Bản làng đìu hiu với mấy nhà sàn xơ xác, đất bỏ hoang mà người thì đói.
Cách để đồng bào quen DCDC trụ lại vùng ĐCĐC là giải quyết được vấn đề sản xuất và cái ăn. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một quá trình hướng dẫn để bà con quen với cách thức sản xuất mới. Và không chỉ có nhu cầu về lương thực, thực phẩm mà còn các nhu cầu thiết yếu khác, nhất là đối với con em đồng bào. Tại bản Chuối, khi bố mẹ thấy quá khó khăn định vào lại bản cũ nhưng các cháu muốn ở lại.
Các thông tin, hình ảnh hấp dẫn từ tivi bắt sóng vệ tinh mà các cháu trước đó ở trong rừng không được xem đã giữ chân các cháu lại. Nhu cầu tiếp cận thông tin, nhìn ra thế giới đối với các cháu quan trọng hơn cái ăn hàng ngày nhiều. Thương con, bố mẹ các cháu đã ở lại. Họ chịu khó đi vào bản cũ thu hoạch lúa, sắn, ngô, khoai đưa về bản mới.
Vấn đề mấu chốt và lâu dài cho việc ĐCĐC nữa là từng bước hướng dẫn cho đồng bào làm quen với kỹ thuật canh tác mới. Đầu năm 1997, ban đã chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án ĐCĐC huyện Tuyên Hóa thực hiện dự án hỗ trợ đồng bào Mã Liềng. Dự án đã đào hào, dựng hàng rào ngăn trâu bò phá hoại khu vực sản xuất, đầu tư công trình thủy lợi, khai hoang đất lúa nước và đất màu trồng cây ngắn ngày.
Đồng bào Mã Liềng được đến tham quan học tập tại các vùng ĐCĐC của bà con Bru-Vân Kiều tại bản Cây Bông, bản Cồn Cùng (xã Kim Thủy), Khe Dây (xã Trường Xuân), được chứng kiến tận mắt ruộng đồng, vườn nhà, vườn rừng và nghe kinh nghiệm về định cư và cách sản xuất mới của bà con Bru-Vân Kiều.
Anh Cao Viên (nay đã mất), một trong những người năng động nhất của bản Cà Xen đã tự tin tuyên bố trong chuyến tham quan học tập tại bản Khe Dây, xã Trường Xuân: “Sau 2 năm nữa mời bà con Bru-Vân Kiều lên Cà Xen tham quan”. Đến nay, bản Cà Xen tự túc được lương thực từ thâm canh lúa 2 vụ, nhiều hộ có trâu bò, rừng trồng, tiện nghi sinh hoạt khá đầy đủ, hiện đại, con cái được học hành. Đối với một tộc người từ chỗ đối mặt với nguy cơ suy giảm dân số như Mã Liềng, những thay đổi, tiến bộ này là rất đáng ghi nhận.
Một vấn đề nữa của các bản ĐCĐC là việc học hành của các cháu. Năm 1997, gần 100% người Mã Liềng mù chữ. Việc đưa 20 em đến học tại Trường PT Dân tộc nội trú huyện Minh Hóa là một "cú hích" quan trọng. Đến nay, các bản Cà Xen, Chuối, Cáo, Kè đều có điểm trường tiểu học, mầm non. Bản Chuối, bản Cáo đã có cháu người Mã Liềng tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trở thành giáo viên của bản.
Những kết quả trong thực hiện ĐCĐC, hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn đầu thành lập cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh đã tạo tiền đề quan trọng trong triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN các giai đoạn tiếp theo; tháo gỡ những "nút thắt" từ cơ sở, đáp ứng các nhu cầu của từng thời kỳ cho ĐBDTTS và MN tỉnh.
(Ban Dân tộc tỉnh)