Ra mắt sàn giao dịch khoa học công nghệ Việt Nam
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ra mắt sàn giao dịch khoa học công nghệ Việt Nam, với mục tiêu thúc đẩy giao dịch công nghệ, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Sàn giao dịch khoa học công nghệ Việt Nam có chức năng hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trưng bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị chào bán qua các gian hàng.
Sàn được đầu tư và vận hành theo mô hình hợp tác công - tư, trong đó Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, nền tảng sàn trực tuyến, chia sẻ cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua bán công nghệ qua sàn, đảm bảo an toàn, minh bạch và đồng bộ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh và các đại biểu nhấn nút ra mắt sàn giao dịch khoa học công nghệ Việt Nam. Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phát biểu tại lễ ra mắt chiều 30/6, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết, sàn giao dịch khoa học công nghệ sẽ là nơi kết nối để cung cấp thông tin sản phẩm khoa học công nghệ để người bán người mua có thể tra cứu và kết nối với các chuyên gia để nhận được hỗ trợ nhằm tiến tới bước cuối là trao đổi, thỏa thuận giao dịch.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển sàn và thúc đẩy xây dựng các sàn giao dịch công nghệ chuyên biệt cho các ngành và liên thông với sàn giao dịch khoa học công nghệ. Các tổ chức trung gian cũng được tạo điều kiện lên sàn để hỗ trợ cho loại hàng hóa đặc biệt là khoa học công nghệ. Mục đích chính của sàn giao dịch này là đưa khoa học công nghệ vào kinh doanh.
Sàn giao dịch khoa học công nghệ Việt Nam sẽ có thông tin về 600 công nghệ chào bán dưới dạng thiết bị, máy móc; 50 nhu cầu tìm mua công nghệ; 150 chuyên gia tư vấn và môi giới công nghệ. Sàn có chức năng hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trưng bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị chào bán qua các gian hàng.
Các cơ quan liên quan cần phải thực hiện phát triển thêm các tính năng như tương tác cung - cầu công nghệ trực tuyến; tư vấn, môi giới công nghệ; công cụ thống kê số lượng và giá trị giao dịch; các dịch vụ tư vấn về tài chính, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ…. Đồng thời, cần phát triển, hoàn thiện và kết nối đến các cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; kết hợp sàn trực tuyến và trực tiếp.
5 định hướng phát triển sàn giao dịch khoa học công nghệ Việt Nam
Tại sự kiện, ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ một số định hướng phát triển chính cho sàn giao dịch khoa học công nghệ Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế và chính sách với hành lang pháp lý đầy đủ, cụ thể, từ việc thành lập đến cơ chế, đầu tư và cơ chế tài chính, hỗ trợ tài chính và các ưu đãi cho tổ chức tham gia vận hành và sử dụng sàn giao dịch.
Thứ hai, sàn giao dịch khoa học công nghệ sẽ phát triển và hoạt động theo mô hình kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp nhằm nâng cao hiệu quả giao dịch công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, sàn sẽ tổ chức các bộ phận để hỗ trợ các bên trong quá trình giao dịch công nghệ như bộ phận tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp, bộ phận sự kiện và triển lãm, bộ phận giao dịch trực tuyến. Trong đó, đội ngũ chuyên gia tư vấn và môi giới công nghệ tại sàn có vai trò đặc biệt quan trọng và không thể thiếu.
Thứ tư, sàn sẽ được đầu tư và phát triển theo mô hình công - tư, kết hợp nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn tư nhân.
Thứ năm, việc vận hành và quản lý sàn sẽ được thực hiện bởi doanh nghiệp hoặc tổ chức được thành lập theo mô hình doanh nghiệp, tự chủ về tài chính và có thể thu hút đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau. Việc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp giúp sàn có khả năng phản ứng linh hoạt, nhanh nhạy với những biến động của thị trường, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh hiệu quả hơn.
Dự kiến sàn giao dịch khoa học công nghệ Việt Nam chính thức đi vào vận hành vào tháng 11/2025.