Dấu ấn người lính qua những trang viết

13 năm quân ngũ chưa phải là dài so với một sĩ quan quân đội nhưng là khoảng thời gian mà ông Lê Đình Thảo, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có nhiều kỷ niệm đẹp đáng nhớ.

Tác giả Lê Đình Thảo (trái) tặng sách cho cán bộ giảng viên, học viên Trường sĩ quan chính trị. Ảnh: N.HÀ

Tác giả Lê Đình Thảo (trái) tặng sách cho cán bộ giảng viên, học viên Trường sĩ quan chính trị. Ảnh: N.HÀ

Mới đây, ông Thảo đã cho ra mắt 3 cuốn sách gồm: Hoa đào trên đất phương Nam, Sinh viên quân đội và mối tình qua những bức thư, Phật giáo - đôi điều cảm nhận. Đáng chú ý, mỗi trang viết của ông đều thấm đẫm nhiều kỷ niệm của một thời quân ngũ.

* Đọc sách của ông, người đọc thấy rõ tình cảm mà ông dành cho 13 năm quân ngũ. Đó có phải là quãng thời gian có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông?

- Mùng 2 Tết Âm lịch năm 1975, tôi nhập ngũ vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 186, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1.

Ngày 27-4-1975, đơn vị của tôi phối hợp các đơn vị bạn tiêu diệt tiểu đoàn bảo an ở Bình Cơ - Bình Mỹ (tỉnh Sông Bé cũ). Đơn vị bị pháo địch phản công hy sinh nhiều đồng đội, còn lại tôi và một đồng đội nữa sống sót. Ngày 29-4-1975, chúng tôi phối hợp các đơn vị bạn đánh vào nhà tù Phú Lợi, giải phóng tỉnh Bình Dương…

Những năm tháng sau đó, đơn vị lên rừng chặt tre, nứa về xây dựng doanh trại, tôi làm liên lạc ở đại đội quân y thuộc Trung đoàn 186, rồi làm anh nuôi, chỉ huy nhóm 24 nữ bộ đội, làm quản lý (kế toán ở khu vực bếp) thuộc Trung đoàn bộ 186 cho đến năm 1980 tôi được ra học tại Trường sĩ quan chính trị (Hà Nội) đến năm 1984 tốt nghiệp, tôi về công tác tại Trường sĩ quan lục quân 2 (Đồng Nai) cho đến hết năm 1987. Sau đó tôi chuyển ngành ra công tác tại H.Tân Phú và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai.

Quãng thời gian trong quân ngũ không dài nhưng với tôi là những kỷ niệm không thể nào quên, đặc biệt là những giây phút chứng kiến đồng đội hy sinh khi bị địch phản pháo. Mãi 25 năm sau này, tôi và mọi người mới tìm thấy hài cốt đồng đội đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương. Hằng năm vào dịp cuối tháng 4, tôi vẫn cùng gia đình sang viếng mộ đồng đội để tri ân tưởng nhớ những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

* Đó có phải lý do để ông viết sách?

- Đến bây giờ, tôi vẫn là người lính. Tôi trân trọng tình đồng chí, đồng đội trong cuộc đời quân ngũ, quý mến các em, các cháu bộ đội ngày nay.

Từ điều này, đúng là các cuốn sách của tôi khi xuất bản đều phảng phất hoặc nhắc lại những kỷ niệm một thời quân ngũ. Trong đó, cuốn Sinh viên quân đội và mối tình qua những bức thư phản ánh một khoảng thời gian thực của chính tôi thông qua nhân vật Lê. Trong tác phẩm này, trước khi xuất bản, tôi đã xin phép tất cả các nhân vật để tên thật. Chỉ riêng Quỳnh Anh (tên thật là M.Anh) - người con gái nhận những bức thư và trả lời thư của tôi là tôi không biết đang ở đâu.

Bà xã tôi đã đọc cuốn sách và trân trọng điều này. Đó là mối tình đẹp của đời học viên lính. Nói như trong đạo Phật là nhân duyên đẹp của một chàng sĩ quan với cô gái sinh viên sư phạm. Nhưng sau này do hoàn cảnh khó khăn, không thể đến được với nhau, thì đó là có duyên mà không có phận.

Bìa cuốn sách Sinh viên quân đội và mối tình qua những bức thư

Bìa cuốn sách Sinh viên quân đội và mối tình qua những bức thư

* Cuốn Sinh viên quân đội và mối tình qua những bức thư của ông đã cho bạn đọc hiểu thêm về đời sống học viên quân đội. Ông có thấy, giữa thế hệ của ông và các bạn học viên quân đội ngày nay có gì khác biệt?

- Học viên quân đội thì thời nào cũng vậy. Đó là cùng học trong môi trường mà đòi hỏi ở người học phải có sự nỗ lực cao nhất. Việc chấp hành các quy định, chế độ của nhà trường, kỷ luật của quân đội giống nhau. Qua đó, đòi hỏi ở mỗi người học phải vượt lên chính mình để thích nghi rồi trở thành ý thức tự giác trong cuộc sống.

Tuy nhiên, thế hệ của tôi có khi được tuyển chọn vào trường còn phải học để tốt nghiệp THPT; phải là đảng viên, là hạ sĩ quan và là những người đã từng trải qua chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Còn sinh viên quân đội ngày nay phần đông các cháu đều đã tốt nghiệp THPT.

Điểm khác nữa là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm trong chỉ huy của thế hệ chúng tôi trước đây đều xuất phát từ thực tế chiến trường. Điều kiện sống, ăn ở khó khăn hơn, còn phải độn khoai tây, bo bo, mì; thức ăn chủ yếu rau luộc, may mắn thì có miếng thịt; canh là nước luộc rau mà chúng tôi thường đùa nhau là “bát canh toàn quốc”. Nước chấm chủ yếu muối, gạo rang cháy hay chúng tôi gọi là “nước chấm đại dương”. Đời sống tinh thần lúc đó chỉ có 1 tờ báo quân đội cho cả đơn vị chuyền tay nhau đọc, không có tivi, không mạng, một tháng được một tối xem phim màn ảnh rộng. Học trên lớp thì tự nghe giảng, tự học, tham khảo sách trên thư viện và tập trung thảo luận…

Còn sinh viên quân đội ngày nay, các cháu sướng hơn rất nhiều. Mọi chế độ đều được đảm bảo theo đúng quy định. Hệ thống thông tin, internet, truyền hình, tivi… đầy đủ và bảo đảm tốt cả đời sống vật chất lẫn tinh thần.

* Được biết, sau khi xuất bản, ông đã dành tặng cuốn sách cho một số trường quân đội, trong đó có Trường sĩ quan chính trị, nơi ông đã từng học và được cán bộ, giảng viên, học viên đón nhận nhiệt tình. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

- Tôi tặng 50 cuốn sách trong số 3 đầu sách của tôi đã được xuất bản cho thầy và trò Trường sĩ quan chính trị như một lời tri ân đối với cán bộ, giảng viên đã đào tạo chúng tôi thời ấy. Đồng thời muốn chia sẻ một chút kỷ niệm của thời học viên thế hệ chúng tôi với các bạn học viên trẻ hiện nay.

Tuy khác nhau về độ tuổi, về thế hệ nhưng học viên quân đội thời nào cũng có chung kỷ luật nghiêm khắc, chung nội quy rèn luyện, huấn luyện trong quá trình học tập với cường độ cao... Có lẽ chính điều này đã hun đúc và góp phần xây dựng nên phẩm chất cao quý và bản chất truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tôi đang dự định làm việc với Trường sĩ quan lục quân 2 - nơi tôi từng công tác để tiếp tục tặng cuốn sách. Qua đó, góp một phần nhỏ trong quá trình giáo dục, đào tạo cho thế hệ sinh viên trẻ trong quân đội hiện nay.

* Ông sẽ tiếp tục viết sách chứ?

- Sau 3 tác phẩm ra mắt, việc được bạn đọc đón nhận nhiệt tình đã cổ vũ, động viên tôi tiếp tục viết. Hiện tôi đã hoàn thành cuốn sách thứ 4 là Tân Phú - đất và người đang chờ huyện hỗ trợ kinh phí để xuất bản, sách khoảng 200 trang sẽ nói nhiều về quãng thời gian tôi sinh sống và làm việc tại H.Tân Phú.

Tôi cũng đang viết cuốn thứ 5 với tựa đề Làng Kênh quê mẹ và dự định viết cuốn thứ 6 Lính quân đoàn. Mong rằng với sự hỗ trợ của huyện và các cấp, ngành, sách sẽ sớm hoàn thành và ra mắt bạn đọc.

* Xin cảm ơn ông!

Ông Lê Đình Thảo sinh năm 1957, tại TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tết năm 1975, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 186, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng tỉnh Bình Dương. Sau đó, ông là học viên Trường sĩ quan chính trị. Tốt nghiệp năm 1984 ông về công tác tại Trường sĩ quan lục quân 2 đến năm 1987. Sau đó, ông chuyển ngành sang dân chính, công tác tại Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Phú và Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND H.Tân Phú. Từ năm 2011, ông là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai và nghỉ hưu năm 2017.

Ông Lê Đình Thảo sinh năm 1957, tại TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tết năm 1975, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 186, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng tỉnh Bình Dương. Sau đó, ông là học viên Trường sĩ quan chính trị. Tốt nghiệp năm 1984 ông về công tác tại Trường sĩ quan lục quân 2 đến năm 1987. Sau đó, ông chuyển ngành sang dân chính, công tác tại Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Phú và Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND H.Tân Phú. Từ năm 2011, ông là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai và nghỉ hưu năm 2017.

Nguyệt Hà (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202012/nguyen-pho-chu-tich-uy-ban-mttq-viet-nam-tinh-le-dinh-thao-dau-an-nguoi-linh-qua-nhung-trang-viet-3033602/