Dấu ấn những công trình trăm tuổi ở phường Sài Gòn

Phường Sài Gòn thuộc TP.HCM sở hữu quỹ kiến trúc đô thị có tuổi đời hơn một thế kỷ, tạo ra nhiều dấu ấn trong lòng người dân và du khách.

Phường Sài Gòn được hình thành từ việc sáp nhập các phường trên cơ sở sáp nhập toàn bộ phường Bến Nghé và một phần địa giới của hai phường lân cận là Đa Kao và Nguyễn Thái Bình, thuộc quận 1 cũ.

Đây là khu vực tập trung nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt gắn liền với tiến trình phát triển của TP.HCM từ thế kỷ XIX đến nay.

Phường Sài Gòn hiện quy tụ nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm, UBND TP.HCM, Nhà hát Thành phố, khách sạn Continental...

Tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM nằm trên đường Lê Thánh Tôn được xây dựng từ năm 1898 đến 1909, do kiến trúc sư người Pháp F. Gardès thiết kế. Với mặt tiền trang trí tinh xảo, kiểu mái dốc và tháp chuông giữa, đây là một trong những công trình đẹp nhất còn lại từ thời thuộc địa, nay là trung tâm hành chính của thành phố. Sau năm 1975, nơi đây trở thành trụ sở của HĐND và UBND TP.HCM.

Năm 2020, công trình này được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Từ năm 2023, UBND TP.HCM đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, mở cửa miễn phí để người dân và du khách khám phá. Chương trình được tổ chức định kỳ thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hình ảnh một chính quyền cởi mở - thân thiện - văn minh đô thị.

Cách đó không xa, phía đường Đồng Khởi, Nhà hát Thành phố được xây dựng từ năm 1898 đến 1900 theo phong cách cổ điển Pháp, lấy cảm hứng từ Nhà hát Opéra Garnier ở Paris. Với lối kiến trúc cầu kỳ, mặt tiền trang trí công phu.

Nhà hát Thành phố không chỉ là một công trình kiến trúc tiêu biểu mà còn giữ vai trò trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn của TP.HCM hơn một thế kỷ qua, phát huy vai trò là không gian biểu diễn giao hưởng, nhạc kịch, múa ballet, cải lương và nhiều loại hình nghệ thuật khác. Ngoài biểu diễn nghệ thuật, nhà hát còn được thuê tổ chức sự kiện văn hóa, lễ hội, hội nghị đặc biệt.

Bưu điện Trung tâm TP.HCM, xây dựng từ năm 1886 đến 1891, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu thời Pháp thuộc còn được bảo tồn nguyên vẹn. Do kiến trúc sư Gustave Eiffel phác thảo sơ bộ và kiến trúc sư Villedieu thiết kế chi tiết, tòa nhà mang đậm phong cách tân cổ điển châu Âu kết hợp với nét trang trí Á Đông.

Với mái vòm cao, khung thép lớn, cửa sổ hình vòm và bản đồ viễn thông Đông Dương xưa còn lưu giữ bên trong, nơi đây vừa là điểm giao dịch bưu chính, vừa là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của TP.

Với mặt tiền màu vàng tươi nổi bật, mái vòm cổ kính và những ô cửa đặc trưng, Bưu điện TP.HCM từ lâu trở thành điểm check-in không thể bỏ qua của du khách khi đến Sài Gòn.

Cạnh đó là nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, khánh thành năm 1880, là một trong những công trình tôn giáo lâu đời và mang tính biểu tượng bậc nhất của TP.HCM. Được xây dựng toàn bộ bằng vật liệu nhập từ Pháp, nhà thờ mang đậm phong cách kiến trúc Roman - Gothic, nổi bật với hai tháp chuông cao 60m.

Nơi đây không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng Công giáo, mà còn là điểm đến thu hút hàng triệu du khách mỗi năm nhờ vẻ đẹp cổ kính và vị trí đắc địa giữa trung tâm Sài Gòn. Từ năm 2017, nhà thờ bắt đầu được trùng tu toàn diện sau hơn một thế kỷ sử dụng, dự kiến kéo dài nhiều năm.

Tọa lạc tại số 8 đường Võ Văn Kiệt (quận 1 cũ), trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM là một trong những công trình kiến trúc tài chính đặc sắc của thành phố. Được xây dựng giai đoạn 1929-1930, công trình ban đầu là chi nhánh Ngân hàng Đông Dương tại Sài Gòn. Sau năm 1955, nơi đây trở thành trụ sở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và duy trì hoạt động đến ngày 30-4-1975.

Từ năm 1976 đến nay là trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, công trình phát huy vai trò là đầu mối quản lý tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Tọa lạc ở góc đường Đồng Khởi - Tôn Đức Thắng, nhìn ra sông Sài Gòn, khách sạn Majestic được xây dựng năm 1925. Ban đầu chỉ ba tầng với 44 phòng, tầng thượng mở rộng kiểu Pergola trở thành quán cà phê nhà hàng lộ thiên đầu tiên, nơi có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố và sông nước.

Hiện Majestic Sài Gòn gồm 175 phòng nghỉ và suite, được bài trí đậm dấu tích xưa như cửa kính màu, sàn lát đá cẩm thạch, nội thất gỗ kiểu cổ, đi kèm tiện nghi hiện đại. Đây là điểm dừng chân yêu thích của cả khách du lịch lẫn doanh nhân, bởi tiện nghi cao cấp cùng vị trí đắc địa gần Nhà hát Thành phố, Bến Nhà Rồng.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là tuyến đường trung tâm sôi động bậc nhất TP.HCM nói chung và phường Sài Gòn nói riêng, nối từ trụ sở UBND thành phố đến bến Bạch Đằng. Không chỉ là không gian công cộng hiện đại, nơi đây còn được xem là “trục năng lượng” của đô thị khi thường xuyên diễn ra các lễ hội, sự kiện văn hóa - giải trí quy mô lớn, thu hút hàng ngàn người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần hay lễ Tết.

Dọc các trục đường huyết mạch như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tôn Đức Thắng của phường Sài Gòn quy tụ nhiều khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại cao cấp, tòa nhà văn phòng hạng A và các căn nhà mặt tiền có giá thuộc hàng kỷ lục trên thị trường.

Không chỉ là trung tâm hành chính - văn hóa, phường Sài Gòn còn được xem là “trái tim kinh tế” của thành phố với hệ thống hạ tầng hiện đại, mật độ dịch vụ cao và sức hút đầu tư lớn.

Sau khi sáp nhập địa giới hành chính, trụ sở UBND phường Sài Gòn được đặt tại số 45-47 đường Lê Duẩn.

Nơi này được xây dựng từ năm 1876 và đến nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn nét kiến trúc ban đầu sau gần 150 năm tồn tại. Với giá trị lịch sử và nghệ thuật tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Pháp thuộc, công trình vừa được UBND TP.HCM xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào cuối năm 2024.

Biển tên trụ sở UBND phường Sài Gòn chính thức ra mắt vào ngày 1-7, đánh dấu thời khắc phường trung tâm mang tên gọi lịch sử bước vào giai đoạn hoạt động mới.

Sự kiện thu hút đông đảo người dân và du khách ghé qua, nhiều người tranh thủ chụp ảnh, check-in. Đây không chỉ là điểm nhấn hành chính, lịch sử giữa trung tâm đô thị, mà còn là một phần quan trọng trong hành trình nhận diện bản sắc phường Sài Gòn sau sáp nhập.

NGUYỆT NHI

THUẬN VĂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dau-an-nhung-cong-trinh-tram-tuoi-o-phuong-sai-gon-post860145.html