Dấu ấn kỳ họp lịch sử - Bài 4: Phát huy vai trò 'kiến trúc sư trưởng' của hệ thống thể chế
Việc Quốc hội nhận diện rõ 'điểm nghẽn' của 'điểm nghẽn' là thể chế và chủ động kiến tạo thể chế không chỉ là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay mà còn là một sứ mệnh lịch sử nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước. Quốc hội đã và đang hành động quyết liệt, phá tan những 'tảng đá cản đường', biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Không để đất nước lỡ cơ hội phát triển vì điểm nghẽn thể chế
Trong hành trình phát triển của mỗi quốc gia, thể chế-hệ thống luật pháp, chính sách và thiết chế quản lý có chất lượng-đóng vai trò không khác gì những con đường cao tốc lớn, thông thoáng và vững chắc, giúp các nguồn lực xã hội được lưu thông và phát huy tối đa hiệu quả.
“Do đó, để đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ, chúng ta dứt khoát nói "không" với bất cứ hạn chế, bất cập nào trong thể chế, pháp luật; không thỏa hiệp với bất kỳ yếu kém nào trong thiết kế chính sách, soạn thảo pháp luật, hay tổ chức thực thi”-phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm mang tính định hướng chiến lược và cam kết chính trị mạnh mẽ đối với công cuộc xây dựng, hoàn thiện thể chế. Theo đó, trách nhiệm này thuộc về toàn hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Chính phủ.

Trạm khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên của miền Bắc được đưa vào sử dụng tại Bắc Ninh. Ảnh: CHUNG SƠN
Những nhiệm vụ Đảng giao cho Quốc hội cũng như sự kỳ vọng của nhân dân đối với Quốc hội ngày càng lớn hơn, đòi hỏi quyết sách của Quốc hội kịp thời thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các quy định của pháp luật; tạo động lực thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trên tinh thần ấy, việc xây dựng, ban hành pháp luật cần kịp thời, bám sát thực tiễn để không “chậm trễ, mất cơ hội” phát triển đất nước đã được Quốc hội và các đại biểu Quốc hội quán triệt sâu sắc. Toàn bộ hệ thống Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã dốc sức làm việc với quyết tâm cao nhất, chạy đua với thời gian để triển khai chủ trương lớn của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trong suốt 35 ngày diễn ra Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, phòng làm việc của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội được ví như những “công xưởng” làm việc không quản ngày đêm, xuyên cả nghỉ cuối tuần để tiến hành tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trước giờ bấm nút. Trong nhiều cuộc làm việc ngoài giờ hành chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ, vì việc chung, vì sự phát triển của đất nước, mỗi người đều phải cố gắng gấp đôi, gấp ba.
Hệ thống thể chế “mở đường”
Kết quả của Kỳ họp thứ chín đã phản ánh một khối lượng công việc khổng lồ với nhiều nhiệm vụ khó, lần đầu tiên được Quốc hội tiến hành cùng lúc. Tính tới trước thời điểm Kỳ họp thứ chín bắt đầu, Quốc hội các khóa đã ban hành 213 luật, bộ luật đang có hiệu lực pháp luật. Chỉ trong Kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về 54 dự án luật, nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp (thông qua 34 luật, 14 nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác). Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Huế) nhấn mạnh: Điều này thể hiện quyết tâm tháo gỡ mọi rào cản thể chế trên các lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch, biến chính sách, pháp luật thành động lực phát triển.
Các nghị quyết quan trọng cũng đã được Quốc hội xem xét, ban hành; kịp thời cụ thể hóa “bộ tứ trụ cột” nghị quyết của Bộ Chính trị. Trong đó, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới được coi là "đột phá của đột phá" trong việc xây dựng và thi hành pháp luật. Nghị quyết đặt ra mục tiêu: Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật; đến năm 2030, Việt Nam sẽ có một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi và được thực hiện nghiêm minh.
Chỉ chưa đầy 20 ngày sau khi Nghị quyết số 66-NQ/TW được ban hành, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã bắt tay ngay vào việc thể chế hóa tinh thần nghị quyết thông qua Nghị quyết số 197/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Nghị quyết số 206/2025/QH15 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật được Quốc hội thông qua ngày 24-6 tại Kỳ họp thứ chín cũng là một phần quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, đặc biệt trong việc xử lý các vướng mắc do quy định pháp luật gây ra. Nghị quyết này được đánh giá là một cơ chế đặc biệt, cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ có thể ban hành các quy định, văn bản để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh, đặc biệt là những vướng mắc, chồng chéo, không rõ ràng, hoặc gây cản trở cho sự phát triển. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc "tổng tấn công" cho việc rà soát tổng thể những khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Tương tự, chỉ chưa đầy 15 ngày sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành, Quốc hội đã thể chế hóa tinh thần nghị quyết thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Các chính sách đặc biệt được ban hành gồm chính sách thuế, đất đai, hạ tầng và chuyển giao công nghệ; cải cách thủ tục đầu tư, cấp phép; tăng khả năng tiếp cận tín dụng và huy động vốn của khu vực tư nhân... được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Những việc làm cụ thể trên không chỉ là minh chứng cho vai trò trung tâm của Quốc hội trong kiến tạo thể chế phát triển mà thể hiện rõ tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, khi có vấn đề thực tiễn phát sinh phải giải quyết ngay và giải quyết đến cùng, có hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu phát triển trong gần 4 thập kỷ qua kể từ thời kỳ đổi mới: Tỷ lệ nghèo giảm đáng kể, tăng trưởng kinh tế nhanh và kết quả phát triển con người được nâng cao. Nhưng mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045-đánh dấu mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước-đòi hỏi Việt Nam sẽ phải có những cải cách sâu hơn để tạo ra những đột phá mạnh mẽ. Trong tiến trình đó, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Quốc hội đang thể hiện vai trò “kiến trúc sư trưởng” của hệ thống thể chế, tạo tiền đề cho Việt Nam cất cánh.
(còn nữa)