Dấu ấn mang tên Cái Mép – Thị Vải
Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) càng khẳng định vị thế khi là cảng đặc biệt, có năng lực đón siêu tàu và là cụm cảng có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ.
Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng biển nước sâu ở Bà Rịa – Vũng Tàu và là một trong 2 cảng đặc biệt của Việt Nam hiện nay (cùng với cảng quốc tế Hải Phòng). Cái Mép – Thị Vải có vai trò là cảng cửa ngõ kết nối giao thương hàng hóa đường thủy của các tỉnh phía Nam và là cảng trung chuyển quốc tế công suất lớn, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Trên thế giới, hiện có 3 liên minh hãng tàu lớn hoạt động (gồm 2M, Ocean Alliance, The Alliance) và Cái Mép - Thị Vải đang là một trong những cảng lớn mà cả 3 liên minh này đều có tuyến dịch vụ. Những tuyến dịch vụ có hành trình dài ngày đặc biệt là tuyến Á-Âu đều do những siêu tàu vận chuyển.
Tính đến tháng 12-2023, Cái Mép – Thị Vải đã thiết lập được 35 tuyến tàu container quốc tế vào cảng hàng tuần (11 tuyến nội Á, 10 tuyến bờ Đông nước Mỹ, 8 tuyến bờ Tây nước Mỹ, 2 tuyến Mỹ - Canada, 4 tuyến châu Âu), tăng 3 tuyến so với năm 2022.
Nhờ khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn mà các cảng ở Cái Mép - Thị Vải có thể tiếp nhận được tàu có sức chở đến 24.000 TEU, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến các cảng châu Âu chỉ còn từ 23 đến 31 ngày. Ngoài ra, khi luồng Cái Mép – Thị Vải được nạo vét sâu -15,5m, Cái Mép – Thị Vải có lợi thế cạnh tranh hơn khi các tàu mẹ vừa khai thác hàng xuất nhập khẩu kết hợp cả trung chuyển để tăng kết nối.
Một số dấu son đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Cái Mép – Thị Vải có thể kể đến là vào cuối tháng 2-2023, siêu tàu du lịch Spectrum of the Seas đã đưa hơn 3.800 du khách quốc tế (trên hành trình du ngoạn Đông Nam Á) cập cảng Tân Cảng-Cái Mép. Đây là tàu du lịch quốc tế thứ 7 và là chuyến tàu chở nhiều du khách nhất, cập cảng ở Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tháng 3-2023, tàu container OOCL Spain đã cập cảng Gemalimk ở Cái Mép - Thị Vải an toàn. Đây là một trong những tàu lớn nhất thế giới hiện nay với chiều dài gần 400m, rộng 61,3m, vừa xuất xưởng vào tháng 2-2023. Đây cũng là tàu container lớn nhất từ trước tới nay cập cảng Cái Mép-Thị Vải.
Với sức chở lên đến 24.188 TEU, tổng chiều dài 399,99 m và rộng 61,3 m, cùng mớn nước tàu vào -15 m và mớn nước tàu ra -15,5 m, OOCL Spain được xếp hạng là một trong những siêu tàu container lớn nhất thế giới. Đây là chuyến hành trình đầu tiên của tàu OOCL Spain trên tuyến Á - Âu LL3 đi qua các cảng biển của Trung Quốc, ghé Cái Mép rồi theo các hải trình Singapore - Piraeus - Hamburg - Rotterdam - Zeebrugge - Valencia - Piraeus - Abu Dhabi - Singapore - Thượng Hải. Hành trình kéo dài 84 ngày.
Việc hãng tàu OOCL lựa chọn Cảng Gemalink là một điểm kết nối tin cậy trong tuyến dịch vụ của hãng một lần nữa khẳng định năng lực của Cảng Gemalink trong việc tiếp nhận các thế hệ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các hãng tàu quốc tế, đồng thời củng cố hơn nữa vai trò quan trọng của cụm cảng nước sâu Cái Mép trên các tuyến hàng hải xuyên châu lục.
Tháng 5-2023, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence công bố Chỉ số CPPI cho 348 cảng container toàn cầu, bao gồm cảng Hub port trung tâm trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ xuất nhập khẩu quốc gia. Đáng chú ý trong số đó, cảng Cái Mép - Thị Vải của Việt Nam giữ vị trí thứ 12, cao hơn một số cảng biển lớn như Singapore (vị trí thứ 18), Yokohama - Nhật Bản (vị trí thứ 15), Busan - Hàn Quốc (thứ 22). Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải cũng được xếp vào nhóm cảng biển lớn với sản lượng hàng container thông qua đạt hơn 4 triệu Teu/năm. Đặc biệt, Cái Mép vẫn tiếp tục duy trì vị trí thứ 13 (theo cách tính kỹ thuật, cho trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó).
Bảng xếp hạng này căn cứ trên các tiêu chí liên quan tới thời gian tàu container cần để hoàn thành việc bốc và dỡ container tại một cảng trong toàn bộ thời gian suốt năm 2022.
Tháng 6-2023, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng xác lập kỷ lục mới về năng suất khai thác khi làm hàng cho tàu mẹ Maersk Emden với năng suất cảng kỷ lục 233 container/giờ, cho gần 7.000 TEU hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và container rỗng đã được xếp dỡ nhanh chóng, an toàn chỉ trong khoảng 20 giờ. Nhờ đó, tàu mẹ Maersk Emden khởi hành sớm hơn 3 giờ so với kế hoạch, đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam kết nối một cách nhanh nhất với thị trường nước Mỹ.
Năng suất cảng đạt 233/ container/giờ thường đạt được khi sử dụng 7-8 cẩu bờ cỡ lớn cho tàu mẹ và ở các cảng trung tâm trung chuyển lớn trên thế giới. Thế nhưng, với chỉ 6 cẩu bờ đưa vào xếp dỡ, năng suất cẩu trung bình trên 42 container/giờ, CMIT đã tạo ra kỷ lục khai thác ấn tượng, tiếp tục nâng tầm vị thế của khu cảng nước sâu CM-TV và ngành cảng biển Việt Nam trên bản đồ cảng biển thế giới.
Tháng 10-2023, 2 tàu CMA CGM CHENNAI và CMA CGM CHILE đã rời Cảng Gemalink (Cái Mép - Thị Vải) sau khi cùng nhau cập bến an toàn và lập kỷ lục mới về sản lượng xếp dỡ lên tới 30 ngàn TEU, năng suất khai thác trung bình đạt 127,5 move/giờ. Đây là mức sản lượng xếp dỡ cao nhất tại Việt Nam từ trước đến nay và đến nay chỉ có Gemalink có đủ năng lực xếp dỡ cùng lúc 2 chuyến tàu có trọng tải lớn.
Theo các doanh nghiệp cảng biển, các hãng tàu có xu hướng nhận tàu cỡ lớn rất nhiều, như: Evergreen của Cosco, OOCL của MSC. Họ nhận những con tàu đến 24.000 TEU, với trọng tải có thể lên đến 220-232 ngàn DWT. Do đó, việc Cái Mép-Thị Vải đón được những siêu tàu, đồng nghĩa tính cạnh tranh của cụm cảng nước sâu này càng nâng tầm với các cảng khác trong khu vực. Và trong tương lai, Cái Mép-Thị Vải hoàn toàn có thể nghĩ đến một vị thế mới, đứng đầu Việt Nam và xếp thứ 2 Đông Nam Á.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dau-an-mang-ten-cai-mep-thi-vai-196240207141709538.htm